Hướng đi nào cho ngành cơ khí?

ĐẶNG HÙNG 26/09/2018 02:07

Quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, sản phẩm làm ra đơn điệu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, nguyên phụ liệu cho sản xuất phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu... là những “nút thắt” khiến cho ngành cơ khí ở Quảng Nam phát triển không đồng đều, giá trị gia tăng thấp. Thời gian tới, hướng đi nào sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp được xem là động lực của nền kinh tế này?

Ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ở địa phương. Ảnh: Đ.HÙNG
Ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ở địa phương. Ảnh: Đ.HÙNG

Khả năng cạnh tranh thấp

Theo số liệu của Sở Công Thương, Quảng Nam hiện có khoảng 1.056 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất ở lĩnh vực cơ khí, nhưng trong đó có đến 97% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Những DN này hầu hết hoạt động ở quy mô hộ gia đình, số lượng lao động ít, chủ yếu làm cơ khí gia công, gò hàn, làm cửa sắt, cán tôn, sản xuất đồ gia dụng đơn giản. Ngay cả những sản phẩm thủ công cũng khó cạnh tranh với sản phẩm nhập về từ nơi khác do giá thành cao, mẫu mã không đẹp trong khi các công trình, nhà máy ngày càng đòi hỏi các loại hàng hóa phức tạp, có mức độ tinh xảo cao nên khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, hầu hết DN cơ khí ở Quảng Nam nằm trong thực trạng chung là thiếu vốn, thiếu công nghệ; thiết bị sản xuất chưa đồng bộ, nhỏ lẻ, nguyên phụ liệu cho sản xuất còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu... Những vấn đề này đã tạo “nút thắt” khiến cho ngành cơ khí Quảng Nam phát triển không đồng đều, giá trị gia tăng thấp. Phần lớn máy móc, công nghệ của ngành cơ khí đã lạc hậu nên không làm ra sản phẩm có giá trị cao; chưa hình thành được nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Cao Xuân Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Cao Xuân Dũng (quốc lộ 1, xã Tam Đàn, Phú Ninh), để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ vay vốn để DN đầu tư thiết bị máy móc, nhà xưởng sản xuất, từng bước đổi mới công nghệ. Bởi vì đầu tư vào ngành công nghiệp cơ khí đòi hỏi vốn rất lớn lại chậm có lãi và thời gian thu hồi vốn dài, do đó ít hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Nhà nước cần có  các chính sách khuyến khích phát triển ngành cơ khí theo chiều sâu nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chủ động liên doanh, liên kết để trở thành nhà cung cấp chi tiết sản phẩm, là mắt xích trong phân công sản xuất, phân phối sản phẩm, giảm thiểu gia công cơ khí đơn thuần; ưu tiên đầu tư phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn” - ông Dũng đề xuất.

Phát triển ngành cơ khí chế tạo

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cũng là tỉnh có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cơ khí, những năm gần đây Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho CNHT ngành cơ khí chế tạo và lắp ráp ô tô, tạo đà cho các ngành công nghiệp phát triển. Ngay từ năm 2014, Quảng Nam đã ban hành Quyết định “Phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đến nay trên địa bàn của tỉnh đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn, DN trong và ngoài nước được triển khai tại một số khu công nghiệp và Khu kinh tế mở Chu Lai…, tập trung cung ứng sản phẩm, phụ kiện phục vụ cho ngành may mặc, điện tử, linh kiện, ô tô… Đến nay, riêng tại Khu kinh tế mở Chu Lai đã có 21 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ cho việc lắp ráp ô tô du lịch, xe tải, xe buýt với các nhãn hiệu Kia, Hyundai, Mazda… Đây chính là tiền đề để hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Nhờ đó, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô của Trường Hải lắp ráp tại Quảng Nam khá cao, bình quân khoảng 52% đối với xe khách, 46% đối với xe tải và xe du lịch hiện tại là 16,2%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói, ngành cơ khí chế tạo là một trong những ngành công nghiệp quan trọng làm động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chính vì vậy, trong những năm đến, Quảng Nam sẽ ưu tiên xây dựng chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định cơ chế, chính sách phát triển CNHT trong ngành cơ khí là một ưu tiên hàng đầu. Tỉnh sẽ tập trung thu hút DN FDI có các dự án chuyển giao công nghệ cao để phát triển CNHT ngành cơ khí chế tạo. “Đối với DN cơ khí, ngoài việc tự nâng cao về mặt thiết bị, công nghệ trong sản xuất, cần tiếp thu những công nghệ mới thông qua liên doanh, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nhấn mạnh.

ĐẶNG HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đi nào cho ngành cơ khí?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO