Hướng đi nào cho trạm y tế xã, phường?

NGUYỄN DƯƠNG 27/02/2018 13:53

Để nâng cao chất lượng y tế phục vụ nhân dân, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã thông qua Nghị quyết số 19 và 20 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó chú trọng việc sắp xếp, đổi mới hệ thống y tế, rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực. Nơi đã có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã thì có thể không thành lập trạm y tế (TYT) xã. Vấn đề đặt ra ở đây là các TYT xã, phường đã tồn tại từ trước đến nay thì đi theo hướng nào cho hợp lý, sắp xếp sao cho đạt hiệu quả cao nhất?

Dù ít người tới khám chữa bệnh tại TYT xã, phường kể từ khi thông tuyến BHYT nhưng đây vẫn là nơi thực hiện nhiều chức năng, không thể thiếu trong hệ thống y tế.
Dù ít người tới khám chữa bệnh tại TYT xã, phường kể từ khi thông tuyến BHYT nhưng đây vẫn là nơi thực hiện nhiều chức năng, không thể thiếu trong hệ thống y tế.

CHỦ YẾU THỰC HIỆN CHỨC NĂNG Y TẾ DỰ PHÒNG

Từ ngày 1.1.2016, người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở cơ sở y tế từ tuyến quận, huyện trở xuống sẽ không bị giới hạn nơi khám chữa bệnh, được thông tuyến khám chữa bệnh BHYT (giữa tuyến xã và tuyến huyện) trên cùng địa bàn. Từ đó nảy sinh tình trạng các TYT xã, phường nhiều nơi chỉ còn tập trung vào công tác y tế dự phòng.

Vắng bệnh nhân

Theo ông Doãn Bá Sung - Trưởng TYT phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ), từ khi tổ chức thông tuyến cùng hệ thống bệnh viện (BV) tư nhân ngày một phát triển, số lượng người dân tới đây khám chữa bệnh đã giảm hẳn so với trước. “Đa số là những người thuộc bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm hoặc bị tai nạn giao thông bất ngờ thì đem tới, còn lại họ đều lên tuyến trên để khám chữa bệnh nên ngoài những đợt tổ chức tiêm chủng thì người đến rất ít” - ông Sung nói. Tương tự, TYT phường An Mỹ (Tam Kỳ) hầu như chỉ làm công tác y tế dự phòng, còn lại nhiệm vụ khám chữa bệnh ban đầu gần như bỏ ngỏ. “Trước đây thì phân theo đầu thẻ BHYT nên cũng khá đông người bệnh đến đây khám. Nhưng giờ thì chỉ lác đác vài bệnh nhân lớn tuổi với các bệnh lặt vặt đến lấy thuốc. Nhân dân đều lên các BV khác để khám chữa bệnh” - bà Nguyễn Thị Phi Anh, Trạm trưởng TYT phường An Mỹ cho hay.

Đây cũng là tình trạng chung của những TYT ở trong các thành phố, thị trấn có hệ thống cơ sở y tế phát triển mạnh. Người dân đều tìm đến các BV có điều kiện cơ sở vật chất phát triển hơn để thăm khám. Ông Doãn Bá Sung nói thêm: “Có những bệnh đau ốm thông thường như cảm sốt, nhức đầu hay đau bụng, nếu lên các BV lớn họ cũng cho từng đó thuốc, nhưng tâm lý người dân vẫn muốn đến đó thay vì đến TYT. Trong khi, nếu đến TYT thì chúng tôi có thể chăm sóc tốt hơn vì còn kiêm luôn cả việc tư vấn cho người bệnh những kiến thức sơ đẳng nhất để xử lý những căn bệnh này. Nguyên do của tình trạng này một phần từ sự truyền thông về chức năng của TYT chưa đến được với người dân”.

Ngay cả những TYT thuộc vùng ven cũng gặp phải tình trạng này. Theo ông Nguyễn Liệu - Trạm trưởng TYT phường Thanh Hà (TP.Hội An), số bệnh nhân đến thăm khám ở đây đã giảm đi hơn nửa so với trước. “TYT cách các BV tuyến huyện, thành phố chừng 5km nên nhiều người vẫn tìm đến các cơ sở này để khám chữa bệnh thay vì đến TYT xã nên vắng bệnh nhân là dễ hiểu” - ông Liệu nói. Cũng là một TYT vùng ven, ngoại ô TP.Hội An nhưng TYT phường Cẩm Thanh lại đông bệnh nhân. “Trung bình mỗi tháng chừng 400 người tới đây khám chữa bệnh, trong đó gồm những người cao tuổi hay những thai phụ đến kiểm tra định kỳ. Ngoài việc khám chữa bệnh, chúng tôi còn làm nhiều công tác tư vấn sức khỏe cộng đồng nên khối lượng công việc cũng khá nhiều” - bà Phạm Thị Xuân, Trạm trưởng TYT phường Cẩm Thanh cho biết.

Nên giữ TYT

Đối với Quảng Nam, việc sắp xếp các phòng khám đa khoa khu vực, chức năng TYT xã đã được thực hiện từ trước đó theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11.12.2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về hệ thống tổ chức y tế ở địa phương. Theo lộ trình, dự kiến Quảng Nam sẽ thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vào cuối năm 2018 trên cơ sở gộp 5 đơn vị (Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ và Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS).
Với việc sắp xếp lại phòng y tế huyện, thị xã, thành phố thì hiện nay do thiếu nguồn nhân lực nên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các phòng y tế chưa đầy đủ. Sở Nội vụ đang tham mưu để trình UBND tỉnh ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của phòng y tế huyện, thị xã, thành phố. Đối với một số phòng khám đa khoa khu vực còn trực thuộc các bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện thành phố, thời gian tới, Sở Y tế sẽ giao cho trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố quản lý theo đúng quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm y tế TP.Hội An, ngoài công tác khám chữa bệnh ban đầu thì công tác y tế dự phòng đối với một TYT xã, phường là rất quan trọng. Các chương trình mục tiêu quốc gia hay những đợt tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ mang thai, chăm sóc trẻ em, quản lý y tế học đường, quản lý sức khỏe người cao tuổi, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý các bệnh xã hội như HIV, lao phổi, tâm thần, da liễu, mắt học đường... đều do TYT xã phụ trách. Vì vậy, mỗi nơi cần phải có một TYT xã, phường để thực hiện những điều này”.

Đây cũng là ý kiến chung của nhiều người khi được hỏi về chức năng của TYT. “Đôi khi thấy TYT vắng vẻ rồi bảo là không có chức năng gì. Thực chất, chúng tôi làm rất nhiều nhiệm vụ, và nếu tiến hành nhập 2 - 3 TYT của các phường lại với nhau thì rất khó để quản lý. Như mỗi năm có 2 đợt nhỏ vitamin A, mỗi phường có gần 1 nghìn trẻ em trong độ tuổi này, nếu không là người địa phương đó thì làm sao biết được nhà nào có con trong độ tuổi đó để thông báo? Rồi quản lý sức khỏe, hay mỗi lần xảy ra dịch bệnh gì sẽ rất khó để triển khai vì địa bàn rộng hơn rất nhiều, trong khi con người lại ít. Chỉ sợ rằng, nếu sáp nhập lại với nhau thì công tác y tế dự phòng sẽ giảm đi hiệu quả, thậm chí không đạt được mục tiêu đã đề ra” - bà Nguyễn Thị Phi Anh, Trạm trưởng TYT phường An Mỹ cho hay. Còn bà Phạm Thị Xuân - Trưởng TYT phường Cẩm Thanh (TP.Hội An) thì cho rằng nếu gộp các TYT xã, phường lại với nhau thì công tác quản lý rất khó, nhất là việc quản lý dịch bệnh. Ví dụ khi xảy ra một dịch bệnh gì đó, việc tuyên truyền kiến thức cho mỗi người dân sẽ phức tạp hơn nhiều. Bên cạnh đó, việc tư vấn sức khỏe cho mỗi gia đình cũng không đạt được hiệu quả, vì mỗi xã sẽ phụ trách địa bàn của mình tốt hơn.

Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề liệu có nên sáp nhập 2 - 3 trạm y tế (TYT) xã thành một trung tâm y tế để phục vụ tốt hơn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng liệu khi làm như thế thì bố trí con người làm việc như thế nào, công tác y tế dự phòng có đảm bảo khi số lượng quản lý người dân địa bàn nâng lên?

 Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh:

Nên chuyển thành chính quyền đô thị trong quản lý y tế

Hiện nay, sau khi tổ chức thông tuyến thì lượng người vào thăm khám tại các TYT xã, phường giảm hẳn. Từ đó cần xem xét lại nên hay không gộp 2 - 3 TYT xã, phường thành một. Về lâu dài thì nên để TYT xã, phường chỉ lo về công tác y tế dự phòng. Quan trọng là phải sắp xếp con người lại như thế nào cho hợp lý. Có một số ý kiến cho rằng khi gộp lại sẽ khó kiểm soát dịch bệnh vì địa bàn mở rộng, con người thiếu, nhưng thực chất không phải thế. Thực tế là kiểm soát dịch bệnh không có ranh giới hành chính. Xã, phường nào cũng muốn phát huy y tế riêng của mình nhưng không phải như thế, hiện nay đều giao về quận, huyện quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Hiện nay, Tam Kỳ và Hội An có thể xem xét để thử nghiệm mô hình này.

Còn đối với miền núi thì nên thành lập phòng khám đa khoa khu vực đủ chuẩn, nhưng với điều kiện với quy mô 30 giường bệnh trở lên. Hoặc xem xét ở những khu dân cư nào đông đúc, đủ điều kiện thì xây dựng một TYT xã ở đó, cốt yếu để phục vụ cho người dân kịp thời nhất.

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế:

Cần xem xét nơi nào khám chữa bệnh, nơi nào chỉ làm công tác y tế dự phòng

Những nơi nào có phòng khám đa khoa khu vực và TYT thì nên sáp nhập TYT vào luôn ở phòng khám khu vực đó. Và hiện nay, hầu như các TYT ở cạnh các phòng khám đều đã sáp nhập vào đó hết. Còn những nơi đã có bệnh viện tuyến huyện ở đó thì TYT chỉ làm chức năng dự phòng thôi. Quảng Nam đã thực hiện điều đó lâu rồi.

Quan điểm là TYT ở nơi nào cũng phải có, nhưng quy mô khác nhau, tùy theo từng vùng. Phân thành vùng 1, 2, 3, trong đó vùng 3 là vùng khó khăn thì bao gồm cả khám chữa bệnh và công tác y tế dự phòng. Vùng 2 thì cũng có khám chữa bệnh nhưng quy mô nhỏ hơn, không có phòng sinh... Còn vùng 1, ở ngay trung tâm thì chỉ làm chức năng dự phòng mà thôi.

Ông Doãn Bá Sung - Trạm trưởng TYT phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ):

Cần nâng cao sự tiếp cận cộng đồng đối với TYT xã, phường

Việc người dân đổ dồn về các bệnh viện tuyến trên dù chỉ mắc bệnh nhẹ là bởi các kênh truyền thông về y tế chưa làm cho họ hiểu được bản chất của một TYT xã. Khi người bệnh đến với TYT xã thay vì chỉ thăm khám bình thường, chúng tôi còn có thể tư vấn sức khỏe cho họ, ăn uống ra sao, phòng tránh lây nhiễm cho người khác như thế nào...

Nếu có thể, cần nâng mức chi trả của bảo hiểm y tế hiện nay đối với TYT xã, phường vì mức hiện nay còn quá thấp (khoảng 120 nghìn đồng/lượt khám) nên nhiều người ngại đến TYT để khám chữa bệnh (các bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế huyện mức chi trả là 350 nghìn đồng/lượt).

Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang:

Cần nâng cấp các TYT xã

Hiện nay, trên địa bàn Nam Giang có 12 TYT xã với 12 xã, thị trấn. Bên cạnh đó, còn có một phòng khám đa khoa khu vực biên giới ở xã Chà Vàl để chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, các TYT xã hiện nay vẫn còn ở quy mô nhỏ, đường đi lại giữa các xã khó khăn nên nếu được thì nâng cấp các TYT xã lên để phục vụ người dân tốt hơn. Trong trường hợp nửa đêm người dân cần đưa đi cấp cứu mà đường ra phòng khám xa thì cũng đã có TYT xã giải quyết kịp thời.

NÂNG CẤP TRẠM Y TẾ
Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 nhấn mạnh quan điểm: y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Và phải từng bước nâng cao chất lượng của mỗi trạm y tế (TYT) xã, phường để chăm sóc sức khỏe của người dân.

Đối với miền núi, TYT là nơi người dân tìm đến đầu tiên để chữa bệnh. Vì vậy, cần ưu tiên nâng cấp cho những nơi này để thực hiện cả 2 chức năng: khám chữa bệnh và y tế dự phòng.
Đối với miền núi, TYT là nơi người dân tìm đến đầu tiên để chữa bệnh. Vì vậy, cần ưu tiên nâng cấp cho những nơi này để thực hiện cả 2 chức năng: khám chữa bệnh và y tế dự phòng.

Trong cuộc họp mới đây giữa Chính phủ và Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, ở đất nước nào, thu nhập ra sao đều phải có hệ thống TYT xã thực hiện khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu để giải quyết như “người gác cổng”. Vì vậy, cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, cơ chế tài chính mở hơn để giúp TYT giải quyết được những vấn đề tồn tại. Hiện nay, người dân chưa tin tưởng chất lượng y tế tuyến cơ sở do 3 nguyên nhân chính: năng lực của cán bộ y tế, cơ sở vật chất chưa tốt, đặc biệt là mức chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT) đối với TYT xã quá thấp. Có bệnh nhân mắc bệnh hơi nặng nhưng trạm chưa đáp ứng được thuốc vẫn buộc người dân phải vượt tuyến, góp phần gây nên tình trạng quá tải ở bệnh viện. TYT sẽ được đầu tư xây dựng về mọi phương diện như nhân lực (ít nhất mỗi trạm một bác sĩ), trang thiết bị, cơ sở vật chất, cách thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, giúp thăm khám và phát hiện sớm, chuyển đúng tuyến nếu cần thiết, lúc đó BHYT sẽ chi trả đúng 100% trong danh mục BHYT. Nếu vượt tuyến thì người dân phải đồng chi trả. Bộ Y tế cũng đang xây dựng thí điểm 24 TYT của 8 tỉnh theo đúng mô hình chuẩn theo nguyên lý y học gia đình rồi nhân lên cả nước.

Chính vì vậy, việc nâng cấp cơ sở y tế, cụ thể là các TYT tuyến xã, phường được ưu tiên trong thời gian tới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6, trong đó nêu rõ: tập trung ưu tiên phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giải quyết căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Nhưng lâu dài, cơ bản, hiệu quả nhất là thực hiện phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay tại cơ sở chứ không phải để người dân lên tuyến cao hơn. Trước đó, Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng yêu cầu chính quyền các địa phương cần tổ chức các cơ sở y tế theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp: chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3. Sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế. Thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; trung tâm trực tiếp quản lý TYT xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có). Rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực. Nơi đã có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã thì có thể không thành lập TYT xã.

Hiện nay, cơ sở vật chất của mỗi TYT xã, phường đều thiếu, nhất là đội ngũ bác sĩ về đây công tác để nâng cao trình độ chuyên môn vẫn còn thiếu rất nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, để cải thiện nguồn nhân lực cho các TYT xã, phường, vừa qua sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng viên chức theo hình thức xét tuyển đặc cách cho 618 hợp đồng lao động theo Quyết định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cán bộ y tế xã; tham mưu HĐND tỉnh ban hành chính sách đào tạo chuyên sâu giai đoạn 2017 - 2021 cho toàn ngành, trong đó tập trung đào tạo đạt chuẩn chuyên môn cho bác sĩ tuyến cơ sở; thực hiện Đề án 1816 về việc luân phiên cán bộ y tế, trong đó tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở. “Quảng Nam đã sớm thực hiện theo hướng này của Nghị quyết 20. Về chức năng, nhiệm vụ của mỗi TYT xã, phường hoàn toàn không có gì thay đổi. Giờ chỉ nên cân nhắc ở nơi nào TYT xã, phường tập trung vào nhiệm vụ y tế dự phòng, nơi nào đầu tư, nâng cấp để phục vụ khám chữa bệnh” - ông Hai nói.

Cũng theo ông Hai, Sở Y tế đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo 28 TYT tuyến xã, trong đó có nhiều trạm đã đưa vào sử dụng như Trạm Y tế xã Cady, Tam Hải, Chơ Chun, Cĥ Ơm… để phục vụ người dân. “Đối với miền núi thì TYT xã là nơi đầu tiên người dân đến khám chữa bệnh, vì vậy rất cần thiết nâng cấp để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, giải quyết bước ban đầu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Còn về thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật như Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11.12.2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã nêu, theo lộ trình, dự kiến thành lập trung tâm này vào cuối năm 2018. Đối với Trung tâm Mắt (đã có quyết định thành lập bệnh viện) và Trung tâm Da liễu sẽ xây dựng thành bệnh viện chuyên khoa mắt và chuyên khoa da liễu vào cuối năm 2017” - ông Hai cho biết thêm.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đi nào cho trạm y tế xã, phường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO