Dòng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Nam hiện tại có hai hướng chủ lưu đáng chú ý là các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh mới đây, đến thời điểm này toàn tỉnh có 365 HTX, 1 liên hiệp HTX và gần 2.500 THT đang hoạt động trên các lĩnh vực. Nét mới trong loại hình kinh tế tập thể này là xuất hiện các mô hình tổ chức hoạt động mới với nhiều thành viên trẻ có trình độ chuyên môn, tâm huyết và am hiểu về lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Còn về doanh nghiệp, Sở NN&TNT cho biết trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đáng chú ý là gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Kraig Biocraft Laboratories...
Nhận diện việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bước đầu đã có sự đa dạng hơn và ít nhiều có sự gia tăng công nghệ. Như trồng trọt, chăn nuôi thì phát triển công nghệ sản xuất giống (giống lúa, giống dược liệu, giống vật nuôi mới…); chế biến thì gắn với các công nghệ sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng (tiêu chuẩn ISO, hoặc chuẩn VietGAP, hay gắn sao OCOP cho nông sản…). Tuy vậy, hướng đích cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều trở lực, nên dòng sản phẩm có những thương hiệu mạnh vẫn là khát khao chưa hiện thực hóa. Quy mô vẫn còn nhỏ lẻ và việc đầu tư chưa gắn chặt với thị trường tiêu thụ là hạn chế lớn.
Hợp tác, liên kết, là hướng đích trong phương thức hoạt động của các HTX và doanh nghiệp. Các HTX là hợp tác các thành viên và liên kết với nông dân trong tổ chức sản xuất và cung ứng dịch vụ. Đây là mô hình hoạt động cắm sâu gốc rễ, “đứng điểm” sát cơ sở ở nông thôn. Sự chuyển biến của nông nghiệp có mạnh mẽ hay không phải dựa vào thế và lực của loại hình kinh tế tập thể này. Tuy nhiên, hiện nay năng lực nội tại của hầu hết HTX vẫn còn nhiều bất cập như thiếu vốn, thiếu nguồn cán bộ quản lý, chưa năng động trong sản xuất... Từ đó, quy mô hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là dịch vụ đầu vào, chưa gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Còn đối với doanh nghiệp, nhiều địa phương hiện vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư tương xứng với tiềm năng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao, thị trường thiếu ổn định… Đặc biệt việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch chưa được khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ. Nói thêm về dòng vốn, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến cuối tháng 6.2019, dòng vốn đầu tư cho nông, lâm, thủy sản khoảng 6.800 tỷ đồng. Tổng quát, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 32%/tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh, không ít, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn của khu vực này.
Như vậy, để đạt được hướng đích theo các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, nhất là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP (ngày 17.4.2018) của Chính phủ và Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND (ngày 6.12.2018) của HĐND tỉnh, cần phải tiếp tục tháo gỡ những trở lực về cách thức đầu tư, dòng vốn, đất đai, cải thiện về năng lực, quy mô, mở rộng hơn nữa việc hợp tác và liên kết… Trong đó, trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa Nhà nước - các HTX, doanh nghiệp – nhà nông, cũng cần chú trọng đồng bộ liên kết trong nội tại mỗi chủ thể để cộng hưởng sức mạnh. Ví như, nếu doanh nghiệp cung ứng tín dụng không liên kết với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì sẽ không thể mở rộng quy mô đầu tư. Và nếu mỗi chủ thể phân tán, mạnh ai nấy làm sẽ không tạo được tiếng nói chung cho sự phát triển bền vững, hướng ra thị trường bền vững.