Thích ứng, giảm nhẹ tác động xấu của điều kiện biến đổi khí hậu thông qua chọn thời vụ an toàn cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi là mục tiêu chủ yếu của Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Thời gian qua, nhiều địa phương được hưởng lợi từ dự án này với việc áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, mang lại hiệu quả tích cực.
Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (đơn vị tư vấn dự án) cho biết, mô hình CSA được triển khai tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gồm Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành và TP.Tam Kỳ trong 2 vụ đông xuân 2018 - 2019 và hè thu 2019 vừa qua với 3 mô hình cụ thể: Xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA trong canh tác lúa với diện tích 1.425ha; xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA luân canh cây màu trên đất lúa, diện tích 92ha; xây dựng mô hình trình diễn các hoạt động CSA đa dạng hóa cây màu với diện tích 95ha. Dựa vào phân tích hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội, môi trường của các mô hình sản xuất đã áp dụng trên địa bàn tỉnh, cho thấy việc cần thiết nhất hiện nay là kịp thời áp dụng, nhân rộng, phổ biến các thực hành CSA, giúp nông dân sớm tiếp cận, làm chủ tiến bộ khoa học tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần nâng cao thu thập, giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.
Hiện Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ đã xây dựng quy trình hướng dẫn mô hình CSA cho canh tác lúa tại Quảng Nam như sau: Về thời vụ gieo trồng, cần tuân thủ lịch thời vụ gieo do ngành nông nghiệp tỉnh ban hành để các loại cây trồng trong mô hình ra hoa và thụ phấn, thụ tinh trong điều kiện thời tiết thuận lợi cũng như giảm áp lực sâu, bệnh tập trung gây hại. Cụ thể, vụ đông xuân gieo trồng từ ngày 15.12 - 5.1 và trong vụ hè thu từ 25.5 - 5.6 hàng năm. Nông dân cày vùi rơm rạ trước khi gieo trồng từ 25 - 50 ngày (tùy theo mùa vụ). Cày và bừa đất thật nhuyễn trước khi gieo trồng 3 - 5 ngày, cày sâu 10 - 12cm, kết hợp bón lót (phân hữu cơ và vôi) và vệ sinh đồng ruộng. Sau khi bừa tiến hành tháo nước, san phẳng toàn bộ mặt ruộng bằng công cụ cầm tay và kết hợp bón lót phân lân. Tiến hành tạo băng, mặt phẳng của băng và rãnh gom nước; băng có chiều rộng khoảng 2,4 - 2,5m (theo chiều dài công cụ sạ hàng); tạo rãnh thoát nước xung quanh ruộng. Sau khi tạo băng, tiến hành đổ giống vào từ 1/2 đến 2/3 trống, nếu đổ quá đầy khi kéo thóc không rơi ra được.
Về tưới nước - kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ” của IRRI cho cây lúa, theo ông Bùi Ngọc Thao (đại diện đơn vị tư vấn), trong tuần đầu tiên sau khi sạ, giữ mực nước ruộng từ bão hòa đến cao khoảng 1cm và giữ liên tục mức nước trong ruộng ở độ cao 1 - 3cm đến bón phân lần hai (khoảng 20 - 25 ngày sau khi sạ). Giữ nước ở giai đoạn này để cây lúa phát triển tốt và hạn chế sự mọc mầm của các loài cỏ. Giai đoạn từ lúa đẻ nhánh rộ và tối đa, phần lớn chồi vô hiệu thường phát triển trong giai đoạn này nên chỉ cần nước vừa đủ. Do vậy, ở giai đoạn này sẽ điều tiết nước theo phương thức tưới “ướt khô xen kẽ” như sau: Khi nước xuống thấp hơn vạch 15cm so với mặt ruộng (theo dõi qua ống nhựa) thì bơm nước vào ngập tối đa 5cm so với mặt đất ruộng, liên tục theo dõi trên đồng ruộng để bơm bổ sung nước theo mức như trên. Tưới nước như trên sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, chống đổ ngã, dễ thu hoạch và hạn chế hạch nấm bệnh khô vằn phát tán gây hại. Ngoài ra, ở giai đoạn này lúa đã giáp tán nên hạt cỏ có nảy mầm cũng không phát triển và cạnh tranh với cây lúa. Giai đoạn lúa đứng cái (chuẩn bị làm đòng), rút nước và phơi ruộng đến khi mặt đất nứt chân chim nhằm hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, giảm thiểu sâu bệnh hại, hạn chế đổ ngã do rễ ăn sâu và gia tăng độ lớn của đòng nhờ tăng đường kính của đốt đầu tiên...