Hùng "fulro" trong ký ức bạn bè

PHẠM THANH NGHỊ 16/05/2018 14:21

Nắng tháng Năm như táp lửa vào mặt, tôi cùng Trung tá Huỳnh Văn Đen - cán bộ Công an huyện Tiên Phước đến thăm Trung tá Trương Văn Hùng, cán bộ Đội Điều tra xử lý tai nạn, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh. Căn nhà đơn sơ ở phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ mang dấu ấn một thời tích cóp của vợ chồng anh.

Anh Trương Văn Hùng.
Anh Trương Văn Hùng.

1. Trương Văn Hùng bảo với tôi: “Nói về mình thật ngại quá!”. Biết tính khiêm tốn của bạn, Trung tá Đen tiếp lời: “Nhiều người bảo, Hùng “Fulro” là biệt danh anh em đơn vị năm xưa đặt cho chả. Chả chiến đấu cừ lắm, trận nào có chả là anh em yên tâm giáp chiến bất chấp hiểm nguy...”.  “Đâu dữ vậy - Trương Văn Hùng khiêm tốn ngắt lời - Mình cũng như anh em thôi. Có chăng là khi làm trung đội trưởng, phải gương mẫu đi đầu mới tạo được chí khí cho anh em. Giờ hồi tưởng lại những năm tháng gian khổ nơi núi rừng Tây Nguyên đầy nắng gió khắc nghiệt mới thấy sức chịu đựng của anh em thật đáng nể”.

Được sự khích lệ của Trung tá Đen, Hùng ngược dòng thời gian kể lại những năm tháng không thể nào quên của đời mình. Là con trai thứ 2 trong gia đình nông dân nghèo ở thôn Lộc Thọ, xã Tam Thái (Phú Ninh), năm 1984, Trương Văn Hùng vào ngành Công an. Sau 18 tháng học chuyên ngành Cảnh sát cơ động Trường Công an Thủ Đức TP.Hồ Chí Minh, tháng 6.1986 anh ra trường nhận công tác tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn E30, Cục C22 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), đóng quân tại xã Ya Tim, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Nơi núi rừng mịt mờ sương, không điện, đèn dầu hiu hắt, sốt rét triền miên, Hùng cùng anh em trai trẻ vẫn hăng say nhiệm vụ giữ gìn bình yên cho buôn làng. Những ngày tháng ấy, ăn măng rừng luộc riết da dẻ tái mét, người xanh xao, nhưng tinh thần ý chí vẫn nêu cao vững bền - giọng Trung tá Hùng đầy vẻ cương nghị. Anh kể trận truy kích Fulro đầu tiên: “12 giờ đêm 20.7.1987, đang ngủ thì được lệnh đi chiến đấu, đại đội chia 3 tổ, do Đại đội trưởng Nguyễn Duy Rõ chỉ huy. Đi 12 cây số trong sương đêm gió lạnh. Khoảng 2 giờ sáng, tới bờ suối Bờ Ngôn, bên kia suối là làng dân tộc Gia Rai và một làng kinh tế mới của người dân miền Bắc vào lập nghiệp. Fulro hoành hành, quấy phá liên tục khiến lòng dân hoang mang tột độ. Điều khó khăn là già làng bảo không được đánh trong làng, vì sợ người lạ chết sẽ gây đại họa nên Đại đội trưởng Rõ chỉ huy anh em mai mục chờ chúng rời khỏi làng mới đánh. Nhưng đến 6 giờ sáng thì được tin chúng đã thoát khỏi làng theo đường suối”.

Anh Trương Văn Hùng (phải) làm việc với tác giả.
Anh Trương Văn Hùng (phải) làm việc với tác giả.

Ngày 25.3.1989, cơ sở báo tin ở xã Biabre có một toán Fulro khoảng 20 tên về ẩn náu hoạt động. Được người này dẫn đường, 12 giờ đêm, trung đội trưởng Hùng cùng 3 tổ cắt rừng hành quân. Tới cây gỗ sao có chạn đôi, anh áp mặt vào nhìn về phía bên kia thấy cả đám bụi le nơi Fulro đang ẩn nấp. Định vị được nơi ẩn nấp của chúng, Hùng chỉ huy anh em băng qua những cánh đồng, hóc rẫy tiến quân. Hành quân cả ngày, đói khát anh em ăn lương khô, uống nước suối. Hùng kể tiếp: “Hơn 5 giờ sáng, triển khai các mũi chiến đấu, tôi đi mũi chính diện để chủ động tấn công. 5 giờ 45 phút, nghe tiếng ho của chúng, tôi đưa tay ra hiệu anh em nằm xuống. Một tên Fulro to con đang đứng trên quả đồi cách khoảng 10m đang uốn éo tập thể dục, sau đó trở vào bụi le. Nghe tiếng phát thanh của Đài Tiếng Nói Việt Nam vang lên từ trong bụi le, tôi cắn chốt quả lựu đạn, mở khóa khẩu AK chuẩn bị tấn công. 6 giờ 5 phút, tôi ném lựu đạn vào đội hình của chúng, điểm xạ những phát súng, hô xung phong và cùng anh em tiến lên. Tôi ném quả lựu đạn thứ hai thì nghe những tiếng la lớn: “Đầu hàng rồi, đầu hàng rồi. Em là Toh đây, Trưởng ZG 23, quân Khu 2 Fulro đây, xin đừng bắn nữa”. Sau đó Toh và Tuh bị thương, giơ 2 tay đầu hàng”.

