Nắm bắt được thị trường cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2017, chị Đặng Thị Tố Nga (thôn Hiền Lộc, xã Bình Lãnh, Thăng Bình) nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm viên tinh nghệ mật ong rừng. Từ một sản phẩm kinh doanh ban đầu, đến nay cửa hàng đặc sản quê hương Tabitha do chị Nga làm chủ đã sản xuất thêm 20 sản phẩm khác, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Từng gia công tinh bột nghệ cho một cơ sở nên đã học được nhiều kinh nghiệm và hiểu được tinh bột nghệ có nhiều công dụng như làm đẹp, chữa lành vết thương và ngăn ngừa ung thư, từ đó chị Nga có niềm đam mê để theo đuổi công việc này.
Chị Nga nói: “Lúc đầu tôi cho mật ong rừng với tinh bột nghệ trộn với nhau và viên lại hoàn toàn bằng thủ công. Sau đó, dù thị trường có bán máy đùn viên nghệ nhưng nhận thấy có nhiều nhược điểm như làm nóng mật ong và phải gia thêm một ít chất chống vỡ, chất tạo dính... gây giảm chất lượng nên tôi không áp dụng.
Vì vậy, tôi vẫn sử dụng máy nhồi để tạo thành những viên nhỏ (gọi là nhưn bánh), sau đó gia thêm nghệ và mật để thành viên lớn với kích cỡ đều. Khi thành phẩm, những viên tinh bột nghệ mật ong sẽ tiếp tục đưa vào lò sấy với thời gian 10 - 12 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ khoảng 65 độ C nhằm giúp sản phẩm giữ được hương vị ban đầu”.
Hiện nay, ngoài sản phẩm viên tinh bột nghệ mật ong, cửa hàng đặc sản quê hương Tabitha còn sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và cả nước, liên quan đến danh mục sản phẩm như nghệ và các sản phẩm từ nghệ, các loại cao dược liệu, các loại ngũ cốc, sâm, trà…
Bà Trần Thị Chinh - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Lãnh cho biết, năm 2018 Hội LHPN xã đã đề nghị qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện để chị Nga vay vốn 50 triệu đồng phát triển sản xuất. Một năm sau, ý tưởng khởi nghiệp từ viên tinh bột nghệ mật ong rừng của chị Nga đoạt giải tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp do Hội LHPN huyện phát động. Từ đó, sản phẩm của chị Nga được nhiều người biết đến.
Lúc này, các ngành, cơ quan liên quan đã tư vấn về mặt kỹ thuật, thiết kế mẫu mã cho sản phẩm. Cùng với đó Hội LHPN huyện tham mưu đề xuất với Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình hỗ trợ 110 triệu đồng để chị Nga mua sắm và trang bị máy móc sản xuất viên tinh nghệ. Hiện sản phẩm của chị Nga đạt OCOP 3 sao.