Ngân hàng danh tiếng hàng đầu thế giới HSBC của Anh vừa đánh giá triển vọng lạc quan của kinh tế Việt Nam năm 2014.
Theo kết quả khảo sát của HSBC đưa ra ngày 6.2, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam đã tăng trong hai tháng liên tiếp, đạt 52,1 điểm trong tháng 1.2014, cao hơn so với 51,8 điểm trong tháng 12.2013. Đây cũng là chỉ số cao nhất trong hoạt động sản xuất tại Việt Nam trong gần 3 năm trở lại đây, chỉ thua mức kỷ lục hồi tháng 4.2011. Một chỉ số PMI dưới mức 50 điểm đồng nghĩa với sự suy giảm tổng thể của hoạt động mua hàng, trong khi chỉ số PMI cao hơn 50 điểm đồng nghĩa với sự tăng trưởng tổng thể. Chỉ số PMI ngành sản xuất tại Việt Nam của HSBC được xây dựng dựa trên dữ liệu thu nhập hàng tháng từ 400 nhà quản trị mua hàng ở các doanh nghiệp sản xuất tham gia trả lời khảo sát. Cũng theo HSBC, tốc độ giảm hàng tồn kho đang ở mức nhanh nhất kể từ tháng 2.2013 và việc làm đã tăng trong suốt 6 tháng qua. Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế Á Châu của HSBC tại Hồng Kông cho rằng: “Sự bật dậy đáng chú ý của lĩnh vực sản xuất phản ánh nhu cầu đã mạnh lên ở cả trong nước và nước ngoài sẽ giúp đẩy tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2014 của Việt Nam lên 5,6%, dù đây là mức thấp hơn chỉ tiêu 5,8% của chính phủ, nhưng cao hơn mức dự đoán 5,4% mà HSBC đưa ra hồi tháng 11.2013”.
ngành xuất khẩu giày dép của Việt Nam tiếp tục tăng. ảnh: Reuters |
Trong báo cáo mới nhất với tựa đề “2014: The year of exporters” (Năm của những nhà xuất khẩu), chỉ số quản trị mua hàng ngành sản xuất của HSBC (HSBC PMI) tại Việt Nam đã tăng lên 51,8 điểm trong tháng 12 năm ngoái, cao nhất kể từ tháng 4.2011 và cao hơn mức 50,3 điểm tháng trước đó. HSBC kỳ vọng, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 sẽ tăng trưởng 20%, cao hơn mức tăng 15,4% của năm qua. Tăng trưởng tại khu vực xuất khẩu cũng được cho là yếu tố có thể giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong năm nay. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đã chính thức khép lại với con số ấn tượng nhất từ trước đến nay: 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Hiện Việt Nam được đánh giá đang tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta cân bằng tốt giữa xuất khẩu và vốn đầu tư mang đến sự tăng trưởng như hiện nay. Nhờ sự phát triển các ngành công nghiệp thiết bị và phụ kiện thiết bị công nghệ, kim ngạch xuất khẩu và vốn đầu tư của Việt Nam tăng nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác.
Tuy nhiên, HSBC nhận định, mặc dù lạc quan về xuất khẩu, mức thặng dư thương mại 900 triệu USD mà Việt Nam có được trong năm 2013, vốn đã góp phần giúp ổn định vĩ mô, nhưng cũng là biểu hiện cho sự yếu kém của nhu cầu nội địa. Nguyên nhân dẫn đến điều này, theo HSBC, do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư thấp. Hơn nữa, nợ xấu hiện là một vấn đề lớn đang ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu trong nước. Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tính đến cuối năm 2013, tổng nợ xấu trong toàn hệ thống là hơn 140 nghìn tỷ đồng, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước.
QUỐC HƯNG (Theo BBC)