Nguyễn Quần, một hương chức của ngôi làng nghèo Đồng Thái, thuộc tổng Phú Mỹ, huyện Lễ Dương (Thăng Bình) là người đầu tiên hy sinh ở Côn Đảo sau cuộc kháng sưu cự thuế “long trời lở đất” cách đây hơn 100 năm.
Tiền hiền làng Đồng Thái. |
Hương chánh làng
Ở nước ta dưới thời phong kiến làng xã theo chế độ tự quản nghĩa là tự đứng ra điều hành công việc nội bộ của mình, bao gồm những nhiệm vụ riêng của làng và những quy định của triều đình. Chế độ tự quản ở các làng xã thường có ba bộ phận: kỳ lão, kỳ mục và kỳ dịch. Hội đồng kỳ mục do toàn thể quan viên cử ra (xã nào không có quan viên thì Hội đồng sẽ gồm các trưởng tộc trong làng) được xem là cơ quan quyết nghị của xã, đứng đầu là Tiên chỉ. Hội đồng kỳ lão do toàn thể bô lão trong làng bầu lên là cơ quan cố vấn cho làng. Thực hiện các quyết nghị của Hội đồng Kỳ mục nhằm giữ “lệ làng, phép nước” có các kỳ dịch thường gồm ba người là Xã trưởng (Lý trưởng), Phó lý và Trương tuần. Trong ba chức vụ này xã trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp, có vai trò quan trọng nhất nên được gọi là Hương chánh.
Đồng Thái nay là khối phố Đồng Thái, thị trấn Hà Lam, là ngôi làng nhỏ nằm ở phía đông nam của núi Vàng, phía bắc của dòng kênh dẫn nước từ sông Ly Ly về tưới cho vùng Hà Lam, mà ngày trước thường gọi là “cửu khúc Hà trì”, nay gọi là bàu Hà Kiều. Đồng Thái là làng nghèo của tổng Phú Mỹ, huyện Lễ Dương, phần lớn đất đai là đồi gò, khô cằn, nhiều sỏi đá. Địa bạ triều Gia Long cho biết làng rộng 182 mẫu chỉ bằng 17% diện tích làng Hà Lam bên cạnh trong đó gần 1/3 diện tích là đất hoang và 1/5 số ruộng đất trong làng là do người ngoài làng sở hữu. Dấu tích “văn vật” của làng mà nay còn tìm được chỉ có một vị tú tài (tên Huỳnh Chiếu đỗ khoa quý Mão, 1843) và một bà “tiết hạnh khả phong” (Võ Thị Chân, phong năm 1880) trên văn bia ở Văn thánh huyện Lễ Dương.
Nhưng hương chức của ngôi làng này lại ghi một dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nước ta.
Dấu ấn Nguyễn Quần
Nguyễn Quần còn có tên Nguyễn Cò, người làng Đồng Thái. Không có tài liệu nào cho biết năm sinh của ông nhưng có lẽ trong khoảng 1860-1865 vì từ năm 1879, khi cử nhân Nguyễn Duật (Nguyễn Uýnh) đỗ thêm cử nhân võ, không chịu ra làm quan, ở nhà (làng Hà Lam) mở trường dạy võ thì Nguyễn Quần đã đến xin học (ít nhất năm này ông phải 14, 15 tuổi). Năm 1885, ông tham gia Nghĩa hội Quảng Nam dưới trướng của cụ “Cử Hội” Nguyễn Uýnh, chiến đấu ở vùng nam Quảng Nam. Cuối năm 1885, nghĩa hội Quảng Ngãi - Bình Định có nguy cơ bị tiêu diệt do bị quân Nguyễn Thân đánh phá ác liệt. Để cứu phong trào, Nghĩa hội Quảng Nam đã cử 5 đạo quân vào tiếp ứng. Nguyễn Quần đã tham gia một trong 5 đạo quân này, do Tán tương quân vụ Nguyễn Uýnh chỉ huy. Tháng 7 năm 1886, theo lệnh Nghĩa hội Quảng Nam, 5 đạo quân chi viện được rút về. Đạo quân của Nguyễn Uýnh được phân công đi tập hậu. Khi về, qua cầu Cháy ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị Nguyễn Thân đánh úp. Nguyễn Uýnh hy sinh. Nguyễn Quần cùng đồng đội Nguyễn Công Khả đã liều chết cướp xác chủ tướng đưa về an táng ở làng Hà Lam, huyện Lễ Dương.
Sau khi Nghĩa hội tan rã vào năm 1887, Nguyễn Quần phải đầu quân dưới trướng Nguyễn Thân để ẩn thân nhưng sau đó bị phát hiện nên bị thải hồi về nguyên quán. Thời kỳ từ 1903-1908, nhất là sau năm 1906 khi Trần Quý Cáp được bổ về làm Giáo thọ, phong trào Duy tân phát triển mạnh ở Thăng Bình. Bởi vì đây là quê của Tiểu La Nguyễn Thành; nằm rất gần quê Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ… được xem là “đầu não” của phong trào lại được Giáo thọ Trần Quý Cáp trực tiếp cổ xúy bằng việc: “biến ngôi trường của chính quyền với lối học cổ lỗ thành ngôi trường lớn của Duy tân”, “Đến các làng với tư cách giáo thọ hô hào việc học, mời các thân hào nhân sĩ lại đình để động viên cho tân học, mở trường dạy quốc ngữ, chữ Pháp…” (Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, Nxb Đà Nẵng, 1995). Lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp đã sẵn, nay lại được giác ngộ nên Nguyễn Quần sớm tham gia phong trào Duy tân. Ông được Hội đồng Kỳ mục làng Đồng Thái bầu làm Hương chánh của làng để thực hiện công cuộc Duy tân.
Và cuộc cự sưu kháng thuế năm 1908
Tháng 3.1908, phong trào kháng thuế nổ ra ở Đại Lộc. Ngày 11.3 dân bắt đầu vây Tòa sứ Hội An với số lượng ngày càng đông. Lúc đầu Hương Quần đưa dân làng mình đi biểu tình vây Tòa sứ rồi dinh Tổng đốc ở La Qua Điện Bàn (20.3) để đề nghị Tổng đốc Hồ Đắc Trung can thiệp với Công sứ Pháp giảm sưu thuế cho dân và không được đánh đập người biểu tình. Ngày 22.3 ông lại dẫn dân làng vây phủ Điện Bàn bắt tri phủ Trần Văn Thống cùng đi Hội An xin xâu. Lần này, một người dân của làng Đồng Thái tên Túy đã kéo xe đưa tri phủ Thống đi. Khi có chủ trương phủ huyện nào về vây phủ huyện nấy Hương Quần mới dẫn dân về lại Hà Lam để vây phủ Thăng Bình.
Ngày 26.3, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Quần, Nguyễn Cảnh, Trương Bá Huy, Trương Địch, Nguyễn Ngọc (em Nguyễn Quần), Lê Triêm, Phan Tấn… dân Thăng Bình vây phủ đường đòi tên tri phủ Lê Bá Đằng cùng đi xin xâu với dân. Tri phủ Lê Bá Đằng phải bỏ trốn. Lính nổ súng làm chết một số người tại chỗ, một số người bị thương. Hương Quần bị bắt, bị triều đình kết án: “Nguyễn Cò (tức Quần, người xã Đồng Thái, nguyên lệ binh thải hồi) can tội tụ tập dân chúng bạo động, xử chém, nhưng xét y say rượu làm càn… xin nên tạm hoãn tử, đày ra Lao Bảo cho làm lao dịch” (Phong trào chống thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân, bản dịch của Nguyễn Thế Anh - Văn Vỹ, Bộ Văn hóa Giáo dục & Thanh niên, Sài Gòn năm 1973).
Vào tháng 8.1908, Nguyễn Quần bị đày ra Côn Đảo: “Lúc ấy bị đày Côn Lôn tôi cùng với Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Dương Thạc, Trương Bá Huy, Nguyễn Cảnh, Nguyễn Quần, cộng cả thảy 8 người (Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, Nxb Nam Cường, Sài Gòn 1951). Năm 1909 ông mất ở Côn Đảo vì bệnh dịch: “Sau khi chúng tôi ra đảo được một năm thì trong tù có phát bệnh dịch (1909). Lúc dịch mới phát, trong khám nhiều người chết, có kẻ buổi sáng còn đi làm xâu mà buổi chiều đã ra mộ địa, có kẻ khiêng vào nhà thương đôi ngày mà không sống được. Trong bọn chúng tôi có Lý trưởng làng Hạ Lôi (Hà Tĩnh, quên tên) và Hương chánh Đồng Thới Nguyễn Quần đều chết vì bệnh ấy”. (Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại).
Mộ Hương Quần ở Côn Đảo lâu ngày bị gió cát vùi lấp mất dấu nhưng có lẽ hồn ông vẫn đang rì rào cùng sóng biển trong “giấc hương quan” ngàn đời!
LÊ THÍ