Việc di thực 10.000 cây sâm Ngọc Linh từ Nam Trà My trồng thử nghiệm trên diện tích đất 5.000m2, ở độ cao khoảng 1.400m tại hai xã Ch’Ơm và Ga ri, huyện Tây Giang đã mở ra hướng đi mới ở vùng đất này.
Ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết: “Được đánh giá là có sự tương đồng về địa hình, địa lý và các điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng, tuy nhiên Tây Giang không được thiên nhiên ban tặng giống sâm Ngọc Linh nguyên chủng mọc tự nhiên như ở vùng núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My. vì thế, năm 2004, chúng tôi phải di thực loại cây này về trồng thử nghiệm”. Năm 2008, sau 4 năm sống ở vùng đất mới, giống sâm di thực đã cho nhiều kết quả khả quan, tỷ lệ cây sống và phát triển bình thường trên 80%, điều quan trọng nhất đó là chất lượng và hàm lượng hoạt chất có trong củ sâm không thua kém gì so với củ sâm trồng tại vùng núi Ngọc Linh.
Theo kết quả các mẫu xét nghiệm do Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm thuộc Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh cho thấy, tổng định lượng saponin chính có trong củ sâm Ngọc Linh trồng tại xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang là 10,47% (trong đó, MR2: 2,69%; G-Rb1: 3,17%; G-Rd: 2,06%; G-G-Rgl: 2,53%), trong khi đó trồng tại vùng Ngọc Linh là 11,67%.
Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại xã Ch’ơm, huyện Tây Giang. Ảnh: T.BÌNH |
Theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang, số lượng sâm di thực trên địa bàn giảm đáng kể, đến năm 2014, còn khoảng 6.000 cây, giảm gần 50% so với tỷ lệ ban đầu; ngoài ra, chưa tạo được nguồn sâm giống để cung ứng mở rộng quy mô; mặt khác, trong nhân dân chưa có hộ nào chủ động đứng ra trồng phát triển. Vì vậy, tháng 8.2014, UBND huyện Tây Giang tiến hành thanh lý, điều chuyển 2 vườn sâm trên cho Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam thực hiện tái thiết đầu tư, tiếp tục phát triển.
Dược sĩ Nguyễn Đình Triệu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết: “Sở dĩ trước đây cây sâm di thực sinh trưởng và phát triển chậm, tỷ lệ sống chưa cao, nguyên nhân một phần do phải di chuyển quãng đường khá xa, từ núi Ngọc Linh về nên chất lượng cây sâm giống bị ảnh hưởng; ngoài ra lượng mùn trên đất thấp, thiếu độ ẩm, chưa bổ sung các loại phân bón vi sinh, công tác nuôi trồng chưa đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế trong khâu chăm sóc và bảo vệ… Để khắc phục những hạn chế trên, sau khi tiếp nhận, quản lý vườn sâm, công ty đã nghiên cứu gieo trồng bằng phương pháp mới, đó là sử dụng đầu mầm của củ sâm Ngọc Linh, so với phương pháp truyền thống là trồng bằng cây sâm giống, việc sử dụng đầu mầm có nhiều thuận lợi mà chất lượng vẫn đảm bảo, hạn chế khâu di chuyển, thời gian cho hạt nhanh, đặc biệt là giải quyết được vấn nạn khan hiếm nguồn sâm giống như hiện nay (từ năm 2014 đến nay đã gieo được 11.000 cây từ phương pháp đầu mầm); tiến hành lắp đặt hệ thống phun sương nhân tạo để giữ độ ẩm cho đất; thường xuyên bố trí cán bộ kỹ thuật, lực lượng bảo vệ túc trực tại khu vực trồng sâm”.
Về định hướng phát triển lâu dài cho cây sâm Ngọc Linh ở Tây Giang, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Về lâu dài, công ty sẽ hình thành khu trồng các loại cây dược liệu quý ở vùng Tây Giang để sản xuất, chế biến ra các loại thương phẩm có chức năng bồi bổ sức khỏe mang thương hiệu đặc trưng của vùng. Hiện công ty đã đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế dược liệu và trụ sở làm việc tại trung tâm huyện, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 6.2015; xây dựng nhà sinh hoạt và chốt bảo vệ tại Trạm dược liệu Tây Giang; hình thành được vườn ươm giống sâm ngọc Linh trên diện tích đất 1ha”.
THANH BÌNH