Lần đầu tiên được tổ chức, Hội thi Hướng dẫn viên (HDV) du lịch giỏi tỉnh Quảng Nam lần thứ I năm 2013 do Sở VH-TT&DL vừa tổ chức đã bộc lộ nhiều vấn đề về chất lượng chuyên môn cũng như công tác quản lý, giám sát đội ngũ HDV du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Nhìn từ một cuộc thi
Hội thi có 15 thí sinh đến từ 8 đơn vị kinh doanh lữ hành và điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia như Hội An Travel, Trung tâm Văn hóa Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn... Các thí sinh tranh tài ở 3 nội dung, gồm: kỹ năng hướng dẫn tham quan; trả lời câu hỏi, xử lý tình huống; năng khiếu HDV. Theo đó, mỗi thí sinh sẽ bốc thăm chọn một trong các điểm tham quan tại Quảng Nam (chủ yếu là Hội An) do Ban tổ chức chuẩn bị trước để thuyết minh nội dung dưới dạng trình chiếu ảnh trượt. Từ vòng thi này, Ban tổ chức sẽ chọn ra 10 thí sinh có điểm số cao để bước vào phần thi thứ 2 với các câu hỏi về nghiệp vụ hướng dẫn và câu hỏi tình huống cũng như thể hiện năng khiếu hoạt náo… nhằm tìm người thắng cuộc.
Khó quản lý, kiểm soát chất lượng hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.LỘC |
Ở nội dung kỹ năng hướng dẫn tham quan, với hình thức chọn câu hỏi ngẫu nhiên nên đã bộc lộ khá nhiều hạn chế của các HDV nhất là về kiến thức văn hóa lịch sử. Nhiều điểm du lịch tưởng chừng quen thuộc tại Hội An như các làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà hay những địa danh, nhà cổ … vẫn có không ít thí sinh lúng túng khi thuyết minh, thậm chí HDV còn nói nhanh, nói lắp, không trọng tâm... Dù hội thi quy định thời gian thuyết minh 7 phút nhưng nhiều thí sinh chỉ nói mới 4 phút đã “hết bài”. Chưa kể HDV đứng điểm tại Mỹ Sơn hay Hội An bị “bí” khi chọn trúng địa danh du lịch khác.
Theo chị Trần Thị Liên - HDV Trung tâm Văn hóa Hội An, cuộc thi rất bổ ích vì qua đó các HDV có cơ hội cọ xát và tự kiểm tra lại kiến thức của mình để hoàn thiện hơn kỹ năng hướng dẫn. “Trước đây tôi học chuyên ngành tiếng Pháp nên kiến thức về văn hóa, du lịch cũng có phần hạn chế, dù trong quá trình làm việc bản thân cũng học hỏi nhiều. Qua hội thi lần này mới thấy kiến thức của mình còn thiếu rất nhiều để trở thành một HDV giỏi” - chị Liên tâm sự.
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, Quảng Nam hiện có hơn 150 HDV du lịch đã được cấp thẻ hành nghề, trong đó có nhiều HDV giỏi. Vì vậy, 15 thí sinh tham gia hội thi lần này chỉ là con số nhỏ nên không thể khẳng định chất lượng HDV Quảng Nam “có vấn đề”. Tuy nhiên, qua hội thi cũng đã phần nào giúp Ban tổ chức và những người làm công tác quản lý chuyên môn nhìn nhận lại về chất lượng đội ngũ HDV du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. “Chúng tôi luôn ghi nhận những đóng góp của HDV đối với sự phát triển ngành du lịch Quảng Nam, nhưng cũng không thể phủ nhận chất lượng một số HDV hiện nay chưa đạt yêu cầu” - ông Cường nói. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh hoạt động của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch không chỉ là nâng tầm trình độ chuyên môn mà còn liên quan đến nhiều vấn đề, từ quản lý, kiểm soát HDV đến công tác đào tạo cấp phát thẻ...
Khó quản lý
Là trung tâm du lịch của miền Trung nên mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến Quảng Nam, tập trung chủ yếu tại 2 di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, cùng với đó là hàng trăm HDV du lịch từ nhiều nơi khác đổ về. Bên cạnh các HDV không có kiến thức chuyên sâu về lịch sử - văn hóa Quảng Nam, việc quản lý, giám sát các HDV “chui” cũng là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý, nhất là các HDV người nước ngoài hoạt động trái phép. Theo ông Nguyễn Duy Quang - Chánh thanh tra Sở VH-TT&DL, hoạt động lữ hành trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp, nhất là tại TP.Hội An. Nhiều công ty lữ hành quốc tế trong quá trình hoạt động đều có vi phạm, phổ biến là không có ít nhất 3 HDV du lịch quốc tế như quy định, nhiều HDV tự do hoạt động ngoài tầm kiểm soát, không trực thuộc công ty lữ hành nào dẫn đến việc quản lý rất khó khăn. “Chúng tôi không thể bám sát từng đoàn khách, từng HDV để kiểm tra” - ông Quang nói. Việc kiểm tra chỉ được thực hiện theo kế hoạch định kỳ, chủ yếu tập trung vào các hành vi như người nước ngoài hướng dẫn trái phép tại Việt Nam, HDV không có thẻ hoặc có thẻ nhưng không đeo, HDV không có lịch trình, không có hợp đồng lao động. Riêng về việc HDV vi phạm nội dung thuyết minh hay cách thuyết minh không chính xác thì hầu như không thể xử lý được.
Cũng theo ông Quang, trong các vấn đề trên, việc xử lý HDV người nước ngoài, đặc biệt là HDV đến từ Trung Quốc rất phức tạp. Trong năm 2012, Thanh tra Sở VH-TT&DL đã phát hiện xử phạt tổng số tiền hơn 300 triệu đồng đối với các trường hợp người nước ngoài làm HDV “chui”. Cá biệt, xử phạt 5 HDV “chui” người Trung Quốc tổng số tiền 75 triệu đồng và trục xuất 2 HDV về nước. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bề nổi xảy ra trong các đợt kiểm tra định kỳ hoặc được địa phương phát hiện báo thanh tra ngành xuống xử lý. Còn việc quản lý giám sát thường xuyên thì khó, bởi đội ngũ cán bộ thanh tra mỏng lại phụ trách đa ngành, nên đòi hỏi các địa phương và di tích phải tăng cường quản lý tại chỗ.
VĨNH LỘC