Hướng đến sự phát triển toàn diện của nữ giới

HÀN GIANG - VINH ANH 05/06/2013 08:04

Tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo), phụ nữ Quảng Nam tiếp tục có nhiều ý kiến hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện của nữ giới.

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục nhận được nhiều góp ý hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện của nữ giới.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục nhận được nhiều góp ý hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện của nữ giới.

Ràng buộc thêm trách nhiệm

Liên quan đến các nội dung được hiến định tại Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63) của Dự thảo, bà Trần Thị Diệu Hồng - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Tiên Phước cho rằng, tại Khoản 2 của điều này nên thay cụm từ “tạo điều kiện” bằng cụm từ “có trách nhiệm”. Bà Hồng lý giải, cụm từ “tạo điều kiện” không mang tính ràng buộc, chưa thể hiện rõ, đầy đủ nhận thức về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội đối với sự phát triển, tiến bộ chung của phụ nữ hiện nay. Do vậy để gắn trách nhiệm của Nhà nước với sự phát triển, tiến bộ chung của phụ nữ, nên thay bằng cụm từ “có trách nhiệm”. Cũng theo bà Hồng, tại Khoản 3 của điều này nên giữ lại cụm từ “xúc phạm nhân phẩm phụ nữ” như trong Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện. “Thời gian qua, Nhà nước ta đã chú trọng và triển khai hàng loạt các giải pháp, hành động quyết liệt nhằm bảo vệ phụ nữ trong xã hội. Tuy vậy, các hành vi xúc phạm, xâm hại đến phụ nữ vẫn còn diễn ra phức tạp. Theo tôi, tại Khoản 3 của Điều 27 nên viết lại đầy đủ là “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”” - bà Hồng góp ý.

Về Khoản 1 của Điều 39 trong Dự thảo, bà Nguyễn Thị Dung - Phó ban Chính sách luật pháp Hội LHPN tỉnh phân tích: “Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng giới, do đó nội dung “Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn” như hiến định tại Khoản 1 còn chung chung, chưa thật sự phản ánh cụ thể và sát với thực tiễn. Nếu hiểu theo cụm từ trên, nhiều khi nam với nam hay nữ với nữ cũng có thể kết hôn được. Do đó nên sửa lại là “Nam với nữ có quyền kết hôn và ly hôn”, nhằm nói rõ việc không cho phép hôn nhân đồng giới”.

Ở Khoản 2 của Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64) bà Hồng cho rằng nên thay cụm từ “bảo hộ” thành “bảo vệ” và ở Khoản 2 của Điều 40 (sửa đổi, bổ sung Điều 65) nên thêm cụm từ “mua bán” sau cụm từ “nghiêm cấm”. “Theo tôi, từ “bảo vệ” có hiệu lực cao hơn “bảo hộ”, đọc lên thấy dễ hiểu, phù hợp với mong muốn của các tầng lớp phụ nữ. Một vấn đề khác, tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em luôn là câu chuyện “nóng” và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Chúng ta đang trang bị cho chị em phụ nữ những kiến thức pháp luật cơ bản về phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em, do vậy việc thêm cụm từ “mua bán” vào sau cụm từ “nghiêm cấm” để một lần nữa khẳng định hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em bị pháp luật nghiêm cấm, cộng đồng xã hội lên án, phê phán” - bà Hồng chia sẻ.

Bình đẳng về mọi mặt

Theo bà Hồ Thị Hồng Hảo - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi như bị phân biệt đối xử, bị xem nhẹ vai trò, bất bình đẳng giới; điều kiện của phụ nữ ở các vùng miền trong cả nước có sự chênh lệch lớn như mức sống, chăm sóc sức khỏe, mang thai, sinh đẻ, trình độ nhận thức…, đặc biệt là phụ nữ ở các địa bàn miền núi, biên giới, biển đảo, vùng dân tộc thiểu số. Bà Hảo góp ý, ở Khoản 1 của Điều 27 Dự thảo nên giữ lại 2 nội dung cuối của Điều 63 trong Hiến pháp năm 1992 (gồm: “Lao động nữ và nam có việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản, phụ nữ là viên chức nhà nước làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật” và “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội; chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình. Tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ”.). Đồng thời bổ sung nội dung “lao động nam, nữ làm công việc có tính chất hoặc giá trị ngang nhau, thì tiền lương, tiền công và chế độ bảo hiểm ngang nhau” sau cụm từ “trên mọi lĩnh vực”; bổ sung thêm nội dung về bình đẳng trong việc thực hiện trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện để mỗi người thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

“Bên cạnh đó, cần bổ sung một khoản mới trong Điều 27 của Dự thảo lần này với các quy định cụ thể về nguyên tắc xác định vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của phụ nữ trong tái tạo nguồn nhân lực quốc gia. Xác định quyền hưởng chế độ thai sản của phụ nữ phù hợp với lao động thực tế. Xác định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội, nhà trường trong việc đảm bảo thiên chức người mẹ của phụ nữ và bảo đảm cho trẻ em gái phát triển toàn diện để thực hiện tốt vị trí, vai trò của phụ nữ trong tương lai”- bà Hảo bày tỏ.

Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63)

1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới.

Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64)

1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

Điều 40 (sửa đổi, bổ sung Điều 65)

1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.
2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

HÀN GIANG - VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến sự phát triển toàn diện của nữ giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO