Hướng mở cho du lịch Cù Lao Chàm

VĨNH LỘC 01/06/2014 07:29

Kể từ khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (2009), bức tranh du lịch Cù Lao Chàm đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, áp lực trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa thiên nhiên cũng là điều đáng nói.

Các di tích lịch sử trên đảo như tịnh xá Ngọc Hương sẽ được đưa vào chương trình tham quan Cù Lao Chàm.
Các di tích lịch sử trên đảo như tịnh xá Ngọc Hương sẽ được đưa vào chương trình tham quan Cù Lao Chàm.

Nếu như năm 2009 chỉ có hơn 35 nghìn lượt khách đến đảo thì năm 2013 con số này đã vượt lên 166 nghìn lượt, tốc độ tăng bình quân 41,66%. TP.Hội An cũng giành nhiều ưu ái cho xã đảo với các chủ trương quản lý chất thải rắn, bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học; cấm đánh bắt hải sản trong khu vực bảo vệ san hô, không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt, mua sắm hàng ngày… nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa sinh thái, nhân văn Cù Lao Chàm. Nhưng phát triển du lịch với tốc độ cao đã gây áp lực trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, ô nhiễm môi trường…

Mới đây nhất, TP.Hội An tổ chức tìm “Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm”. Theo ông Phan Hưng - Giám đốc Công ty Du lịch Ngân Hà, để du lịch Cù Lao Chàm phát triển bền vững cần có những giải pháp thực tế và chủ động như: xây dựng sản phẩm du lịch riêng cho đảo; tăng cường trồng cây xanh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; khai thác các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và tôn vinh các doanh nghiệp du lịch phục vụ tốt tại đảo, tạo động lực khuyến khích sự nỗ lực của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà quản lý, bảo tồn, du lịch Cù Lao Chàm chỉ phát triển bền vững khi người dân thực sự tham gia và hưởng lợi. Thực tế, thời gian qua lợi ích mang lại cho người dân vẫn còn khá khiêm tốn. Thống kê cho thấy, người dân địa phương chỉ mới hưởng được khoảng 12% số tiền từ chi phí của khách tham quan, trong khi 88% số tiền này thuộc về doanh nghiệp. Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, tất yếu phải dựa vào văn hóa! Vì nguồn lợi thiên nhiên đến một lúc nào đó cũng sẽ cạn kiệt do sự khai thác quá mức của con người. Trong đó, việc kết hợp giữa các giá trị về sinh thái, sinh quyển với các giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn để phát triển du lịch sẽ là hướng đi phù hợp. “Tôi nghĩ nên bổ sung một số di tích lịch sử, văn hóa cũng như các lễ hội, hát múa bả trạo vào trong các tour tham quan trên đảo” - ông An đề xuất.

Dù vậy, theo ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, các di tích văn hóa tại Cù Lao Chàm tuy có những giá trị sâu sắc trong cộng đồng địa phương nhưng hiện nay vẫn chưa được các doanh nghiệp đưa vào chương trình tour tham quan. Sắp tới ngoài việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường cảnh quan và sự đa dạng sinh học… thành phố cũng sẽ xây dựng bảng giá vé tham quan Cù Lao Chàm với điểm tham quan mới là các di tích lịch sử trên đảo như chùa Hải Tạng, giếng cổ, tịnh xá Ngọc Hương… trình HĐND tỉnh thông qua. Ngoài ra, việc xây dựng sản phẩm thủ công từ nguồn nguyên liệu tại chỗ như vỏ sò, ốc, vỏ cây ngô đồng… phục vụ du lịch cũng sẽ được thành phố tính toán triển khai thời gian đến.

Phát triển du lịch bền vững đã trở thành hướng đi chung của nhiều địa phương hiện nay, không chỉ bảo tồn, gìn giữ tốt các giá trị văn hóa thiên nhiên mà còn giúp du khách có những trải nghiệm thú vị với các giá trị nhân văn. Hẳn nhiên, việc giữ đất, giữ đảo ở Cù Lao Chàm vẫn là điều được ưu tiên hơn hết.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng mở cho du lịch Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO