Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng an ninh Công an nhân dân (12.7.1946 - 12.7.2016): "Cầu nối" của bản làng

NHƯ Ý 04/07/2016 10:02

Không chỉ tham gia phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, hầu hết già làng, trưởng bản, người có uy tín còn là nhân tố quan trọng vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ biên cương tại huyện Tây Giang.

Uy tín của già làng, trưởng bản

Những năm qua, đời sống kinh tế huyện Tây Giang không ngừng phát triển, tình hình an ninh nông thôn miền núi luôn giữ ổn định. Trong đó, vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín có những đóng góp hết sức thiết thực, hiệu quả. Họ được xem là “cầu nối” giữa làng và các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hiện nay trên địa bàn huyện Tây Giang có gần 80 trưởng thôn, già làng thật sự có uy tín, đa số là cán bộ nghỉ hưu, đảng viên. Hằng năm tỉnh, huyện đều tổ chức các hoạt động gặp mặt, thăm, tặng quà các già làng, trưởng thôn và những người có uy tín để trao đổi thông tin tình hình có liên quan đến kinh tế - xã hội phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và an ninh biên giới. “Nhiều già làng, trưởng thôn, người có uy tín ở Tây Giang đã trở thành những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác tuyên truyền, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự tại cơ sở. Không chỉ tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều già làng, trưởng thôn còn vận động nhân dân tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đối với lực lượng công an huyện, chính họ là cánh tay nối dài của lực lượng đến với nhân dân” - Đại tá Võ Văn Hai - Trưởng Công an huyện Tây Giang chia sẻ.

Cơ quan chức năng thăm, tặng quà các già làng. Ảnh: NHƯ Ý
Cơ quan chức năng thăm, tặng quà các già làng. Ảnh: NHƯ Ý

Là địa bàn miền núi, ở các làng không khỏi xảy ra tình trạng mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân. Nhiều trường hợp, cán bộ trực tiếp giải thích về pháp luật hay phong tục tập quán có khi không hiệu quả bằng một vài câu nói hay cái “vỗ vai” của già làng. “Tiếng nói của các vị già làng tại cộng đồng rất quan trọng, luôn được nhân dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng và nghe theo. Chính vì vậy, già làng trưởng thôn trực tiếp vận động nhân dân sẽ mang lại hiệu quả cao, nhất là trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các vấn đề an ninh biên giới, công tác nắm tình hình trật tự xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, giúp nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng trước âm mưu của các thế lực thù địch” - ông Zơ Râm Tê, người có uy tín nhiều năm làm Trưởng Công an huyện Tây Giang nhớ lại.

Hạt nhân nòng cốt

Xác định được vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh và các địa phương miền núi đã tích cực tham mưu, phục vụ cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt công tác vận động, tranh thủ và phát huy vai trò của người có uy tín đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên rà soát, bổ sung đưa vào diện những người thật sự có uy tín, được đồng bào dân tộc thiểu số  tôn vinh. Củng cố đội ngũ cốt cán là người dân tộc để làm nòng cốt trong các phong trào ở cơ sở, kịp thời phát hiện, động viên, khen thưởng nêu gương điển hình tiên tiến. Ở Tây Giang có thể kể ra những già làng thật sự tiêu biểu như: Cơ Lâu Nai, Príu Pố, Cơ Lâu Blao, Ker Tíc, Bhling Đoắp... Các già làng không chỉ có uy tín mà còn trở thành hạt nhân điển hình về làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, góp phần lưu giữ và truyền dạy kho tàng văn hóa truyền thống của người Cơ Tu cho thế hệ sau...

Người có uy tín là người thực sự được đồng bào tín nhiệm, tôn vinh, có điều kiện hiểu biết nhất định về xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng với cộng đồng, được đồng bào gặp gỡ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; có khả năng tác động, chi phối, tập hợp được đồng bào trong phạm vi nhất định thông qua lời nói, hành động hoặc bằng những quy ước của phong tục, tập quán dân tộc. Do đó, người uy tín có vai trò, vị trí vô cùng đặc biệt quan trọng trong cộng đồng đồng bào. “Với tầm quan trọng như vậy, cho nên, thời gian qua, lực lượng Công an huyện phối hợp cùng phòng nghiệp vụ chức năng của Công an tỉnh luôn chú trọng đúng mức công tác tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc để phục vụ xây dụng tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các dân tộc. Qua đó, góp phần to lớn trong việc đảm bảo an ninh trật tự ở huyện miền núi nhiều khó khăn như Tây Giang” - Đại tá Võ Văn Hai cho biết thêm.

NHƯ Ý

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng an ninh Công an nhân dân (12.7.1946 - 12.7.2016): "Cầu nối" của bản làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO