Hướng đến trồng trọt bền vững

TRẦN HỮU 30/07/2015 09:21

Một số địa phương triển khai thành công mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhờ chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai.

Làm chủ sản xuất

Hai năm nay, người dân vùng cao được hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng và các mô hình giao đất giao rừng, trồng cây mây bản địa. Đến nay, đồng bào Cơ Tu thôn A Tép 2 (xã Bha lêê, Tây Giang) được làm chủ nhiều khoảnh, lô đất có rừng. Trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức International tại Việt Nam và Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung, mạng lưới biến đổi khí hậu (BĐKH) khu vực miền Trung đã hỗ trợ giúp bà con thu thập thông tin dữ liệu liên quan đến đất lâm nghiệp và rừng. Thông qua dự án, cán bộ chính quyền các cấp cùng với người dân tiến hành khảo sát, đo đạc và ghi chép các thông tin quan trọng, cũng như thực hiện các công đoạn như đánh giá trữ lượng rừng, sử dụng máy định vị GPS… Đến nay, dưới tán rừng, người dân đã trồng hàng chục héc ta mây bản địa và vườn ươm cây giống. Cây mây dưới tán rừng phát triển tốt đem lại “hiệu quả kép”. Đó là vừa bảo tồn, duy trì vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất mây tre thủ công vừa góp phần ứng phó BĐKH trong bối cảnh rừng ngày càng cạn kiệt.

Sản xuất nông nghiệp bền vững cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu. TRONG ẢNH: Dưa hấu thu hoạch, chờ đem đi tiêu thụ. Ảnh: T.HỮU
Sản xuất nông nghiệp bền vững cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu. TRONG ẢNH: Dưa hấu thu hoạch, chờ đem đi tiêu thụ. Ảnh: T.HỮU

Theo các nhà chuyên môn, trồng mây dưới tán rừng sẽ giúp bảo vệ đất bề mặt, chống xói mòn, tạo thảm thực vật phát triển theo cây mây, giữ mùn đất, giúp rừng phát triển và tăng hấp thụ các bon. Thêm vào đó, dự án đã hỗ trợ bếp tiết kiệm củi, ít khói cho chị em phụ nữ Cơ Tu. Chị A Vo Thị Bé - Chi hội trưởng phụ nữ thôn A Tép 2 chia sẻ: “Việc đầu tư bếp tiết kiệm củi giảm được khoảng 60% lượng củi thông thường và tiện lợi trong sinh hoạt hằng ngày”. Trên địa bàn xã Bha lêê hiện có hơn 600 chiếc bếp tiết kiệm củi được đồng bào sử dụng.

Phát triển nền nông nghiệp bền vững, chống chịu với bất lợi của BĐKH là một trong những mục tiêu quan trọng của các dự án tài trợ. Thời gian qua, thông qua tổ chức Save The Children tài trợ với sự tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung đã hỗ trợ xã Duy Tân (Duy Xuyên) thực hiện 2 mô hình: “Trồng rau ăn lá trái vụ thích ứng với BĐKH” và “Nuôi gà an toàn dịch bệnh thích ứng BĐKH”. Theo chính quyền xã Duy Tân, dù mới chỉ dừng lại ở hình thức thí điểm nhưng đối tượng được hưởng lợi, nhất là hộ nghèo đã cải thiện rõ rệt về kinh tế, sản xuất trồng trọt dần thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thích ứng

Năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục xây dựng hàng loạt cơ chế thích ứng với BĐKH, chẳng hạn như thúc đẩy quy trình VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng. Theo Sở NN&PTNT, tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với BĐKH cần tính đến yếu tố mất đất, nhiễm mặn, thời tiết cực đoan và các đe dọa bất lợi của ngành sản xuất lúa nước trong tương lai. Nông nghiệp thông minh cần tính toán giải quyết hài hòa giữa thích ứng, giảm thiểu và an ninh lương thực, chi phí và lợi nhuận đầu tư cho sản xuất.

Thực tế, thời gian qua, các địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Phú Ninh... triển khai nhiều kỹ thuật canh tác mới thích ứng với BĐKH được chuyển giao cho nông dân như phân nắn dúi cho lúa, thâm canh lúa bền vững, làm đất tối thiểu và che phủ đất, trồng xen với cây họ đậu, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc và chống xói mòn đất… Sản xuất thông minh đã tăng năng suất lúa rõ rệt, có thể chống chịu với thời tiết xấu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chỉ ra những thách thức khi đầu tư sản xuất thích ứng với BĐKH. Đó là khi nông dân đầu tư vào một số kỹ thuật canh tác mới, sẽ kéo theo hệ lụy làm tăng giá thành sản xuất, chậm thu hồi vốn…

Hơn 5 năm qua, có nhiều nguồn vốn tài trợ cho nông nghiệp tỉnh ứng phó với BĐKH như Quỹ môi trường toàn cầu, Quỹ khí hậu xanh, nguồn ngân sách nhà nước… Từ sự thành công của các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, các địa phương trong tỉnh đang xúc tiến các mô hình “Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước để trồng cỏ voi nuôi bò thích ứng với BĐKH”, “Sản xuất cây dược liệu - chuyển đổi đất canh tác sang trồng cây thuốc nam chịu hạn”. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật giống cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất phù hợp, các dự án tài trợ phi chính phủ còn tổ chức lại khâu phối hợp giữa 4 nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà nước) hướng đến kinh tế thị trường và thích ứng với BĐKH.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến trồng trọt bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO