Hợp xướng những tâm hồn

SONG ANH - MINH HẢI 04/05/2015 08:16

Bản sắc văn hóa Á, Âu, Phi đã về tụ hội tại Hội An để làm nên những cuộc gặp gỡ đặc sắc qua âm nhạc.
Cuộc thi Hợp xướng quốc tế lần IV năm 2015, quy tụ hơn 1.400 nghệ sĩ đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, vừa kết thúc hôm 2.5. Ông Thomas Schule, Giám đốc dự án của cuộc thi Hợp xướng quốc tế khẳng định: “Đây không chỉ là một cuộc giao lưu âm nhạc. Quan trọng hơn, chúng tôi muốn tạo nên một cái bắt tay bền vững giữa các nước tham dự để có thể giao hòa văn hóa thông qua sự kiện âm nhạc này”.

Giao hòa văn hóa

Từ thông điệp như vậy, 40 đoàn nghệ thuật đến từ các châu lục đã cùng nhau bắt tay và truyền đi bản sắc văn hóa của mình, từ một không gian bé nhỏ như Hội An. Các thể loại nhạc kịch, thanh xướng kịch, giao hưởng… được chuyển tải bằng ngôn ngữ bản xứ, với lối diễn tấu tập thể, trong những giai điệu đậm bản sắc của xứ sở, khiến người nghe chìm trong cảm giác đồng vọng cùng âm hưởng hợp xướng. Các xứ sở âm nhạc từ châu Á, như Indonesia, Philippines hay những vùng đất với các đoàn hợp xướng nhà thờ đã hình thành hàng trăm năm từ châu Âu, cùng cống hiến hết mình cho “đại nhạc tiệc” tại Hội An.

Dự thi hợp xướng quốc tế.Ảnh: MINH HẢI
Dự thi hợp xướng quốc tế.Ảnh: MINH HẢI

Mỗi đoàn hợp xướng đến với liên hoan lần này đều mang theo trong mình tình yêu, niềm tự hào của nền văn hóa đã sinh ra họ, và âm nhạc cũng không nằm ngoài thiên chức ấy. Bằng thanh âm, các nghệ sĩ đã gắn kết với nhau để cùng hòa chung trong những khúc hợp xướng bản địa. Đoàn hợp xướng của PSM Unpar Tabela Harati Indonesia xuất sắc mang tinh thần của vùng đất đầy bí ẩn, quyến rũ với những tập tục lễ nghi và truyền thống văn hóa pha trộn giữa vùng biển đảo và núi lửa, đã chiếm trọn trái tim của người thưởng ngoạn. Khúc trình tấu của họ góp nhặt đầy đủ những thanh âm như gió, mưa bão, tiếng vọng của trái đất, kể cả những cung bậc cảm xúc khác nhau trong cõi người. Âm nhạc truyền thống của Indonesia được cho là có nguồn gốc sớm nhất là vào thế kỷ thứ III. Đại diện đoàn hợp xướng PSM Unpar Tabela Harati của Indonesia chia sẻ: “Người dân Indonesia coi âm nhạc là một phần của cuộc sống. Âm nhạc xuất hiện trong các nghi lễ - sống và chết, chiến tranh, các cuộc biểu diễn cùng với các điệu vũ trên đường phố, trong lễ hội. Nhưng thực sự chúng tôi rất ngạc nhiên khi giành chiến thắng tại Cuộc thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ 4. Đây là một sự may mắn. Dù cho âm nhạc là nguồn sống của người dân chúng tôi”.

Truyền tải những thông điệp

Ông Angelito - Nhạc trưởng đoàn Philippines cho biết, thông điệp mà đoàn  muốn chuyển tải tại cuộc thi lần này là dùng âm nhạc để đoàn kết mọi người với nhau, âm nhạc sẽ là nhịp cầu của sự đoàn kết quốc tế. “Đặc biệt, thời điểm hiện nay chúng ta đang phải chứng kiến nhiều thảm họa thì chính âm nhạc là yếu tố tích cực để gắn kết mọi người lại gần nhau hơn” - ông Angelito nói. Trong khi đó, Giám đốc nghệ thuật Hiệp hội Interkulter GS-TS. Ralf  Eisenbei bày tỏ: “Chúng tôi rất tự hào khi tổ chức sự kiện này với thông điệp: “Cùng hát cùng mang các quốc gia đến gần với nhau hơn. Đặc biệt là hội thi diễn ra tại thành phố Hội An của Việt Nam - một trong những địa điểm đẹp nhất để ca hát và hội ngộ. Chúng tôi đã có những ngày tuyệt vời ở đây”.

Hơn 1.400 nghệ sĩ đến từ 40 đoàn hợp xướng của 15 quốc gia trên thế giới đã tranh tài ở 13 môn thi, chia thành 6 nhóm như hợp xướng nam, hợp xướng nữ, hợp xướng nam nữ, hợp xướng thính phòng, hợp xướng thánh ca, hợp xướng dân gian… Chung cuộc, ban tổ chức đã trao 41 huy chương vàng, 12 huy chương bạc cho các đoàn tham dự có thành tích cao. Đặc biệt giải thưởng cao nhất của cuộc thi năm nay, giải “Hợp xướng Hội An” 2015 thuộc về đoàn hợp xướng PSM Unpar Tabela Harati của Indonesia.

Hội An chứ không phải nơi nào khác khi mỗi một vuông sân, góc phố đều có thể trở thành những không gian nghệ thuật, những sân khấu mở. Góp mặt tại cuộc thi hợp xướng lần này, Việt Nam có 4 đoàn tham gia, trong đó Đội hợp xướng nhí Hội An tiếp tục gửi đến bạn bè quốc tế những tác phẩm mang đậm tính truyền thống địa phương. Đó là điệu hò chèo thuyền, điệu dân ca hò khoan được viết lời bởi nhạc sĩ Trần Hồng. Chị Mỹ Phương, chịu trách nhiệm tập luyện cho đội hợp xướng nhí Hội An, chia sẻ: “Cùng với giai điệu dân ca, đạo cụ phụ trợ cho tiết mục các em là trống cơm, gáo dừa, sanh tiền, các em vừa hát vừa đánh, vỗ tay theo điệu nhạc. Như vậy, một bản “giao hưởng” dân ca đặc trưng Quảng Nam sẽ lưu dấu ấn trong lòng nhiều người, dù ở quốc gia nào”. Chung cuộc, tất cả đoàn hợp xướng của Việt Nam giành được 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc.

Thạc sĩ âm nhạc Đặng Châu Anh - giám khảo Cuộc thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ 4 chia sẻ, đây là cuộc thi có nhiều yếu tố bùng nổ nhất trong 4 năm từ khi Interkultur đã đến Việt Nam. “Năm nay rất nhiều đội mạnh đã đến với cuộc thi này, đặc biệt những đội châu Á thực sự “bùng nổ” như đội Indonesia, Philippines, bên cạnh đó có đội mới đến tham dự như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông. Các đội châu Âu là Phần Lan, Đức cũng đã mang tới “hơi thở” nhạc hàn lâm kinh điển khiến cho các hợp xướng viên đến từ các nước trên thế giới phải thực sự ngưỡng mộ”. Khép lại cuộc thi, với nhiều dư âm, trong đó ấn tượng nhất phải kể đến việc trình diễn các “giai điệu đường phố” diễu hành qua phố cổ Hội An, mỗi đoàn hợp xướng đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã “tranh thủ” quảng bá đất nước mình thông qua âm nhạc.

SONG ANH - MINH HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp xướng những tâm hồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO