Họ đến từ nhiều vùng quê, trường học khác nhau nhưng có cùng đam mê được trải nghiệm, học hỏi qua các chuyến đồng hành cùng du khách trong vai trò một hướng dẫn viên không chuyên.
Là điểm đến ưa thích của du khách thập phương, Hội An cần một lượng lớn hướng dẫn viên du lịch để đồng hành cùng du khách nước ngoài nhằm giúp họ trải nghiệm, khám phá mọi thứ tại thành phố này. Vì thế, ngoài lực lượng hướng dẫn viên chuyên nghiệp, hiện tại có rất nhiều hướng dẫn viên không chuyên, chủ yếu là sinh viên hoặc cựu sinh viên trẻ tham gia hoạt động này dưới dạng “volunteer tourguide” ở một số đơn vị như Hoian Free tour, Hoian Mates… Bạn Nguyễn Thị Tường Vy quê huyện Duy Xuyên, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng cho biết, để được tham gia vào hoạt động này, tôi cũng như các bạn khác sẽ phải trải qua đợt xét tuyển khá gắt gao, nhất là về khả năng sử dụng ngoại ngữ. Do không gò bó và ràng buộc về mặt thời gian nên ngày càng có nhiều bạn trẻ trong trường đăng ký tham gia.
Các “volunteer tourguide” cùng đoàn khách Ấn Độ tham quan làng rau Trà Quế. Ảnh: Q.TUẤN |
Hiện nay, các tour mà hướng dẫn viên không chuyên thường xuyên tham gia nhất là tham quan làng rau Trà Quế (Cẩm Hà), làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim) hoặc tour dạo quanh phố cổ. Ngoài ra, các địa điểm như Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà… cũng dần được được đưa vào khai thác. Thông thường, một “volunteer tourguide” sẽ đảm nhận 1 - 4 khách nước ngoài, du khách ở đây vô cùng đa dạng về quốc tịch nhưng tất cả đều sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Đơn cử như tour đi làng mộc Kim Bồng sẽ khởi hành khoảng đầu giờ sáng, một nhóm “volunteer tourguide” sẽ đạp xe cùng khách đến làng để giới thiệu về làng mộc rồi cùng người dân cho khách trải nghiệm làm chiếu, tráng mì, đóng thuyền gỗ… sau đó buổi chiều sẽ quay về Hội An bằng phà.
Do những “volunteer tourguide” phần lớn là các bạn sinh viên nên việc tham gia vào các chuyến đồng hành cùng du khách nước ngoài giúp ích rất nhiều cho họ, nhất là những kỹ năng mềm. Sở hữu vốn ngoại ngữ kha khá nên Lê Thị Diễm quê xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng không gặp vấn đề gì về việc giao tiếp, tuy nhiên cũng có đôi lần Diễm cảm thấy “hoảng” như trường hợp một du khách Thái Lan cực kỳ am hiểu về văn hóa Trung Quốc dường như đã giới thiệu ngược lại cho chính hướng dẫn viên về những ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên các di tích tại Hội An. Qua thời gian, những chuyến đi càng giúp Diễm hoạt bát hơn, tích lũy được nhiều phương ngữ bản địa hiếm khi được học ở giảng đường và tất nhiên là thêm một khoản thù lao nho nhỏ để trang trải cho việc học tập.
Trong bối cảnh du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh, du khách rất cần những người đồng hành thân thiện, đáng tin cậy để họ thoải mái khám phá trong các chuyến đi. Khi đó, những “volunteer tourguide” dường như còn kiêm thêm nhiệm vụ như một “đại sứ” văn hóa để quảng bá hình ảnh con người địa phương thân thiện, hiếu khách. Bạn Trịnh Như Bích ở TP.Tam Kỳ, một cựu sinh viên mới ra trường chia sẻ, nhiều du khách tôi từng tiếp xúc khi bắt đầu chuyến đi vẫn có tâm lý dè dặt bởi chưa hiểu rõ được những cạm bẫy có thể mắc phải khi khám phá địa điểm du lịch theo nhóm nhỏ. Nhưng sau khi trải qua chuyến đi, nhận ra sự hiếu khách của người dân địa phương, họ lại xin thông tin để liên lạc sẻ chia lâu dài những vui buồn trong cuộc sống. Bích hồ hởi khoe rằng, hiện tại mình vẫn còn giữ liên lạc thường xuyên với một chị gái người New Zealand vui tính hay một cặp vợ chồng ngoại quốc hiện đã nhận 4 đứa con nuôi người Việt Nam và họ cho biết vẫn rất muốn quay lại Hội An để tiếp tục hành trình trải nghiệm.
QUỐC TUẤN