Hướng đến nghề cá có trách nhiệm

VIỆT NGUYỄN 23/05/2020 06:31

Quảng Nam đang xây dựng, phát triển nghề khai thác hải sản bền vững. Tuy nhiên, để dịch chuyển nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, có trách nhiệm thì những bất cập trong lắp đặt, vận hành, quản lý giám sát hành trình tàu cá cần sớm có giải pháp khắc phục.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là bắt buộc đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là bắt buộc đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

NHIỀU BẤT CẬP

Nhiều chủ tàu trên địa bàn tỉnh đang lơ là trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoặc tắt thiết bị này khi đang sản xuất.

“Quên” giám sát hành trình

Đang vụ sản xuất chính nên ngư dân trên địa bàn tỉnh ra sức bám biển. Ở bến cá Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình), ngư dân Trần Công Tân (thôn Tân An, xã Bình Minh) cùng 6 bạn biển ra khơi trên tàu QNa-94367 có chiều dài 15m, công suất 160CV hành nghề lưới vây cá cơm.

“Cá cơm đang được mùa lại được giá. Chỉ với chuyến biển từ đêm đến sáng, chủ tàu thu được hơn 10 triệu đồng, bạn biển được chia hơn 3 triệu đồng sau khi trừ chi phí” - ông Tân nói.

Khi chúng tôi hỏi chủ tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá QNa-94367 chưa, ông Tân nói: “Người ta sản xuất xa bờ, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để nhận hỗ trợ nhiên liệu. Tàu cá của tôi sản xuất ven bờ và tuyến lộng thì đâu cần lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”.

Ngoài nghề lưới vây cá cơm, nhiều tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, hành nghề lưới kéo, lưới rê hỗn hợp...  vẫn ra khơi khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, tàu cá của ngư dân Trần Công Tân và các trường hợp tương tự đã vi phạm nhiều lỗi. Thứ nhất, tàu có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình khi sản xuất. Thứ hai, tàu cá đã hoạt động sai ngư trường, thay vì sản xuất ở vùng biển xa bờ, lại đánh bắt hải sản ở tuyến lộng hoặc ven bờ. Thứ ba, chủ tàu không thực hiện các thủ tục xuất bến với lực lượng biên phòng. Thứ tư, nghề thực tế sản xuất không đúng với giấy phép khai thác hải sản.

“Luật Thủy sản đã quy định thì không có lý do nào ngư dân không thực hiện. Nếu muốn sản xuất ở tuyến lộng hay ven bờ với nghề lưới vây cá cơm, ngư dân bắt buộc phải cải hoán tàu cá để thân tàu có chiều dài dưới 15m” - ông Ngô Văn Định nói. 

Theo đúng quy định, chủ tàu khi ra biển sản xuất bắt buộc phải khai báo, thực hiện các thủ tục rời bến với lực lượng kiểm soát biên phòng ở cửa biển Cửa Đại (TP.Hội An) hoặc An Hòa (Núi Thành). Ở các vùng biển ngang không có trạm kiểm soát biên phòng nên nhiều chủ tàu đã vi phạm khi không thực hiện thủ tục bắt buộc nói trên.

Tắt tín hiệu

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 60 tàu câu mực khơi nhưng trong thời gian gần đây, có đến hơn 20 tàu vi phạm sản xuất ở vùng biển không thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi đó, các chủ tàu câu mực khơi đều tắt tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình để tránh việc giám sát. Ngành chức năng qua theo dõi, đã yêu cầu các tàu nhanh chóng trở về vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta để sản xuất.

Có thâm niên gần 20 năm đánh bắt hải sản, ngư dân Phan Công Trường (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) là bạn biển của nhiều chủ tàu hành nghề lưới chụp trong và ngoài huyện. Ông Trường cho biết, chỉ cần các loại mực và số ít cá, tôm “chịu đèn” là ngư dân tiến hành chụp lưới dù là tuyến lộng hay ngư trường xa bờ. Theo quy định, các tàu cá hành nghề lưới chụp có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình khi đánh bắt hải sản. Thêm nữa, hầu hết tàu loại này đều có công suất lớn nên phải hoạt động xa bờ.

Thế nhưng, ngư trường xa bờ chỉ có mực xà - loài hải sản này giá trị kinh tế thấp, chỉ bằng khoảng 1/4 so với các loại mực cơm, mực nang, mực ống hoạt động ở tuyến lộng và ven bờ. Do đó, nhiều chủ tàu hành nghề lưới chụp đã “quên” quy định, vào tuyến lộng sản xuất. Để tránh né sự theo dõi, giám sát của ngành chức năng, các chủ tàu đã tắt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác hải sản. Đáng báo động là số lượng tàu hành nghề lưới vây chuyển sang lưới chụp trên địa bàn tỉnh ngày một tăng lên. Trong khi đó, ngành chức năng quản lý giám sát hành trình tàu cá chỉ thực hiện vào ban ngày nên vào ban đêm, khi tàu cá tắt tín hiệu để hành nghề lưới chụp ở tuyến lộng thay vì ngư trường xa bờ theo quy định thì ngành chức năng không theo dõi, xử lý được.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho hay: “Chủ các tàu câu mực khơi tắt tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình là sai quy định, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định. Đây là lổ hổng nghiêm trọng làm giảm hiệu quả của chương trình thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ “thẻ vàng” thủy sản” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.

Về giải pháp chấn chỉnh việc này, Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, nếu phát hiện tàu chưa có thiết bị giám sát hành trình hay tắt tín hiệu thiết bị giám sát hành trình sẽ xử lý nghiêm để dần đưa ngư dân vào nền nếp, khai thác hải sản có trách nhiệm.

Ngư dân cập bến bán hải sản sau chuyến biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân cập bến bán hải sản sau chuyến biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

MỞ “NÚT THẮT”

Nỗ lực của ngư dân cộng hưởng với chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh sẽ giúp Quảng Nam hoàn thiện vận hành, quản lý giám sát hành trình tàu cá, phát triển nghề cá chuyên nghiệp, bền vững.

Ngư dân hưởng lợi

Sau nhiều lựa chọn, ngư dân Nguyễn Tỏ (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu cá QNa-95645 có chiều dài 18m hành nghề lưới chụp đã lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình Thuraya SF2500 do Tổng công ty Dịch vụ viễn thông Vinaphone cung cấp với giá 24,5 triệu đồng.

Ông Tỏ cho biết, có thiết bị giám sát hành trình, dù đang cách nhau hàng trăm hải lý nhưng chỉ cần nhấp chuột thì mọi thông số như số đăng ký tàu, nghề khai thác, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, đang ở kinh độ, vĩ độ nào... đều hiện rõ trên màn hình giám sát. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá không chỉ là trách nhiệm, cam kết không khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài mà còn giúp ngư dân chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển cũng như thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác.

“Tôi phải nỗ lực sản xuất, tích cóp nhiều năm trời để đóng mới được tàu cá lớn sản xuất xa bờ. Tôi sẽ đầu tư hiện đại cho tàu cá để sản xuất chuyên nghiệp hơn, thực hiện ước nguyện bấy lâu nay là làm giàu từ biển” - ông Tỏ nói.

Ngư dân Nguyễn Thanh Thành (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) đã chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá QNa-91636 có chiều dài 18m, công suất 822CV hành nghề lưới vây ngay sau khi máy giám sát hành trình Movimar được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí trước đây bị hỏng.

“Trên tàu cá của tôi có đầy đủ các máy móc, thiết bị hàng hải như máy định vị, định dạng, máy dò cá đứng, máy dò cá ngang, máy kéo lưới, hầm bảo quản hải sản hiện đại để nâng cao hiệu quả sau mỗi chuyến biển” - anh Thành nói.

Về thiết bị giám sát hành trình tàu cá, anh Thành cho biết, có rất nhiều tiện ích. Các thông tin vị trí tàu, tốc độ di chuyển, hướng đi, thông tin cảnh báo, được truyền tự động từ thiết bị lắp đặt trên tàu về máy điện thoại di động hoặc máy tính kết nối internet. Do vậy, dù không có trên tàu nhưng chủ tàu hoàn toàn yên tâm. Khi tàu vượt ra ngoài ranh giới vùng biển Việt Nam sẽ có tín hiệu báo động ngay, lực lượng giám sát tàu cá sẽ liên hệ thuyền trưởng, hoặc thông báo cho chủ tàu biết để kịp thời yêu cầu điều khiển tàu quay trở lại. 

Ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, đã nhận được thông báo của Chi cục Thủy sản Quảng Nam về hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Theo đó sẽ rà soát lại tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn để giúp ngư dân tiếp cận chính sách hỗ trợ, hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản và hướng đến chuyên nghiệp nghề cá.

Ông Lê Xuân Tới cũng cho biết, song hành với tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nắm bắt, sử dụng đúng các tính năng của thiết bị giam sát hành trình tàu cá, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng yêu cầu các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá phải chấp hành đúng quy định trong quá trình cung cấp và lắp đặt thiết bị. Đồng thời, thông báo đến Chi cục Thủy sản tiến hành kiểm tra chất lượng thiết bị giám sát hành trình tàu cá trước khi ngư dân đưa vào sử dụng.  

Nhà nước hỗ trợ

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam - Ngô Văn Định cho biết: “Để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm là chặng đường rất dài, gian nan, không thể căn cứ ngay các quy định mà áp dụng vì dễ cứng nhắc. Nghề cá cần có thời gian phát triển, khi ngư dân đủ tiềm lực, chuyên nghiệp sẽ trở thành nghề cá có trách nhiệm”.

Theo ông Định, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp cơ quan chức năng và chủ tàu kiểm soát được hành trình của tàu cá trên biển, từ đó có khuyến cáo, giúp đỡ cần thiết. Cụ thể, từ trung tâm điều hành giám sát tàu cá, cán bộ Chi cục Thủy sản Quảng Nam nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá, cả số đang chạy và neo đậu, kể cả tàu đang neo đậu trong bờ hay ngoài biển. Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, dù đang cách nhau hàng trăm hải lý, chỉ cần nhấp chuột, mọi thông số như ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, đang ở kinh độ, vĩ độ nào... đều hiện rõ trên màn hình. 

Mặc dù giá dầu có hạ thấp nhưng nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cho mỗi chuyến biển của ngư dân vẫn cao. Trữ lượng hải sản ở các vùng biển xa đang có dấu hiệu suy giảm nên sản xuất của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Nhất là khi đầu ra hải sản bấp bênh, nhiều chuyến biển của ngư dân chỉ thu đủ bù chi. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, không phải nhiều ngư dân chây ỳ không chịu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá mà chủ yếu do khó huy động vốn. Bởi vậy, cần phải hỗ trợ ngư dân lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Theo đó, giao Sở NN&PTNT tổ chức thực hiện đề án với mức hỗ trợ sau đầu tư không quá 20 triệu đồng/tàu cá. Tính chung hạn ngạch tàu cá sản xuất xa bờ của ngư dân toàn tỉnh là 782 tàu cá thì mức hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá sẽ là hơn 15,6 tỷ đồng.

“Cùng với hỗ trợ ngư dân, ngành thủy sản cần đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân nâng cao ý thức về nghề cá có trách nhiệm. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân cần đảm bảo chất lượng để hoạt động lâu dài” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Nhiều tàu cá ở vùng bãi ngang ven biển ra khơi nhưng không thực hiện thủ tục xuất bến với lực lượng kiểm soát biên phòng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhiều tàu cá ở vùng bãi ngang ven biển ra khơi nhưng không thực hiện thủ tục xuất bến với lực lượng kiểm soát biên phòng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM

Vận hành, quản lý thiết bị giám sát hành trình tàu cá trước mắt là cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản, xa hơn là phát triển nghề cá bền vững. Quảng Nam cần nhanh chóng thực hiện việc này đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Áp lực “thẻ vàng” 

Hơn 2 năm qua, “thẻ vàng” thủy sản của EC đã tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của nước ta. Đây là hệ lụy của nghề cá nhân dân, khai thác hải sản tự phát, chỉ chú trọng vào sản lượng mà bỏ quên các quy định nghiêm ngặt phải tuân thủ.

Châu Âu là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tới 17% tổng doanh thu xuất khẩu toàn ngành. Do ảnh hưởng của “thẻ vàng”, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này liên tục giảm. Cùng với đó, 100% sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đều bị kiểm tra rất nghiêm ngặt; doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh cho mỗi lô hàng, thời gian xuất khẩu mỗi lô hàng thủy sản cũng lâu hơn.

Quyết định phạt “thẻ vàng” của EU còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của nước ta trên trường quốc tế, làm giảm năng lực cạnh tranh cũng như giá trị các mặt hàng thủy sản ở các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… 

Vào tháng 11.2019, đoàn thanh tra của EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Tuy nhiên chừng nào Việt Nam chưa giải quyết triệt để vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản thì EC sẽ không rút lại “thẻ vàng”. Theo kế hoạch, tháng 5 này là thời điểm đoàn thanh tra của EC quay lại Việt Nam và sẽ ra quyết định về có hay không gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Nếu không gỡ được “thẻ vàng” hoặc bị nâng lên “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là đời sống của ngư dân. Vì vậy, Quảng Nam cần nhanh chóng thực hiện 9 khuyến nghị của EC. Trong đó, lắp đặt, vận hành, quản lý giám sát hành trình tàu cá là vấn đề cấp bách, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đây là giải pháp để ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản trên vùng biển nước ngoài. Về lâu dài, đó là giải pháp đảm bảo cho nghề cá Quảng Nam phát triển bền vững, trách nhiệm theo đúng Chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh.

(CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ TRÍ THANH)

Nước ta đã cụ thể hóa các khuyến cáo về gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC qua Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ đầu năm 2019. Bộ NN&PTNT đã đưa ra hạn mức ngày 1.4, tất cả chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải hoàn thiện lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới có 576/747 tàu cá thực hiện việc này. Con số 171 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mà vẫn ra khơi là trách nhiệm từ phía ngư dân lẫn cơ quan quản lý.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề xuất: “Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần chỉ đạo các trạm kiểm soát biên phòng kiên quyết không cho phép ra khơi đối với các tàu không có đủ điều kiện theo quy định, nhất là thiết bị giám sát hành trình tàu cá”.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng, sẽ chỉ đạo các trạm kiểm soát biên phòng siết chặt việc thực hiện quy định của ngư dân, kiên quyết không cho rời bến đối với các tàu không đáp ứng yêu cầu. 

Đến thời điểm này, Chính phủ đã có nghị định về việc xử phạt các tàu cá khi ra khơi sản xuất mà không có thiết bị giám sát hành trình hoặc tắt tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, đối với trường hợp không có thiết bị giám sát hành trình sẽ bị phạt với mức từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nếu tắt tín hiệu giám sát hành trình, chủ tàu cá sẽ bị phạt với mức từ 20 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, dù có nhiều sai phạm nhưng chưa có trường hợp nào ngư dân trên địa bàn tỉnh bị phạt theo quy định trên. Nguyên nhân nhiều ngư dân sản xuất kém, không đủ tiền nộp phạt. Nếu xử lý nghiêm thì số tàu sản xuất xa bờ hoạt động trên biển sẽ ít dần. Do đó, chủ yếu tuyên truyền, vận động, nhắc nhở ngư dân theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến nghề cá có trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO