Hướng đi mới của xã đảo Tam Hải

VĂN PHIN 09/06/2020 04:46

Với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, xã đảo Tam Hải (Núi Thành) đang thực hiện các giải pháp cụ thể  để phát triển kinh tế biển gắn với du lịch dịch vụ…

Xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) đang thực hiện các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế biển gắn với du lịch dịch vụ. Ảnh: L.V
Xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) đang thực hiện các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế biển gắn với du lịch dịch vụ. Ảnh: L.V

Tam Hải là xã đảo được bao bọc bởi 4 bề sông và biển. Toàn xã có 7 thôn, trong đó có 5 thôn liền nhau và 2 thôn là ốc đảo nhỏ, với hơn 8.600 nhân khẩu hầu hết làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Xã đảo có bãi biển đẹp, nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh nổi tiếng. Ngư dân Tam Hải sở hữu 410 phương tiện tàu thuyền với tổng công suất máy hơn 21.287CV, đa số tàu có công suất trên 90CV hành nghề đánh bắt xa bờ như câu mực, lưới vây…

Ông Phạm Đức Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, phát huy thế mạnh đặc thù của xã đảo, UBND xã Tam Hải đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với du lịch - dịch vụ của địa phương giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu huy động mọi nguồn lực và tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế.

Xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tập trung phát triển công nghiệp dịch vụ hậu cần nghề cá và dịch vụ du lịch, phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản, khai thác một cách hợp lý nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng xã đảo thành “thương hiệu” du lịch trong tương lai.

Để đạt được mục tiêu đề ra, xã Tam Hải đã có những định hướng, giải pháp cụ thể. Trước hết, xã phát triển sản phẩm kinh tế biển theo hướng chuyên môn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đầu tư và thu hút đầu tư hình thành các vùng sản xuất hàng hóa về thủy sản gắn với dây chuyền chế biến công nghiệp.

Đối với ngành du lịch - dịch vụ, Tam Hải định hướng phát triển sản phẩm đặc trưng gắn với du lịch sinh thái - cộng đồng và dịch vụ chất lượng cao, chú trọng chất lượng sản phẩm thủy sản có lợi thế xuất khẩu, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để tạo thương hiệu cho xã đảo; phát triển các sản phẩm kinh tế biển trên cơ sở khai thác đi đôi với bảo vệ, tái tạo nguồn tài nguyên biển. Bên cạnh đó, Tam Hải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa.

Theo ông Nguyễn Công Tiến - Chủ tịch UBND xã Tam Hải, để phát triển kinh tế biển gắn với du lịch - dịch vụ trong thời gian đến, địa phương huy động nguồn lực đầu tư phát triển hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật các ngành kinh tế biển như hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản; cơ sở hạ tầng ngành du lịch; đầu tư đóng mới tàu thuyền, trang thiết bị hiện đại, nâng công suất máy tàu thuyền phục vụ đánh bắt xa bờ.

Mặt khác, Tam Hải có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh như Bàn Than, Bãi Nồm, Bãi Bắc, Khu mộ cá Ông… Thời gian tới xã tiếp tục huy động nguồn lực để trùng tu, phục dựng và bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, công viên địa chất tại địa phương.

Địa phương cũng đang có kế hoạch bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị sinh thái, nhân rộng mô hình rừng ngập mặn, khuyến khích phục hồi, trồng mới các vườn dừa, tạo thương hiệu “đảo dừa Tam Hải”; bảo tồn các khu vực rừng phòng hộ ven biển; bảo tồn và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở xã đảo như đan lưới, làm muối, thảm xơ dừa… cùng các hoạt động lễ hội như cầu ngư, hát bả trạo của cư dân vùng biển.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đi mới của xã đảo Tam Hải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO