(QNO) – Tại các mô hình hợp tác xã (HTX) hiện nay, chuyển biến tích cực rõ nhất là các thành viên, người dân địa phương cùng hưởng lợi thông qua xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất.
Phát triển bền vững
Sau khi làng bích họa Tam Thanh hoàn thành và chào đón khách du lịch đến tham quan, bà Lê Thị Vân (thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) nhận thấy đây là thời điểm tốt để quảng bá hiệu quả thương hiệu nước mắm truyền thống của vùng Tam Thanh đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, bà chọn hướng phát triển song hành giữa bán sản phẩm nước mắm gắn với các hoạt động du lịch địa phương.
Năm 2017, HTX Nước mắm Tam Thanh được hình thành, hầu hết các thành viên đều hiểu rõ về quy trình làm mắm truyền thống nên khi khách du lịch đến tham quan, các thành viên đều có thể quảng bá sản phẩm đặc trưng của HTX.
Riêng đối với những đơn hàng lớn, mọi người sẽ kết nối cùng nhau chọn ra mẻ mắm thống nhất về thời gian ủ ướp, lọc và chiết để đảm bảo uy tín thương hiệu khi giao đến tay khách hàng.
Sự liên kết này giúp gần 10 hộ thành viên bán được hơn 25 lít nước mắm mỗi ngày với giá từ 45 – 60 nghìn đồng/lít. Ngoài sản phẩm nước mắm truyền thống, bà con trong thôn còn kết hợp bán thêm những món ăn quê đặc trưng được chế biến từ nước mắm của vùng cho du khách thưởng thức.
“Với mong muốn phát triển bền vững và hướng đến giá trị cộng đồng, HTX Nước mắm Tam Thanh đã định hướng rõ ràng cho các thành viên cần đi theo lợi ích chung, không nên vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động du lịch của vùng. Nhận thức được điều này, giờ đây người dân trong làng đều phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng để tạo nên giá trị chung, có ích cho mọi người” - bà Vân khẳng định.
Sau 4 năm sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, bà Võ Thị Thủy quyết định thay đổi mô hình lên HTX vào tháng 11/2022 với mong muốn thương hiệu sản phẩm được phát triển khởi sắc hơn.Giám đốc HTX Nông nghiệp - dược liệu Tam Anh Nam Võ Thu Thủy cho biết: “Thay vì phải bỏ nhiều vốn để đầu tư cho việc mở rộng quy mô cơ sở thì việc liên kết trở thành mô hình HTX lại giúp chúng tôi tối ưu được nhiều chi phí. Điều rất vui là chúng tôi được định hướng rõ ràng từ Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương”.
Bà Thủy nhìn nhận, cái hay của mô hình HTX chính là sự kết nối từng thành viên để tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh. 8 thành viên hiện tại của HTX đều là những bạn trẻ 9X, thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau như công nghệ thông tin, giáo viên, công nghệ sinh học, cơ khí, điện… Chính vì mỗi ngành nghề mang một thế mạnh riêng nên việc quảng bá sản phẩm, marketing thương hiệu và bán hàng được các thành viên thực hiện rất hiệu quả.
Không những đem lại giá trị lợi nhuận cho thành viên, HTX Nông nghiệp - dược liệu Tam Anh Nam còn tạo điều kiện để các nông hộ khu vực có thêm nguồn kinh tế ổn định thông qua việc thu mua rơm của họ để làm phôi trồng nấm. Liên kết với hộ sản xuất tinh dầu tràm Út Anh, bao tiêu nguyên liệu tràm gió của các hộ dân. Ngoài ra, việc hình thành HTX còn góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Tam Anh Nam.
“Điều quan trọng nhất mà HTX chúng tôi hướng đến là liên kết với người dân phát triển giá trị bản địa trong từng sản phẩm. Từ đó, không chỉ HTX có lợi nhuận mà cộng đồng nông dân trên địa bàn sẽ có thêm công việc, thu nhập ổn định trong tương lai” – bà Thủy nói.
Thu hút lao động nông thôn, làng nghề
Để tăng cường khuyến khích kinh tế hợp tác, sản xuất trong nhân dân, năm 2021, Quảng Nam đã thành lập Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại với kinh phí hoạt động hỗ trợ mỗi năm khoảng 7 tỷ đồng. Qua đó, kịp thời hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại thông qua việc đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công.
Trong đó, điểm nhấn là tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để các tổ chức HTX, cá nhân đầu tư sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn, làng nghề.
Ngân sách tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí khoảng 133 tỷ đồng để hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức HTX, thực hiện công tác tuyên truyền kiến thức về kinh tế tập thể, hỗ trợ đào tạo, thu hút lao động trẻ về làm việc.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở đã tham mưu cho tỉnh thực hiện đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng trồng, diện tích cho tương xứng với thị trường. Trên cơ sở quy hoạch giống cây, loại cây phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho chứng nhận xuất xứ, chứng chỉ vùng trồng. Gắn quy hoạch vùng trồng với quy hoạch công nghiệp chế biến, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của địa phương thì gắn với bảo quản sau thu hoạch và chế biến sâu. Liên kết từ người nông dân, HTX đến các doanh nghiệp chế biến sâu, xuất khẩu.
“Tiếp tục quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng về thương mại điện tử cũng như nhận thức về hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cho các chủ thể sản xuất, HTX, doanh nghiệp để họ có sự liên kết, tìm kiếm thị trường để xuất khẩu. Từ đó, không những thị trường nội địa mà hướng tới xuất khẩu, mang lại giá trị nông sản cao hơn cho người nông dân” – ông Đặng Bá Dự nói.