Trận đánh diễn ra trong khoảng15 phút, ta tiêu diệt 5 tên, bắt sống 2 tên bị thương, 5 tên bỏ súng chạy thoát, ta thu 16 khẩu súng các loại như AR15, AR16, B40, B41, 2 radio và nhiều tài liệu quan trọng. Sau khi băng bó vết thương, các anh đưa hai tên về điều trị, đấu tranh khai thác. Chính quyền địa phương và dân làng kéo đến chúc mừng chiến thắng, làm cơm đãi anh em chiến sĩ. Sau trận đánh này, anh được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Trung ương Đoàn tặng Huy chương Tuổi trẻ bảo vệ Tổ quốc. Tập thể đơn vị cũng được các cấp khen thưởng xứng đáng.

Phải nói ngày ấy Hùng “Quảng” thông minh, lanh lẹ, dũng cảm trong từng trận đánh, sống rất tình nghĩa với anh em. Giờ thỉnh thoảng gặp nhau ôn lại chuyện xưa, chúng tôi luôn tự hào về một thời chiến đấu oanh liệt trên mảnh đất Tây Nguyên thuở nào.

2.Khoảng 2 tháng sau, vào đêm 18.5.1989, 5 tên Fulro còn lại của ZG 23 đã chạy thoát lần trước lén lút về làng Biabre, Trương Văn Hùng chỉ huy anh em truy kích. Theo tin báo của cơ sở, chúng về ẩn náu trong làng, anh lên phương án tác chiến là bao vây bắt sống nhưng phải cẩn thận đề phòng chúng đánh trả. Do tin báo muộn, ta chưa kịp nắm chắc tình hình nên không biết chính xác chúng đang ở nhà nào. Vào nhà đầu tiên không phát hiện, Hùng khẩn trương nắm tình hình và xác định chúng ngủ ở một nhà sàn cuối bản. Một tổ bí mật tiến vào, đồng chí Anh bước lên các bậc thang gỗ thì một loạt AK bắn ra, đồng chí Anh giật mình ngã ngửa, lật nhào xuống đất, lăn qua hướng khác tránh những loạt đạn. Ngay lập tức, những quả lựu đạn chúng ném ra nổ ùng oàng. Chúng bắn tiếp 2 loạt AK, 1 quả M79 và thoát chạy ra phía sau nhà mồ, chui vào bụi tre lớn phủ đầy gai. “Tôi chỉ huy các chiến sĩ ập tới và gọi hàng. Từ trong bụi tre, chúng nói: “Không ra được”. “Để tau” - Huỳnh Minh Quảng bảo. Anh lập tức nã một phát M79 lên bụi tre. Một tiếng ầm dữ dội rền vang, tre gãy bốp bốp. Bươn chui mấy lần thì cả năm tên chui ra khỏi bụi tre gai rậm rạp, run rẩy đưa tay chịu trói. Đến thời điểm này, tất cả toán Fulro ZG 23 đã bị xóa sổ” - Hùng tiếp mạch chuyện.

Ngày 19.5.1990, Trương Văn Hùng ra Hà Nội báo công nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an thăm hỏi, động viên Hùng cảm thấy vinh dự tự hào và nguyện tiếp tục sát cánh cùng đồng đội lập nên những chiến công mới. Đến cuối năm 1990, thực hiện Chuyên án F990 của Bộ, Công an tỉnh Gia Lai bắt được một tướng Fulro. Đấu tranh khai thác, tên này khai ra nhiều tên trong tổ chức Fulro của chúng còn đang hoạt động. Sau đó nhiều tốp về vùng Biển Hồ lần lượt bị Trương Văn Hùng cùng đồng đội và Công an Gia Lai tóm gọn, góp phần giải quyết cơ bản bọn Fulro nổi cộm lúc bấy giờ.

3. Sau 8 năm công tác, chiến đấu nơi núi rừng Tây Nguyên đầy gian khổ, đầu năm 1994, Trương Văn Hùng chuyển công tác về Công an huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Tháng 1.1998, anh được cử giữ chức vụ Đội trưởng Đội Điều lệnh - Thi đua khen thưởng - Khánh tiết Phòng Công tác chính trị. Tháng 2.2012 đến nay, anh được phân công làm cán bộ đội điều tra xử lý tai nạn Phòng Cảnh sát giao thông. Anh luôn khiêm tốn, tận tụy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tạm biệt Hùng “Fulro”, hôm sau tôi ra Công an huyện Thăng Bình gặp Đại tá Trần Văn Xuân - Trưởng công an huyện. Theo lời Đại tá Xuân, lúc bấy giờ anh không trực tiếp chiến đấu cùng Trương Văn Hùng nhưng ở chung tiểu đoàn nên được biết những chiến công oanh liệt của Hùng và đồng đội qua các cuộc họp đơn vị. Hùng “Fulro”, Hùng “Quảng” (ý nói quê Quảng Nam) là biệt danh anh em đặt cho Trương Văn Hùng thời ấy. Tôi cảm thấy tự hào về Hùng “Quảng” mỗi khi chỉ huy các cấp nêu gương chiến đấu của anh”. Còn anh Huỳnh Minh Quảng, quê Thăng Bình - chiến sĩ Quân y cùng đại đội với Trương Văn Hùng, trải lòng: “Dù năm tháng đã qua mau nhưng tôi vẫn không quên những tháng ngày chiến đấu nơi núi rừng Tây Nguyên đầy gian khổ. Trong ký ức tôi vẫn in đậm những trận đánh Fulro cùng Hùng “Quảng”. Phải nói ngày ấy Hùng “Quảng” thông minh, lanh lẹ, dũng cảm trong từng trận đánh, sống rất tình nghĩa với anh em. Giờ thỉnh thoảng gặp nhau ôn lại chuyện xưa, chúng tôi luôn tự hào về một thời chiến đấu oanh liệt trên mảnh đất Tây Nguyên thuở nào.

PHẠM THANH NGHỊ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hùng "fulro" trong ký ức bạn bè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO