Huớ thư ký tòa soạn!

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 30/06/2019 14:47

Tôi rời Quảng Nam, vào Sài Gòn tháng 8.1966. Đang sống giữa một thành phố nhỏ miền Trung bỗng dưng lọt thỏm vào một thành phố quá lớn, lòng tôi không khỏi e ngại.

Ông Vũ Đức Sao Biển (thứ 2, từ phải sang) trong một lần về thăm quê hồi tháng 3.2019.
Ông Vũ Đức Sao Biển (thứ 2, từ phải sang) trong một lần về thăm quê hồi tháng 3.2019.

Tuy nhiên, tôi xác định mình đi đây là đi học; cái gì cũng muốn học. Sau khi ghi danh vào lớp dự bị đại học, tôi “học” thêm một nghề mà mình yêu thích - nghề báo. Còn một tháng nữa, trường mới nhập học, thôi thì thừa giấy phải vẽ voi.

Tôi đến thăm ông LTĐ, một nhà văn nổi tiếng thời đó, đang làm thư ký tòa soạn một tờ nhật báo đóng trên đường Lê Lai, quận 1. Nói “tòa soạn” là nói cho oai chứ nơi ấy chỉ là một căn nhà lợp tôn, nóng hầm hập; phía dưới là chỗ dành cho hai ấn công xếp chữ typo và một thầy cò (correcteur - người sửa bản in); trên gác chỉ có nhà văn LTĐ. Ông LTĐ rất tử tế, chỉ dạy cho tôi mỗi ngày một chút kinh nghiệm về biên tập, sửa bài, lên plateau (mâm chữ) cho trang báo. Thi thoảng, ông bảo: “Mầy gọi cho anh ly cà phê đá với bốn điếu Ruby”. Gọi thì chỉ đứng trên gác mà gọi xuống.

Ngày đó, Sài Gòn có khoảng 40 tờ nhật báo in typo, mỗi số ra bốn trang khổ lớn, mỗi tuần ra sáu kỳ, mỗi kỳ in chừng năm ngàn bản. Tính ra, mỗi số chỉ cần khoảng mười ngàn chữ là đủ. Trang 1 ngoài bản tin vedette (đứng đầu trang) và một bài bình luận ngắn, các báo đều tranh thủ giới thiệu những nội dung quan trọng trong các trang 2, 3 và 4. Trang 2 gồm thế giới nghệ sĩ, phóng sự, ký sự, điều tra (nếu có). Trang 3 chủ yếu đi các feuilleton (loạt bài) nhiều kỳ, gồm kiếm hiệp Kim Dung, truyện dài; chân trang đi quảng cáo. Trang 4 đi tin tức quốc tế, tin chiến sự trong nước; chân trang đi tin từ thành đến tỉnh...

Mỗi tờ báo chỉ có khoảng một hoặc hai phóng viên cơ hữu ăn lương viết những bài đinh; ngoài ra tin bài ảnh đều do cộng tác viên đưa đến. Cộng tác viên đại để là những tay lười biếng; chỉ một nội dung nhân dân tự vệ cướp cò súng trúng... mông đít một thiếu nữ thì anh đã có thể sao ra năm bản, gởi năm tờ báo. Các nhà văn viết feuilleton cũng tức cười. Tôi theo dõi truyện dài của ông HĐT, thấy nhân vật Chệt Hẹ đã dụ được cô Út ra ngoài rặng trâm bầu vắng vẻ, tối thui để... nói chuyện; vậy mà tác giả cứ kéo rê cả chục kỳ báo, mỗi kỳ khoảng 1.500 chữ, vẫn chưa thấy Chệt Hẹ nắm được ngón tay út cô Út. Đúng là phí của trời!

Ngồi làm việc dưới mái tôn thì nóng vô kể. Bản thảo do cộng tác viên đưa đến chất trên bàn ông LTĐ, mỗi thứ được dằn một cục đá. Chiếc quạt gió mạnh thật nhưng ông LTĐ không dám cho quạt trực tiếp vào chỗ mình ngồi vì sợ... chữ nghĩa bay mất. Ông phải cho quạt vào vách rồi hơi gió từ đó mà tỏa ra, được chút nào hay chút đó. Nhiều khi, ông cởi áo sơ-mi, chỉ mặc một cái áo thun ba lỗ, “tác chiến” trên trang giấy. Cuối buổi chiều, thầy cò vỗ ra đủ các trang báo, ông đọc lại kỹ lưỡng, ký tên hai bản, giữ một bản rồi mới cho mâm chữ đi nhà in.

Hai mươi lăm năm sau, tôi được giao làm thư ký tòa soạn một tờ báo; mỗi tuần ra ba số, mỗi số mười sáu trang khổ trung bình. Báo chí bấy giờ đã “sang” lắm rồi; phòng ban thư ký có máy lạnh chạy êm ru, đèn sáng trưng, có fax và điện thoại bàn, có hai biên tập viên, có thêm một biên tập viên trang quốc tế và một biên tập viên kỹ thuật. Đứng ngoài của kính nhìn vào, thấy phòng ban thư ký tòa soạn có vẻ hoành tráng lắm.

Không có trường nào dạy nghề làm thư ký (hoặc tổng thư ký) tòa soạn cả. Các thư ký tòa soạn thường là lão làng hoặc dân... quá date mà lên, sau khi đã thể hiện khả năng làm báo qua các công việc phóng viên, biên tập viên, trưởng trang, tổ trưởng... Cho nên phải nói “nghề” thư ký tòa soạn là nghề không có ai dạy, nghề vừa làm vừa học. Ngoài chỉ đạo của ban biên tập, thư ký tòa soạn phải nghĩ thêm ra những việc khác mà làm.

Trong cơ quan báo, phó tổng biên tập nội dung và thư ký tòa soạn là hai nhân vật được ưu tiên... về trễ. Có khi, phó tổng biên tập ủy nhiệm luôn cho thư ký tòa soạn duyệt và lên trang những tin bài sau cùng nên sau 22 giờ đêm, cơ quan chỉ còn thư ký tòa soạn và họa sĩ trình bày ở lại.

Tin bài sau cùng là tin bài mà một tờ báo đang theo, đã cử phóng viên đi tác chiến, đợi giờ chót mới gởi về. Giờ chót là mấy giờ thì không ai khẳng định được. Thí dụ phiên tòa xét xử một vụ án lớn; lúc 20 giờ tòa mới tuyên án; lúc 21 giờ 30 phóng viên mới viết xong bài gởi qua email; thư ký tòa soạn phải xử lý đến 22 giờ rồi giao qua cho họa sĩ. Họa sĩ trình bày xong, chỉnh sửa trang báo đến 22 giờ 30 thì file chế bản điện tử sau cùng mới được gởi qua nhà in và thư ký tòa soạn mới được về nhà.

Do đặc thù của công việc, thư ký tòa soạn là người ưu tiên... căng thẳng thần kinh. Có những phóng viên nợ tin bài, 20 giờ vẫn chưa thấy gởi về. Có những phóng viên gởi tin bài từ sáng, đã lên trang buổi trưa nhưng đợi đến tối mới gọi về xin sửa: “Em xin lỗi, Nguyễn Văn Hành mới là chồng của Võ Thị Tỏi; còn Nguyễn Văn Hẹ chỉ là em chú bác của Nguyễn Văn Hành”. Gặp những lúc như vậy mà vợ (hay chồng) gọi tới, hỏi dấm dẳng: “Chớ chừ đi chơi hay đi nhậu mà chưa thấy về hè?” thì không biết làm sao mà ứng xử “dịu dàng” để khỏi mất tình xưa nghĩa cũ.

Thư ký tòa soạn là người ưu tiên... đọc nhiều nhất. Bài chưa lên trang đương nhiên phải đọc và biên tập, bài lên trang rồi càng phải đọc nhiều hơn. Chuyện ăn chơi nhảy múa đọc kỹ vừa; chuyện chính trị, kinh tế, xã hội lại phải đọc kỹ hơn. Ấy vậy mà giác quan của mình nó lại lừa mình. Chữ to chần vần trên tựa “Chiếc trực thăng không bay được”, đọc bài cả năm lần mới hiểu ra và sửa lại “Chiếc trực thăng không được bay”. Nó không được bay vì chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền cho bay, chứ không phải nó không bay được vì máy móc trục trặc!

Thư ký tòa soạn y như một chị phụ nữ có con mọn, lúc nào cũng sẵn sàng cho con bú. Họ ít khi dám bỏ tờ báo đi đâu. Tin bài đến có khi dồn dập, phân phối cho trưởng trang hoặc biên tập viên không kịp; có khi lác đác như lá mùa thu. Làm những số báo cuối tuần hay ngày nghỉ lễ buồn muốn chết vì... thiếu bài. Lại nghĩ ra cách để vá.

Nửa khuya về đến nhà nằm lên giường ngủ, thư ký tòa soạn vẫn phải để điện thoại. Có nhiều cuộc gọi sau 23 giờ đêm nghe rất đậm đà niềm lo lắng. “Thưa anh (chị), em có sơ sót. Số tiền họ lỗ là 769 tỷ mà em viết nhầm là 1.769 tỷ. Làm sao anh (chị)?”. “Mầy đợi tao một chút”. Bèn gọi qua nhân viên đi nhà in: “Báo chạy chưa em?”. “Dạ, chạy gần xong rồi anh à”. Thôi thì đành nghiến răng mà chịu, sáng hôm sau vào cơ quan ôm đầu máu nghe người ta chửi rồi xin lỗi. Mình sai, họ chửi thì phải biết nghiêm túc mà lắng nghe chứ.

Tóm lại, thư ký tòa soạn còn là người được ưu tiên... nghe chửi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Huớ thư ký tòa soạn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO