Một số đoạn, tuyến đường qua Điện Bàn và Duy Xuyên như tuyến ĐT 608 đoạn từ Điện Minh, Điện Phương (Điện Bàn) đi Hội An; tuyến giao thông thuộc khối phố Xuyên Tây (Duy Xuyên) bị hư hại, xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng đến an toàn lưu thông của người, phương tiện và mỹ quan đô thị...
Tuyến đường giữa lòng khối phố Xuyên Tây, thị trấn Nam Phước, nằm sau lưng Bệnh viện Đa khoa huyện Duy Xuyên bị xuống cấp nhiều năm nay chưa được quan tâm đầu tư. |
Hư hại đường đến phố cổ
Nhiều đoạn trên tuyến đường ĐT 608 từ địa phận xã Điện Minh đi qua Điện Phương (Điện Bàn) tiếp giáp với TP.Hội An đã hư hại, xuống cấp nặng nề nhiều năm qua song vẫn chưa được cải thiện, tu bổ căn cơ hoặc làm mới. Trên tuyến này, nhiều đoạn bị bong tróc lớp nhựa đường, xuất hiện nhiều vết nứt trên bề mặt và ổ gà, lòng đường nhỏ, hẹp, không có làn đường dành cho phương tiện thô sơ lưu thông. Trong khi đó, mật độ phương tiện xe khách, xe du lịch, ô tô và xe tải qua lại khu vực này rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Ước tính, đoạn bị hư hại nặng nhất kéo dài từ thôn Tân Minh (xã Điện Minh) tới ngã ba cống Ông Đá (thôn Triêm Đông 2, Điện Phương) tiếp giáp với đường vào phố cổ có chiều dài khoảng hơn 3 cây số.
Bà Phan Thị Tám, một người dân sống tại đoạn đường ngã 3 cống Ông Đá chia sẻ: “Đường hư hại nhiều rồi, dân đã chờ quá lâu mà chưa được xây lại. Sống ngay ngã ba nên tôi từng chứng kiến cảnh người đi đường té ngã do chất lượng mặt đường xấu, tai nạn giao thông cũng rất nhiều. Cứ hư đâu thì vá đó. Trước tết người ta cũng vá một đợt rồi nhưng qua thời gian đâu lại vào đấy”. Theo bà Lương Thị Luận (thôn Tân Mỹ, xã Điện Phương), do tuyến này có mật độ xe tải, xe khách, container, taxi lưu thông lớn, nhất là gần đây kể từ khi có trạm thu phí qua QL1 ở Điện Thắng, nhiều xe trốn thu phí thường chạy qua đoạn đường 608 này. Con đường này có lưu lượng xe lưu thông lớn, là tuyến trọng yếu nối liền giữa Điện Bàn và Hội An, có mật độ xe, phương tiện và khách du lịch đến với Hội An lớn. “Năm ngoái người dân lên tiếng quá nên người ta mới cho xây lại đoạn dưới cầu, đoạn gần Vinahouse. Những đoạn còn lại có hiện tượng chắp vá, mưa xuống thì càng nguy hiểm hơn nữa. Thực trạng này kéo dài gần 10 năm nay rồi” - bà Luận nói.
Tuyến đường ĐT 608 nối QL1 từ phường Vĩnh Điện đi Điện Phương, ngã ba Lai Nghi (Hội An) bị xuống cấp nặng nề. Ảnh: P.PHƯƠNG |
Được biết, tuyến ĐT 608 đoạn nối QL1 đến ngã ba Lai Nghi, TP.Hội An trước đó đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Dự án BOT mở rộng QL1 đoạn Km947 - Km987, tỉnh Quảng Nam. Nhiều người dân sống tại khu vực trên cho biết, đã có dự án mở rộng đường, người dân đã nhận được tiền hỗ trợ bồi thường, song vẫn không biết khi nào triển khai. Ai nấy mỏi mòn chờ giải tỏa, mở rộng đường để việc đi lại, sinh hoạt được thuận lợi, bộ mặt tuyến đường vào phố du lịch khang trang, sạch đẹp.
Đường tạm bợ giữa lòng phố
Nằm phía sau Bệnh viện Đa khoa huyện Duy Xuyên, cách trung tâm hành chính huyện 400 - 500m, nhưng con đường giữa khối phố Xuyên Tây (thị trấn Nam Phước) xuống cấp nghiêm trọng. Đường chỗ lồi chỗ lõm, chỗ được người dân đổ đá dăm, cát sạn, rồi đất đỏ để đi tạm. Con đường mưa lầy nắng bụi, tình trạng đọng nước lòng lề đường, ngõ nhà dân diễn ra suốt nhiều năm qua. Bà Huỳnh Thị Ngọc Linh (tổ 2, khối phố Xuyên Tây) nói: “Đường phố nhưng chỗ thấp, chỗ cao, cứ mưa xuống là ứ nước, lầy lội. Mỗi nhà đổ đất đá theo mỗi kiểu, không giống ai. Trong khi các con đường khác đã được nâng cấp khang trang thì ở đây đi lại vẫn khó khăn”.
Ông Lê Văn Long (khối phố Xuyên Tây 3, thị trấn Nam Phước) kể, đây là con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa từ rất lâu. Qua thời gian dài đường đã xuống cấp, người dân lên tiếng nhưng vẫn chưa được cấp trên quan tâm đầu tư. Để thuận tiện đi lại, mạnh ai nấy khắc phục tạm bợ. Mỗi nhà dân tự bỏ tiền đổ đất đá, sạn cát, bê tông... để vá đường đi tạm. “Nhiều người tới đây đã rất ngạc nhiên khi chỉ nằm sau Bệnh viện Đa khoa huyện Duy Xuyên chừng 150m, nằm cách UBND huyện chỉ có 400m nhưng giao thông đi lại quá bất tiện” - ông Long nói. Cũng theo ông Long, do đường sá xuống cấp, việc chở nông sản của người dân về nhà cũng bất lợi. Vì vậy ai nấy đều mong mỏi có được con đường sạch đẹp, thoáng đãng để diện mạo làng quê thêm khởi sắc.
TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG