Hướng dẫn viên ở làng

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 30/05/2017 09:26

Địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào tháng 5.1997. Và Đình làng Thạch Tân của xã này cũng trở thành “địa chỉ đỏ”, được nhiều người biết đến qua những câu chuyện kể như huyền thoại từ các “hướng dẫn viên du lịch” của làng, mà họ chính là chứng nhân lịch sử.

Thổi hồn vào trang sử

Ông Lê Khắc Phiến là người con xã Tam Thăng, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thạch Tân, từng tham gia đào địa đạo, từng sống mái với quân thù, là chứng nhân lịch sử trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Kỳ Anh xưa. Qua gần 50 năm công tác, trong đó có 12 năm trực tiếp quản lý kiêm hướng dẫn khách tham quan di tích, ông Phiến đã thổi hồn vào những trang sử đầy bi tráng. Ông Phiến kể, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình làng Thạch Tân được chọn làm nơi để sinh hoạt, chứa lương thực, thuốc men, đạn dược; là nơi huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và là chỗ trú quân an toàn của Trung đoàn 108 Liên khu 5. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đình làng không chỉ để hội họp, mà dưới nền còn có hầm cứu thương, kho chứa lương thực do nhân dân đóng góp tiếp tế cho cách mạng.

Ông Lê Khắc Phiến (người cầm loa phóng thanh) nói về truyền thống cách mạng của nhân dân xã Kỳ Anh cho các em học sinh. Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Ông Lê Khắc Phiến (người cầm loa phóng thanh) nói về truyền thống cách mạng của nhân dân xã Kỳ Anh cho các em học sinh. Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Đây là căn cứ trọng điểm nên bọn địch điên cuồng đánh phá, song ngôi đình vẫn trụ vững với thời gian. Chiến tranh ngày càng ác liệt, không còn cách nào khác, phải quyết tâm đào địa đạo làm cơ sở để nhân dân trụ bám nuôi giấu, chở che chiến sĩ cách mạng. Với tinh thần đó, tháng 2.1965 người dân địa phương bắt tay vào việc đào địa đạo. Ngoài việc đóng góp tiền của, tiếp tế cơm nước, nhân dân còn sẵn sàng tham gia đánh trả các cuộc càn quét của địch để bảo vệ thành quả cách mạng. Nhờ sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã, sau 2 năm với 5 vạn ngày công, đến cuối tháng 10.1966, địa đạo Kỳ Anh hình thành với tuyến hầm dài 10 cây số cùng hàng trăm công sự, hầm hào khác đi qua 8 thôn trên địa bàn xã. Đây là một công trình vĩ đại trong lịch sử chiến đấu của huyện Bắc Tam Kỳ. Giúp Đảng bộ và nhân dân xã Kỳ Anh có thêm niềm tin, sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Hơn 12 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông Lê Khắc Phiến cảm thấy vui và tự hào khi được trực tiếp giới thiệu về truyền thống cách mạng của quê hương cho du khách trong và ngoài nước biết khi đến tham quan khu di tích. “Tôi rất tự hào khi được trực tiếp giới thiệu về truyền thống cách mạng của quê hương đến khách thập phương. Trong quá trình làm nhiệm vụ hướng dẫn khách tham quan, tôi say mê làm việc chỉ với suy nghĩ góp phần tích cực vào việc bảo tồn di tích” - ông Phiến nói.

Giữ lửa cho quê hương

Sau khi ông Lê Khắc Phiến nghỉ việc do tuổi cao sức yếu, ông Huỳnh Kim Ta kế nhiệm công việc quản lý kiêm hướng dẫn khách tham quan di tích từ năm 2012. Mặc dù thuộc thế hệ “sinh sau đẻ muộn” nhưng ông Ta cũng là người từng chứng kiến biết bao đau thương mất mát mà người dân ở đây phải gánh chịu. Nhất là khi nhìn thấy người cha của mình cùng một số cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch sát hại ở địa đạo trong một trận đánh không cân sức giữa ta và địch diễn ra vào cuối năm 1965. Sau nhiều năm công tác trên các lĩnh vực khác nhau, ông Ta quyết định trở về quê nhà góp phần giữ lửa cho quê hương qua những lời kể đầy thuyết phục… Ông Ta cho biết, địa đạo Kỳ Anh được hình thành như một làng chiến đấu trong lòng đất, chia ra nhiều đoạn, bao bọc xung quanh các xóm dân cư, dọc theo bờ tre, mương nước tạo nên các lối vào, lối ra thuận tiện và bí mật.

Địa đạo Kỳ Anh là vành đai kiên cố và là tuyến quân sự nối dài từ vùng đông Tam Kỳ đến vùng đông Thăng Bình. Tạo thành bàn đạp để quân ta tiến công vào Tỉnh đường Quảng Tín và làm tê liệt các trận phản kích của địch ở vùng giải phóng. Riêng đối với vùng đông Tam Kỳ, địa đạo Kỳ Anh không chỉ hỗ trợ nhân dân cùng du kích đánh trả nhiều cuộc càn quét của địch đạt hiệu quả, mà còn hỗ trợ cho các đội công tác nội ô thị xã Tam Kỳ làm nơi an toàn để đưa hoạt động của ta vào sâu trong nội thị. Dựa vào lợi thế đó, các đơn vị vũ trang của tỉnh và của huyện thường xuyên đứng chân tổ chức nhiều trận đánh lớn trên mảnh đất Kỳ Anh, Kỳ Phú. Liên tục làm tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Mỗi năm Di tích lịch sử Địa đạo Kỳ Anh đón hơn 2.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Với phần việc đang làm, ông Ta xem đó là để trả nghĩa cho những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông Ta chia sẻ: “Là người địa phương, tôi đã chứng kiến biết bao đau thương mất mát của nhân dân cũng như sự hy sinh cao cả của cha ông đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cho nên mỗi lần giới thiệu về truyền thống cách mạng của quê hương đến với các đoàn tham quan, nhất là khách nước ngoài, tôi đã lột tả hết tội ác của quân thù đã gây nên trên mảnh đất này. Riêng đối với đoàn viên thanh niên và học sinh, tôi đi sâu vào việc giới thiệu về lịch sử nhằm giáo dục truyền thống yêu nước”.

Di tích Địa đạo Kỳ Anh đang được đầu tư xây dựng nhà đón khách, nhà trưng bày hiện vật và các công trình phụ trợ khác. Đây là điều kiện thuận lợi để mở ra những trang sử mới cho ngành du lịch của địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Có thể di tích sẽ còn nhiều thay đổi, song với những con người như ông Lê Khắc Phiến, Huỳnh Kim Ta sẽ không bao giờ quên đối với ai đã một lần đến đây. Bởi các ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một hướng dẫn viên du lịch “cấp làng”, góp phần tích cực vào việc bảo tồn di tích.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Tác phẩm dự thi “Đồng hành với Di sản Quảng Nam”

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng dẫn viên ở làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO