Hướng đến phát triển nền tài chính vững mạnh

TRỊNH DŨNG 20/10/2017 08:55

Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận; tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai và tài chính bao trùm là 4 lĩnh vực ưu tiên để đi đến một tuyên bố chung của các bộ trưởng tài chính là nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Hội An từ 19 đến 21.10.

Các đại biểu tham dự Hội nghị quan chức tài chính cao cấp APEC. Ảnh: T.D
Các đại biểu tham dự Hội nghị quan chức tài chính cao cấp APEC. Ảnh: T.D

4 lĩnh vực ưu tiên

Ngày 19.10, khoảng 300 đại biểu quốc tế và Việt Nâm (bộ trưởng tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính, ngân hàng trung ương) của 21 nền kinh tế thành viên APEC, lãnh đạo cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tham dự Hội nghị quan chức tài chính cao cấp APEC (SFOM). Hội nghị này và Hội nghị Thứ trưởng tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM) ngày 20.10  sẽ chuẩn bị nội dung, kiện toàn các báo cáo và văn kiện để báo cáo lên các bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) lần thứ 24 ngày 21.10 - một sự kiện quan trọng của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC.

Các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế, tài chính vĩ mô toàn cầu và khu vực. Ngoài ra, xem xét kết quả tiến trình hợp tác tài chính về 4 chủ đề ưu tiên trong năm, cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch hành động Cebu và thảo luận các vấn đề quan tâm khác. Các bộ trưởng sẽ có phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), lãnh đạo cao cấp một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực và những phiên họp kín để thảo luận riêng về các vấn đề quan tâm bên lề hội nghị.

Theo ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính, trên cơ sở định hướng chủ đề quốc gia APEC 2017 “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”, hồi tháng 2.2017, tại Hội nghị các Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương, các Thứ trưởng và Phó Thống đốc đã thống nhất 4 chủ đề ưu tiên hợp tác trong năm 2017. Đó là đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS), tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai và tài chính bao trùm.

Thông qua các FCBDM, SFOM và các hội thảo, diễn đàn bên lề khác đã được tổ chức tại nhiều thành phố lớn tại Việt Nam trong các tháng 2, 5 và 7.2017, các quan chức tài chính cấp cao đã thảo luận sôi nổi về giải pháp huy động nguồn vốn dài hạn của khu vực tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là cơ chế đảm bảo lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia dự án PPP. Không chỉ vậy, những kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và các nền kinh tế, nhất là những rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân đã được các quan chức cấp cao chia sẻ. Các quan chức tài chính APEC cũng thảo luận cùng các đối tác quốc tế về những công cụ quản lý dự án hiệu quả và việc phối hợp đào tạo kỹ năng sử dụng các công cụ này cho các cán bộ quản lý dự án tại các nền kinh tế thành viên APEC. Các nền kinh tế thành viên APEC, OECD và WB quan tâm đặc biệt, hỗ trợ mạnh mẽ về vấn đề chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Các quan chức tài chính nhất trí cần tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các hoạt động đào tạo trong khu vực, nhằm nâng cao về BEPS và tham gia tích cực vào dự án BEPS của G20/OECD. Các quan chức tài chính APEC đã trao đổi kinh nghiệm xây dựng chiến lược về tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai ở cấp độ quốc gia, địa phương, chính sách quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công tại các nền kinh tế thành viên APEC. Quan trọng hơn, ưu tiên thảo luận của tài chính bao trùm xoáy sâu vào việc phát triển thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu và phát triển nền nông nghiệp chất lượng.

Phát triển nền tài chính vững mạnh

Ông Vũ Nhữ Thăng cho hay, 4 nội dung nêu trên liên quan đến phát triển nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo kết nối trong cộng đồng APEC. Đây cũng là những ưu tiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế - xã hội (giai đoạn 2010 - 2020) Việt Nam. Hiện Việt Nam có những đề án, nhiệm vụ tìm ra nguồn lực tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, hay các dự án về năng lượng xanh, sạch.

Việt Nam cũng khẳng định rõ ưu tiên phát triển một nền kinh tế nông nghiệp vững mạnh, người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển này. Việt Nam đã ký kết 76 hiệp định tránh đánh thuế trùng và là thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS. Nguồn thu thuế có thể bị phân tán, xói mòn trong tiến trình hội nhập. Vì vậy, Việt Nam đã chủ động đề xuất, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước, có trình độ cải cách thuế phù hợp cũng như hợp tác trong tránh đánh thuế trùng, bảo đảm thực quyền đánh thuế của các nền kinh tế trong APEC. Thông qua những bàn thảo này, sẽ là bài học quý giá giúp Việt Nam tham khảo xây dựng chính sách, hướng tới phát triển trong dài hạn.

Theo ông Vũ Nhữ Thăng, kết quả hợp tác trong 4 lĩnh vực ưu tiên trên được báo cáo lên các bộ trưởng vào ngày 21.10, trên cơ sở đó các bộ trưởng sẽ ra tuyên bố chung thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, các chủ đề hợp tác ưu tiên trong năm và định hướng của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong thời gian tới. “Kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được báo cáo lên Ủy ban Quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11.2017. Thành công của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC đóng góp thiết thực vào kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 cũng như thành công chung của Việt Nam trong Năm APEC 2017” - ông Thăng nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến phát triển nền tài chính vững mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO