Hướng dẫn viên du lịch đang là một trong những ngành nghề đối mặt với nhiều thấp thỏm về sức khỏe và công việc trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi rút corona gây ra.
Thông thường mọi năm, cả trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán luôn là thời điểm bận rộn của các hướng dẫn viên du lịch, tuy nhiên trước sự bùng phát của dịch bệnh do vi rút corona gây ra trên toàn cầu đã khiến những người theo ngành nghề này lao đao trước nguy cơ thất nghiệp tạm thời. Chị Võ Tường Vy - hướng dẫn viên tiếng Hàn Quốc (quê Hội An) bộc bạch: “Phần lớn các tour Đà Nẵng - Hội An được phân cho tôi từ trước tết đều bị đình lại bởi khách Hàn Quốc đã hủy tour đặt trong tháng 2 do nhiều thông tin e ngại về dịch bệnh. Bên cạnh đó không ít hướng dẫn viên thường không làm “cứng” cho các công ty lữ hành mà hợp tác theo kiểu cộng tác viên nên hoàn toàn không có thu nhập trong thời điểm này”.
Đại diện Công ty Lữ hành Kim Liên (Đà Nẵng) thông tin, số lượng khách du lịch mà đơn vị phải hủy tour do ảnh hưởng từ dịch corona đã lên đến khoảng 10 nghìn người. Công ty phải hoàn trả tiền cho khách và xác định doanh thu quý I.2020 sụt giảm nặng nề. Trong khi đó một quản lý công ty lữ hành trên đường Phan Châu Trinh (TP.Hội An) cho biết: “Số lượng hủy tour trong tháng 2 chỉ rải rác nhưng điều lo ngại là tình trạng hủy tour trong tháng 3 và xa hơn kèm theo việc “book” mới hiện chỉ nhỏ giọt nên ảnh hưởng từ dịch bệnh đến ngành du lịch nói chung sẽ còn kéo dài”. Theo một số đơn vị lữ hành khác, không chỉ thiệt hại về việc sụt giảm nguồn khách quốc tế, ngay cả các tour khách nội địa đi nước ngoài (outbound) hoặc đi trong nước (inbound) cũng bị hủy khá nhiều và dự kiến thiệt hại trong đợt dịch bệnh này sẽ lớn hơn dịch SARS năm 2003 rất nhiều.
Ngoài nỗi lo thất nghiệp tạm thời, thời điểm này các hướng dẫn viên còn e ngại cho sức khỏe của mình khi phải thường xuyên đón khách tại các sân bay, ở thời gian dài trong không gian kín của xe khách với nhiệt độ thấp, tiếp xúc trực tiếp với du khách quốc tế… Chị Nguyễn Thanh Trúc – một hướng dẫn viên tiếng Anh chia sẻ: “Những ngày này tôi và nhiều đồng nghiệp luôn chủ động mang theo cồn khô rửa tay sát khuẩn bởi nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn từ việc tiếp xúc khách, chạm vào đồ vật thường xuyên ở nơi công cộng. Ngay cả du khách châu Âu dù phần lớn không đeo khẩu trang nhưng họ cũng rất ý thức rửa tay nhiều lần trong hành trình du lịch”.
Được biết, Quảng Nam hiện có 227 hướng dẫn viên cả quốc tế lẫn nội địa và hàng trăm hướng dẫn viên khác đăng ký ngoài địa phương nhưng thường xuyên làm việc ở các điểm đến trên địa bàn tỉnh. Một tín hiệu lạc quan là việc các đơn vị lữ hành trong khu vực miền Trung vẫn thường xuyên cần hướng dẫn viên ngoại ngữ hiếm như Pháp, Đức, Nga… để thực hiện các gói du lịch “hành trình di sản” và các điểm đến khác như rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh), Cù Lao Chàm… Theo đại diện công ty lữ hành Cát Việt, từ đầu tháng 2, đơn vị đã chủ động kết nối để tìm hướng dẫn viên thực hiện các tour phục vụ khách châu Âu trong tháng 3 và xa hơn bởi lực lượng hướng dẫn viên tiếng hiếm ở địa phương hiện nay vẫn còn khá hạn chế.
Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch corona, nếu hai điểm di sản thu hút du khách là Hội An và Mỹ Sơn được trang bị máy quét thân nhiệt kiểm tra nhiệt độ thường xuyên sẽ khiến du khách, người hoạt động trong ngành du lịch và cộng đồng an tâm hơn. Được biết, hiện nay tại đô thị cổ Hội An mới chỉ có một vài điểm trang bị máy đo nhiệt bằng tay cho du khách có nhu cầu.