Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) là xã biển ngang, để phát triển nghề cá, thời gian qua gần 50 hộ ngư dân thôn Tỉnh Thủy và một số hộ thôn Hạ Thanh, thôn Trung Thanh đã đầu tư mua sắm phương tiện và dụng cụ đánh bắt hải sản theo mô hình tổ đoàn kết trên biển.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã Tam Thanh có 49 phương tiện đánh bắt có công suất 30 - 135CV, chủ yếu làm nghề giã cào, bóng mực, lưới quét và vây trũ, giải quyết việc làm ổn định cho 200 lao động, trong đó thôn Tỉnh Thủy là địa phương mà bà con ngư dân đầu tư mua sắm phương tiện đánh bắt hải sản nhiều nhất của xã Tam Thanh với 35 chiếc. Các phương tiện đánh bắt của Tam Thanh tập trung hoạt động ở ngư trường từ đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An) đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Mỗi thuyền gồm 3 thuyền viên, riêng 6 thuyền lưới quét và vây trũ của bà con ngư dân thôn Hạ Thanh 1 và 2 được bố trí mỗi thuyền gồm 10 thuyền viên, mỗi chuyến đánh bắt 6 - 7 ngày, sau khi trừ các khoản chi phí, thu lợi trên 25 triệu đồng. Tuy nhiên, sau những chuyến ra khơi hoặc những ngày bão tố các tàu thuyền của ngư dân Tam Thanh phải đưa vào neo đậu tại âu thuyền phường Thọ Quang (TP.Đà Nẵng). Trước tình cảnh đó, UBND xã Tam Thanh đã thành lập 3 tổ đoàn kết trên biển, kịp thời giúp nhau khi gặp rủi ro, hoạn nạn hoặc mỗi khi tàu thuyền bị sự cố, tạo điều kiện để bà con yên tâm đánh bắt. Ông Trần Văn Bé - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Thanh cho biết.
Sau chuyến ra khơi của những chiếc thuyền đánh bắt gần bờ của xã Tam Thanh. Ảnh: X.P |
Ngoài 49 thuyền đánh bắt ở ngoài bãi ngang, trên địa bàn xã Tam Thanh còn có hơn 150 phương tiện đánh bắt gần bờ chủ yếu đánh bắt bằng lưới 3, bóng mực và nghêu, ghẹ. Sản lượng hằng năm cả nghìn tấn hải sản các loại. Riêng năm 2014, đánh bắt được hơn 3.500 tấn, nhờ vậy đời sống nhân dân được cải thiện. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hơn 30ha mặt nước nằm dọc sông Trường Giang đã được đưa vào nuôi trồng các loại thủy sản làm đa dạng sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, các phương tiện đánh bắt hải sản cũng như các hộ nuôi trồng thủy sản vẫn còn sản xuất manh mún do nguồn vốn hạn chế nên việc phát triển kinh tế hộ vẫn còn đang là bài toán khó. Để bà con nông dân có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thời gian đến xã Tam Thanh sẽ nâng các tổ đoàn kết lên thành nghiệp đoàn nghề cá. Đây là bước đột phá để ngành nghề được phát triển, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển không chỉ đem lại nguồn lợi cao mà còn đóng góp cùng ngư dân các địa phương khác khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh khẳng định.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC