Gần 10 năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng khó khăn, hạn chế cũng không ít. Tìm giải pháp hiệu quả để thực hiện trong chặng đường tiếp theo là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Điểm xuất phát thấp
Quảng Nam xây dựng NTM có điểm xuất phát rất thấp. Vào đầu năm 2011, trong 204 xã tham gia xây dựng NTM thì có đến 163 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có 48 xã chưa đạt tiêu chí nào, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn là 2,61 tiêu chí/xã. Sau 9 năm triển khai chương trình NTM, đến cuối năm 2019, đã có 98 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 48,04% so với tổng số xã; bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn là 15,26 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 102 thôn đã đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh sau khi đạt chuẩn NTM (năm 2015), tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; TP.Tam Kỳ đã trình hồ sơ về Trung ương đề nghị công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Duy Xuyên và TP.Hội An đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Với kết quả trên, có thể khẳng định chương trình NTM đã đi vào chiều sâu, làm cho diện mạo nông thôn thay đổi, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn như: Sự chỉ đạo, điều hành của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa sâu sát; chất lượng xây dựng NTM ở một số nơi chưa cao, thiếu bền vững; đời sống vật chất, tinh thần người dân tuy đã được nâng lên, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với bình quân chung của tỉnh, nhất là ở miền núi; việc huy động nguồn lực trong cộng đồng còn thấp; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ và người dân; nhiều tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, nhưng mới ở mức chạm ngưỡng. Đặc biệt, ở một số địa phương sau khi đạt chuẩn NTM có biểu hiện chững lại, thiếu tập trung chỉ đạo, nên đến cuối năm 2019 có đến 23 xã bị “rớt” tiêu chí; số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí vẫn còn nhiều (33 xã)...
Khó khăn lớn nhất về xây dựng NTM trong những năm đến là những xã còn lại chưa đạt chuẩn đều là những xã gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết là các xã ở miền núi cao, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Nhu cầu đầu tư xây dựng NTM của các xã này rất lớn, nhưng khả năng huy động nguồn lực tại chỗ là không đáng kể. Năng lực của phần lớn cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế... Tìm những giải pháp tích cực, có hiệu quả nhất để nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây là điểm mấu chốt về xây dựng NTM trong thời gian đến.
Giải pháp nào?
Để xây dựng NTM đạt hiệu quả cao, bền vững trong thời gian đến, trước hết, cần phân ra các nhóm xã theo kết quả đạt được của Bộ tiêu chí về xã NTM, để xác định các định hướng cũng như giải pháp trong chỉ đạo thực hiện.
Nhóm 1 là các xã đã đạt chuẩn đến tháng 3.2020 (có 99 xã, tỷ lệ đạt 48,53% so với tổng số xã) và các xã chuẩn bị đạt chuẩn trong tháng 6 năm 2020 (21 xã). Với nhóm này, cần tập trung duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt, không để “rớt“ tiêu chí; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu hết được mục đích, ý nghĩa của xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, để họ tự giác thực hiện, không để tình trạng cán bộ phải làm thay dân như ở một số nơi, từng bước xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu “sáng, xanh, sạch, đẹp”, trở thành những “Làng quê đáng sống”, đó mới là đích đến của NTM. Các xã có điều kiện, cần hỗ trợ, khuyến khích xây dựng xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu. Nhóm này nhiều xã có điểm xuất phát tốt, đạt chuẩn xã NTM sớm (2014 - 2015), điều kiện phát triển kinh tế khá thuận lợi; do vậy, các xã này cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất thật phù hợp, phát huy cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng các khu sản xuất nông, lâm, ngư tập trung; đẩy mạnh công tác tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa vào trong nông nghiệp, xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản, gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến...
Nhóm 2 (các xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí): Có 51 xã (chiếm 25%), chủ yếu là các xã miền núi, bãi ngang; là các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025. Những xã này có điểm xuất phát thấp, điều kiện sản xuất khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, nhu cầu đầu tư cao, nhưng khả năng huy động nguồn lực từ người dân và cộng đồng thấp. Từ những kinh nghiệm tốt, cách làm hay của các xã đi trước, nhất là những xã đặc biệt khó khăn vượt khó, vươn lên đạt chuẩn NTM, chủ động xây dựng khung kế hoạch, lộ trình và cân đối nguồn lực, tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ nét trên từng lĩnh vực, từng tiêu chí, làm tiền đề để phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn 2021 - 2025. Cán bộ NTM tỉnh, huyện phải hướng dẫn cụ thể cho các xã xây dựng lại đề án phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, trình UBND huyện phê duyệt (thay cho đề án cũ, đã lập vào những năm 2012 - 2013); tiếp tục vận động thành lập các HTX, để làm cầu nối giữa người dân với các doanh nghiệp, nhằm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cùng với nguồn vốn NTM ngân sách nhà nước đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho xây dựng NTM, nhất là nguồn vốn xã hội hóa, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng, vốn đầu tư từ doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ thể và vận động nguồn lực của người dân (không huy động vượt sức dân); kêu gọi doanh nghiệp, người con xa quê thành đạt tài trợ, đỡ đầu. Xây dựng cơ chế, chính sách, quy định tỷ lệ để lại cho ngân sách cấp xã khi đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng đạt chuẩn NTM.
Nhóm 3 (các xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí): Có 33 xã (chiếm 16,18%), chủ yếu là các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, xã biên giới ở các huyện miền núi cao. Kết quả đạt được về xây dựng NTM trong gần 10 năm, về cơ bản là đáng mừng, nhưng đem so sánh kết quả đạt được giữa các vùng thì có sự chênh lệch lớn giữa vùng đồng bằng và miền núi. Đến nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn ở các xã đồng bằng 17,7 tiêu chí/xã; trong khi đó bình quân số tiêu chí đạt chuẩn ở các xã miền núi cao là 11,05 tiêu chí/xã. Có thể nói, ”bức tranh nông thôn mới” có chỗ thì rất sáng, có chỗ còn khá tối. Trong gần 10 năm xây dựng NTM, 6 huyện miền núi cao chỉ có 6 xã đạt chuẩn NTM/64 xã, tỷ lệ dưới 10% (3 huyện có 2 xã đạt chuẩn/huyện, 3 huyện không có xã nào); huyện có mô hình xã đạt chuẩn NTM, nhưng việc nhân rộng ra gặp rất nhiều khó khăn.
Thực trạng nêu trên cho thấy kết quả xây dựng NTM ở khu vực miền núi cao trong gần 10 năm qua là chưa đạt như mong muốn. Có thể đề cập một vài nguyên nhân: Do Bộ tiêu chí Trung ương quy định cao, nên khó đạt được chuẩn? (các xã thuộc huyện miền núi cao áp dụng tiêu chí của vùng trung du miền núi phía Bắc, tiêu chí thấp nhất trong 7 vùng của cả nước). Do đầu tư xây dựng NTM cho các huyện miền núi cao còn thấp? (từ năm 2016 đến tháng 3 năm 2020, tổng vốn đầu tư nguồn NTM và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đạt hơn 2.745 tỷ đồng; bình quân 1 xã 43 tỷ đồng, con số đầu tư không nhỏ). Do đầu tư vốn còn dàn trải, lồng ghép vốn chưa đạt hiệu quả? Có hay không tư tưởng của một số cán bộ cơ sở và người dân không muốn đạt chuẩn NTM, thích được “nghèo bền vững” để được hưởng các chính sách an sinh xã hội? Tư tưởng này nếu có, sẽ là lực cản lớn khi vận động người dân tham gia xây dựng NTM ở huyện miền núi cao...
Để trả lời những câu hỏi trên, nên có cái nhìn thẳng thắn trong đợt tổng kết 10 năm xây dựng NTM ở các huyện miền núi cao (không nên tổng kết chung với các huyện đồng bằng như những năm qua), để tìm ra nguyên nhân dẫn đến kết quả xây dựng NTM đạt còn thấp, từ đó có cách làm NTM phù hợp hơn.