Hôm rồi lên Đông Giang, đang mùa lễ hội mừng 10 năm tái lập huyện, tự dưng lại nhớ bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ. “Hương đất dâng trời” là tựa của bức tranh anh vẽ, mô tả điệu dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thật tài tình. Vâng, vẫn cái điệu hồn ấy, chân bám vào mặt đất, tay ngửa lên phía trời, gợi suy ngẫm về ngôn ngữ hình thể biểu đạt sự kết nối thiêng liêng giữa mẹ - đất và cha – trời, giữa cái – đực, âm – dương... một cách độc đáo. Và sự hàm ngôn về chuyển động của văn hóa, tâm linh phải chăng xoay quanh cái lẽ phồn thực, nói về sinh nở của vũ trụ, đời người, cỏ cây, muông thú…
Cái “vũ điệu dâng trời” trong lễ ấy, lại gợi nhớ sắc hồng như rượu cưới trên gương mặt sơn nữ cùng những thức quà núi vừa gặp. Nào Alăng Thị Thương, bên lọ ớt rừng muối; nào Bríu Thị Đin bên gói gừng, buồng chuối, chai mật ong vàng sánh... Những thổ sản đem lên từ thôn Azal của xã Mà cooih, bày biện cùng trái bí của Zahung, măng khô ở Sông Voi, Ating, rượu Kacun của xã Ba… Thật ấn tượng với những thức quà núi được trưng bày, chào mời. Đấy là “hương đất” chứ còn gì nữa. Đông Giang dâng lên trời những sản vật của rừng núi, của tay người tần tảo sớm hôm tác tạo, ngẫm ngợi còn đẹp tình hơn tranh vẽ.
Điệu dân vũ của đồng bào mô tả cảnh săn bắt hái lượm, cảnh tuốt lúa, giã gạo, lễ bái thần linh… đấy là hình tượng hóa của nghệ thuật. Còn tiếng nói của đời sống thì mang hơi thở hiện thực bày ra trước mắt ta. Cái nghèo đói còn bu bám, tập quán sản xuất lạc hậu, văn hóa bản địa dần mai một là những chướng ngại trên núi, trên con đường đi lên của người miền núi. Xưa, nói chuyện lên Hiên, Giằng đã vậy, còn giờ đây ngước nhìn ảnh chiếu giữa quá khứ và thực tại còn biết bao điều phải suy ngẫm. Thị trấn Prao, thủ phủ của Bến Hiên ngày nào giờ khang trang hơn, đường sá nối đến các vùng. Trên những lũng đồi, cây chuối bám rễ cùng với những cây bản địa, đem lại cơ hội thoát nghèo cho đồng bào. Đông Giang ngày mới đã rạng nhưng làm sao cho kinh tế, văn hóa phát triển hơn nữa là cả vấn đề còn nhiều thử thách. Làm sao cho “hương đất dâng trời” ngày một phong phú, nhộn nhịp không phải là câu chuyện dễ hiện thực hóa như tranh vẽ.
Như khao khát về một cung đường du lịch,…
Như ước vọng cho dịch vụ mở mang,…
Như chờ đợi thông thoáng con đường nông lâm thổ sản…
Như mùa hội, mắt người sơn nữ bềnh bồng say điệu vũ, và đêm chìm trong men Kacun nồng nàn…
NGUYỄN ĐIỆN NAM