Một khóa học về hướng dẫn viên di sản vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Văn phòng UNESCO Hà Nội và Sở VH-TT&DL Quảng Nam phối hợp tổ chức tại Hội An. Khóa học hướng đến xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức chuyên môn về di sản, góp phần bảo tồn tốt hơn những giá trị di sản trong quá trình phát triển du lịch.
Hướng dẫn viên di sản tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. |
Phát huy giá trị di sản
Trong vài năm trở lại đây, du lịch di sản đã trở thành điểm nhấn quan trọng giúp thu hút lượng khách lớn đến Quảng Nam. Tham quan Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn du khách không chỉ cảm nhận trực tiếp các giá trị mỹ thuật, kiến trúc mà còn được trải nghiệm những nét độc đáo để làm nên giá trị toàn cầu của các công trình văn hóa này. Tuy nhiên, không phải hướng dẫn viên nào cũng hiểu biết và nắm vững kiến thức về di sản để truyền đạt đến du khách. Thậm chí, trong một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và du lịch Hội An thực hiện năm 2013 với 100 hướng dẫn viên đến từ 34 doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh thường xuyên đưa khách đến Hội An xoay quanh những câu hỏi thông thường như: Đô thị cổ được công nhận Di sản văn hóa thế giới khi nào? Vì sao Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới? Hay Quảng Nam có bao nhiêu di sản văn hóa thế giới?… Kết quả, khá nhiều hướng dẫn viên không trả lời được những câu hỏi trên. Điều này cũng đồng nghĩa, thời gian qua nhiều thông tin về lịch sử văn hóa của di sản đã bị không ít hướng dẫn viên thuyết minh cho khách không chính xác. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh hoặc xử phạt hướng dẫn viên thuyết minh không đúng rất khó do không đủ thẩm quyền hoặc “lời nói gió bay”, chưa kể hướng dẫn viên quốc tế sử dụng các ngôn ngữ “lạ” như Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Ý… thì khó biết họ đang thuyết minh nội dung gì.
Không chỉ Hội An, tại Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn việc hướng dẫn viên thuyết minh sai lệch về di tích kiểu như “Mỹ Sơn là mộ chôn các vua Chăm” hoặc “Mỹ Sơn là kinh đô của vua Chăm” hay thuyết minh Mỹ Sơn thành Sơn Mỹ… là điều không hiếm, nhất là đối với các hướng dẫn viên ngoại tỉnh do thông tin chủ yếu lượm lặt trên mạng. Trong một chương trình đào tạo ngắn hạn hướng dẫn viên di sản thế giới do Sở VH-TT&DL phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế và Văn phòng UNESCO Hà Nội vừa diễn ra tại Hội An mới đây, ông Ngô Quang Vịnh – Cán bộ dự án quốc gia (Dự án Tăng cường kỹ năng làm việc thúc đẩy thương mại theo chiến lược đào tạo của G20, Dự án ILO) cho rằng, việc đào tạo các hướng dẫn viên di sản theo một chương trình của UNESCO là rất cần thiết vì chất lượng hướng dẫn viên, nhất là hướng dẫn viên tự do tại các di sản vẫn chưa được tốt. “Với nội dung chương trình tập trung vào các vấn đề nghiên cứu như thế nào là di sản thế giới, thế nào là giá trị của một khu di sản thế giới, cách bảo tồn nó như thế nào… Chúng tôi muốn tạo ra một đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức về di sản để giới thiệu cho khách, giúp du khách cảm nhận được những giá trị tại mỗi di sản văn hóa thế giới như Hội An và Mỹ Sơn chân xác hơn khi đến tham quan du lịch nơi đây” - ông Vịnh chia sẻ.
Làm nổi bật giá trị di sản
Theo ông Ngô Quang Vịnh, để trở thành một hướng dẫn viên di sản trước hết học viên phải là hướng dẫn viên chuyên nghiệp (được cấp thẻ) và có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong nghề. Ngoài chương trình học theo tiêu chuẩn của UNESCO các học viên cũng phải trải qua 2 kỳ thi là thực hành và viết kiểm tra kiến thức về di sản mới được công nhận và cấp chứng chỉ hướng dẫn viên di sản, ngược lại sẽ không được hướng dẫn khách tại các di sản thế giới. “Chúng tôi không đào tạo về kỹ năng hướng dẫn viên di sản như một hướng dẫn viên thông thường mà chỉ trang bị cho họ những kiến thức để họ hiểu biết thêm về giá trị khu di sản và cách giới thiệu giá trị di sản đó với du khách như thế nào cho đúng” - ông Vịnh nói.
Kể từ năm 2007 đến nay đã có 5 khóa đào tạo được tổ chức, hầu hết học viên có chung cảm nhận về sự khác biệt giữa một hướng dẫn viên thông thường và một hướng dẫn viên di sản. Bà Võ Thị Lệ - thuyết minh viên của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho rằng, hướng dẫn viên di sản phải truyền tải được giá trị và tầm quan trọng của di sản cho du khách thông qua công việc thuyết minh của mình, từ đó giúp du khách nâng cao ý thức bảo vệ di sản. Đặc biệt, thông qua công tác thuyết minh sẽ giúp liên kết với cộng đồng địa phương, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng cùng đóng góp vào sự phát triển bền vững cho di sản. “Nếu hướng dẫn viên chưa qua lớp này khi thuyết minh họ chỉ biết giới thiệu về bề nổi di sản chứ không khơi gợi được ý thức trách nhiệm của du khách trong việc bảo vệ di sản. Đặc biệt, sau khóa học này chắc chắn những thông tin hướng dẫn viên thuyết minh cho khách sẽ chính xác hơn” - bà Lệ phân tích.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều học viên sau khi tham gia khóa đào tạo này. Anh Trần Công Hậu - hướng dẫn viên tự do thừa nhận, trước khóa học phần lớn hướng dẫn viên tự do khi đưa khách đến mỗi di sản chỉ hướng dẫn những điều bên ngoài như yếu tố thẩm mỹ, kiến trúc và mỹ thuật… nên đôi khi khách hỏi những vấn đề liên quan không thể trả lời được. “Khi tham gia khóa học, tôi biết được những giá trị nổi bật của mỗi di sản cũng như quần thể các di sản trên thế giới. Ngoài ra, tôi cũng hiểu rằng khi mình đưa khách đi tham quan không chỉ thuyết minh giá trị của di sản mà còn phải giúp khách thấy được vai trò của cộng đồng dân cư địa phương xung quanh di sản cũng rất quan trọng. Do đó, với tôi lớp học có giá trị rất lớn vì đã giúp thay đổi những thói quen trong cách thuyết minh để hướng đến sự chuyên nghiệp hơn” - anh Hậu nói.
KHÁNH LINH