Những năm gần đây, bà con nông dân xã Tiên Sơn (Tiên Phước) đã mạnh dạn chuyển sang nuôi bò thâm canh, bước đầu đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với chăn nuôi bò thả rông.
Mô hình chăn nuôi bò thâm canh ở Tiên Sơn bước đầu cho hiệu quả. Ảnh: HƯNG BÌNH |
Trước đây, bà con nông dân xã Tiên Sơn chăn nuôi bò cỏ theo tập quán thả rông, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì thế bò chậm phát triển, hiệu quả mang lại không cao, dễ nhiễm dịch bệnh, lây lan ra tổng đàn. Do vậy, những năm gần đây bà con chuyển sang chăn nuôi bò thâm canh, trồng cỏ và bổ sung thêm thức ăn tinh bước đầu cho hiệu quả. Mới đây, 10 hộ nuôi bò lai ở thôn 5 đã thành lập câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò thâm canh bằng phương pháp nuôi nhốt. Đây là CLB chăn nuôi bò thâm canh đầu tiên trên địa bàn huyện Tiên Phước. Theo đó, các thành viên trong CLB có nhiệm vụ giúp đỡ nhau về kỹ thuật chăn nuôi theo hướng thâm canh, hỗ trợ về nguồn vốn, con giống và tìm đầu ra cho sản phẩm… Hiện tổng đàn bò lai trong CLB hơn 40 con, phát triển tốt.
Anh Lê Văn Tuấn, hội viên CLB nuôi bò lai thâm canh cho biết, năm 2011, để nuôi bò thâm canh hiệu quả, anh đầu tư xây chuồng trại thông thoáng, hợp vệ sinh và trồng 10 sào cỏ voi, cỏ sả, chất rơm khô cho bò ăn quanh năm. Hàng ngày, anh cho bò ăn 3 bữa sáng - trưa - tối và thức ăn chủ yếu là cỏ voi, cỏ sả, chuối trộn với bột cám, bột sắn, bắp… Hiện gia đình anh có 3 con bò nái lai và 2 con nghé. Mỗi con nghé nuôi 7 - 8 tháng, bán được khoảng 14 - 15 triệu đồng. Như vậy trung bình mỗi tháng anh thu lãi hơn 2 triệu đồng từ việc nuôi bò. “Nuôi bò thâm canh hiệu quả hơn rất nhiều so với nuôi bò cỏ truyền thống, nó sẽ tiết kiệm được thời gian chăm sóc vì không phải chăn giữ; tăng lượng phân chuồng phục vụ cho trồng trọt. Mỗi ngày chỉ bỏ ra khoảng 2 giờ đồng hồ chuẩn bị thức ăn cho bò và vệ sinh chuồng trại. Việc nuôi bò thâm canh bằng phương pháp nuôi nhốt hạn chế sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài và bò cũng phát triển nhanh hơn so với nuôi thả rông như trước đây. Dựa vào mô hình trồng cỏ nuôi bò, nhiều hộ trong thôn đã tăng số lượng bò lên rất nhiều lần. Riêng các hộ trong CLB mỗi hộ nuôi 4 - 6 con bò lai và đang tiếp tục phát triển thêm” - Anh Tuấn chia sẻ.
HĐND xã Tiên Sơn đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ cho người chăn nuôi bò thâm canh; theo đó địa phương tận dụng các nguồn lực, dự án cấp trên hỗ trợ để đầu tư cho người nuôi bò thâm canh. Hội Nông dân huyện, Hội Cựu chiến binh huyện, Phòng NN&PTNT huyện cũng xem xét hỗ trợ nguồn vốn cho các thành viên CLB chăn nuôi bò thâm canh ở thôn 5. Trước đó, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ cho 4 hội viên trong CLB vay vốn mua bò giống, làm chuồng nuôi và mua nguồn thức ăn với số tiền 200 triệu đồng. Ông Lê Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn, nói: “Tiên Sơn có lợi thế về diện tích triền núi, đồng cạn nên rất thuận tiện cho việc trồng cỏ nuôi bò thâm canh. Ở đây hầu như nhà nào cũng trồng cỏ, chất rơm khô dự trữ cho bò ăn vào mùa đông. Xã cũng thường xuyên phối hợp với cấp trên mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó, chú trọng tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nuôi bò thâm canh. Đồng thời địa phương cũng vận động người dân chuyển từ nuôi bò thả rông, sang chăn nuôi bò lai thâm canh mang lại hiệu quả cao hơn”.
Từ hiệu quả kinh tế đạt được, đến nay mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh đã nhanh chóng được triển khai trên nhiều thôn trên địa bàn xã Tiên Sơn, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân nơi đây. Hiện tổng đàn bò trên địa bàn xã có 1.074 con, trong đó đàn bò lai chiếm hơn 60% tổng đàn. Riêng ở thôn 5 đàn bò có 100 con, trong đó có khoảng 60 con bò lai thâm canh đang được nuôi nhốt.
N.HƯNG - N.BÌNH