Hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong tình huống thiên tai

M.L 29/10/2021 17:31

(QNO) - Sở Y tế vừa ban hành Kế hoạch 3139 triển khai các nội dung phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai, bão lũ.

Ngành y tế khẩn trương truy vết, khoanh vùng các ổ dịch tại huyện Nam Trà My. Ảnh:V.M
Ngành y tế truy vết các ổ dịch tại huyện Nam Trà My. Ảnh: V.M

Kế hoạch được xây dựng nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, nâng cao năng lực điều hành tại chỗ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, chuyển điều trị kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 khi xảy ra thiên tai tại vùng có dịch bệnh, vùng có nguy cơ dịch. Kế hoạch xây dựng các nội dung phòng chống dịch Covid-19 trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai.

Trước khi xảy ra thiên tai: Cần thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương, có đại diện của cơ quan y tế để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. Chủ động theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, dịch bệnh và vùng có mức độ nguy cơ dịch bệnh.

Xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly người nhiễm Covid-19, điều trị bệnh nhân trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Thành lập tổ điều trị cơ động ứng cứu khẩn cấp cho bệnh nhân Covid-19 hoặc cấp cứu các bệnh khác tại khu vực bị chia cắt bởi bão lũ và điểm tránh trú an toàn.

Tuyên truyền phổ biến, cập nhật kiến thức, kỹ năng về phòng chống dịch Covid-19 cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch. Hướng dẫn cộng đồng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khi xảy ra bão lũ, thiên tai, thảm họa...

Khi xảy ra thiên tai, thảm họa: Các địa phương cần triển khai phương án, kịch bản đã xây dựng, ra quyết định tại chỗ theo diễn biến tình hình bão lũ, thiên tai, dịch bệnh Covid-19, đảm bảo thực hiện “4 tại chỗ”.

Trường hợp phải sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm ảnh hưởng bởi thiên tai cần bố trí địa điểm tránh trú an toàn đủ rộng, bố trí phòng cách ly tạm thời riêng biệt. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong thực hiện sơ tán người dân, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh.

Sau khi xảy ra thiên tai: Cần rà soát sức khỏe người dân, sàng lọc phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm Covid-19 trước khi rời điểm tránh trú an toàn. Test kháng nguyên nhanh hoặc bằng phương pháp RT-PCR đối với lực lượng tham gia phòng chống thiên tai trước khi kết thúc nhiệm vụ.

Trường hợp có nguy cơ, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (2 lần) nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc khỏi bệnh không quá 6 tháng. Nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin, thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày, xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (3 lần), tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.

Sắp xếp và bố trí phương tiện vận chuyển, hỗ trợ người dân rời điểm tránh trú về nhà hoặc khu vực được quản lý, cách ly, thực hiện 5K trong quá trình di chuyển về nơi lưu trú ban đầu. Vệ sinh môi trường đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Xem toàn văn kế hoạch tại đây.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong tình huống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO