(QNO) - Liên tiếp hai hội nghị quan trọng về du lịch được UBND tỉnh phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức cuối năm 2019, tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch Quảng Nam bền vững.
Tại hội nghị doanh nghiệp du lịch năm 2019 và hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Nam - Thời cơ và thách thức” (12.2019), các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch có nhiều đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan…
Nhiều ý kiến cũng kêu gọi xây dựng sản phẩm đa dạng; phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, với cộng đồng; giữa du lịch xanh với trách nhiệm bảo vệ môi trường, đảm bảo du lịch Quảng Nam phát triển bền vững. Đặc biệt, đã xuất hiện một số đề xuất kêu gọi phát triển du lịch thay thế (alternative tourism), hay còn gọi là du lịch lựa chọn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do du lịch đại chúng (mass tourism) mang lại.
Thực tế, du lịch thay thế không phải là mô hình mới mẻ mà đã xuất hiện từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước tại các nước đang phát triển. Hình thức của loại hình du lịch này là dựa vào cộng đồng, gắn với cộng đồng, trong đó hầu hết dự án thường có quy mô nhỏ cả về diện tích và kinh phí đầu tư, đồng thời có tính độc lập cao và sự tham gia rất lớn của người dân địa phương.
Mô hình này được cho là giúp tạo ra sự cân bằng giữa quy hoạch phát triển, kinh tế - xã hội với quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, hướng tới mục đích làm phong phú các sản phẩm du lịch, đồng thời giới thiệu nhiều hơn về đất và con người xứ Quảng.
Thời gian qua Quảng Nam cũng đã xây dựng nhiều điểm du lịch cộng đồng với các tour tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào hoạt động, một số dự án đã không phát huy được hiệu quả, nhất là trong việc mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dẫn tới đóng cửa hoặc hoạt động èo uột.
Phân tích của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân thất bại của những mô hình du lịch cộng đồng trên đến từ một số lý do như hạn chế năng lực quản lý của cộng đồng; việc tổ chức cung cấp dịch vụ có chất lượng còn ít; thiếu sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý; thiếu sự phối hợp với đơn vị lữ hành, thiếu kinh phí vận hành…
Để giải quyết những hạn chế trên, đã có nhiều đề xuất, giải pháp, hiến kế từ cộng đồng, doanh nghiệp, chuyên gia và các nhà quản lý, kể cả việc dẫn giải những kinh nghiệm, thành công trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở Việt Nam và quốc tế như Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), Chiangmai (Thái Lan), Vang Vieng (Lào) hay Ewha (Hàn Quốc)…
Qua đó nhằm chỉ ra rằng, du lịch cộng đồng cần phải được triển khai, thực hiện dựa trên các nguyên tắc cụ thể; đảm bảo sự tiếp cận độc đáo các giá trị di sản và môi trường tự nhiên của địa phương, gắn với việc bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tạo ra các cơ hội phát triển kinh tế bình đẳng dựa trên cơ sở đồng thuận giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch… Trong đó, đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu và các sản phẩm phục vụ cho mục đích mua sắm của du khách tại địa phương bởi chính sự phục vụ của người dân địa phương trên nguyên tắc chia sẻ thông tin rõ ràng, minh bạch về dịch vụ, thị trường giữa cộng đồng và doanh nghiệp lữ hành.
Một điều đáng lưu ý, cho dù các nguyên tắc trên có thể được các nhà quản lý, doanh nghiệp và chính cộng đồng áp dụng, nhưng yếu tố cốt lõi để loại hình du lịch cộng đồng bền vững phải có sự chia sẻ thật sự về phương diện kinh tế giữa cộng đồng và doanh nghiệp; đồng thời có sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử và tập quán giữa cộng đồng và du khách.
Đặc biệt, loại hình du lịch này phải phù hợp với các giá trị của tự nhiên, xã hội và cộng đồng nhằm qua đó tạo sự tương tác tích cực, giúp vượt qua rào cản của ngôn ngữ. Có như vậy, các mô hình du lịch cộng đồng ở vùng ven tỉnh Quảng Nam mới hiện thực hóa được mục tiêu du lịch “xanh”, bền vững.