Giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ, chú trọng sản xuất trên các vùng biển xa để hướng đến phát triển nghề cá bền vững là những nội dung quan trọng trong điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vừa được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 2 (khóa IX).
Nghề lưới vây hoạt động ở ngư trường xa bờ. Ảnh: QUANG VIỆT |
Mục tiêu hướng đến của Quảng Nam là sẽ giảm tổng số tàu thuyền chỉ còn 3.700 chiếc, nâng tổng số tàu sản xuất xa bờ đạt 750 chiếc, tổng sản lượng đạt 85.000 tấn/năm, tổng số lao động là 22 nghìn người vào năm 2020. Đến năm 2030, tổng số tàu thuyền giảm còn 3.300 chiếc, tổng sản lượng đạt 95.000 tấn. Chủ trương của tỉnh là từng bước giảm hoạt động sản xuất ở khu vực ven bờ, khuyến khích vươn khơi, sản xuất xa bờ. Đây là phương án khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế Quảng Nam, thích hợp với chủ trương, chính sách của tỉnh và Trung ương, đưa nghề khai thác hải sản phát triển theo hướng bền vững, hiện đại.
Cơ cấu lại phương tiện
Theo điều chỉnh quy hoạch, số tàu cá sản xuất xa bờ của tỉnh sẽ tăng từ 510 chiếc vào thời điểm này lên 750 chiếc vào năm 2020 và đạt 900 chiếc vào năm 2030. Trong gần 2 năm qua, Quảng Nam đã đóng mới được hơn 50 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên để sản xuất xa bờ. Nguồn lực là vốn đối ứng của ngư dân cộng với hỗ trợ của tỉnh và Trung ương. Vì thế, Sở NN&PTNT cho biết, nguồn vốn vay ưu đãi từ Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89) sẽ là “kim chỉ nam” để tỉnh thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Theo đó, Quảng Nam sẽ có thêm 92 tàu cá công suất lớn được Trung ương phân bổ để hoạt động trên các vùng biển xa. Hướng đi là rất cụ thể. Tuy nhiên có nhiều ý kiến phản ánh việc triển khai Nghị định 89 gặp nhiều nan giải. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, công tác chỉ đạo thực hiện Nghị định 89 chưa mang lại kết quả tích cực, nhiều ngân hàng thương mại ít chú trọng triển khai khiến cho ngư dân khó vay vốn đóng mới tàu cá. HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chủ trương đóng mới tàu cá theo Nghị định 89 trong thời gian đến. UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt, huy động sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại cũng như thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Sản phẩm cá nục đem lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân. |
Trong số 4.231 tàu thuyền sản xuất trên biển vào thời điểm này, Quảng Nam có đến 2.838 phương tiện có công suất dưới 20CV và 880 phương tiện có công suất từ 20 đến dưới 90CV hoạt động ven bờ, gây cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Theo điều chỉnh quy hoạch, số phương tiện dưới 20CV sẽ còn 2.150 chiếc vào năm 2020 và còn 1.700 chiếc vào năm 2030; số phương tiện có công suất từ 20 đến dưới 90CV sẽ còn là 800 chiếc vào năm 2020 và 700 chiếc vào năm 2030. Giải pháp Sở NN&PTNT triển khai trong thời gian đến là không cho phát sinh thêm các tàu cá có công suất nhỏ hơn 30CV; từng bước chuyển đổi sinh kế hợp lý cho các chủ phương tiện có công suất nhỏ sang lao động ở các nghề khác. Về mục tiêu này, theo ông Lê Công Sỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại - địa phương trọng điểm nghề cá của TP.Hội An là có triển vọng khả thi. Bởi, trong vòng 5 năm trở lại đây, đa số chủ tàu công suất nhỏ trên địa bàn đã chuyển nghề sang làm du lịch, trồng cỏ, tham gia các hoạt động dịch vụ. Điều đó, giúp cho địa phương chủ động tham mưu Phòng Kinh tế TP.Hội An đề xuất với UBND TP.Hội An có hướng điều chỉnh hợp lý trong phát triển nghề cá. Còn theo ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Thăng Bình), trong thời gian đến, địa phương tiếp tục kêu gọi các chủ tàu có công suất nhỏ đồng loạt bán phương tiện và hợp vốn lại với nhau để cùng mua mới tàu cá lớn, đoàn kết cùng sản xuất trên các vùng biển xa.
Phát triển ổn định, bền vững
Theo điều chỉnh quy hoạch, sản lượng khai thác theo tàu thuyền và lao động trên địa bàn tỉnh đều có xu hướng tăng nhanh. Năng suất theo tàu thuyền tăng từ 18,5 tấn/chiếc/người ở thời điểm này lên 23 tấn/chiếc/người vào năm 2020. Tương tự, năng suất theo lao động tăng từ 3,7 tấn/người/năm lên 3,9 tấn/người/năm vào năm 2020. Đến năm 2020, Núi Thành là địa phương có sản lượng khai thác hải sản lớn nhất tỉnh, chiếm 46% tổng sản lượng. Huyện Thăng Bình xếp thứ 2, chiếm 18,8%, TP.Hội An chiếm 15,3%, huyện Duy Xuyên chiếm 12,9%. Hiện nhu cầu đóng mới và cải hoán, nâng cấp tàu cá của ngư dân Quảng Nam là rất lớn. Trong khi đó, trong số 31 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá bố trí trên địa bàn TP.Hội An, Duy Xuyên và Núi Thành chỉ mới có 4 cơ sở được đầu tư quy mô, mỗi năm đóng mới được từ 10 - 15 tàu cá có công suất từ 250CV trở lên. Trong thời gian tới, các cơ sở đóng tàu cần đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu cá lớn cũng như chế tạo, lắp đặt các loại chân vịt cỡ lớn, lắp ráp máy thủy và các loại hộp số hiện đại trên tàu cá. |
Những năm qua, sản lượng khai thác hải sản hằng năm của tỉnh dao động ở mức gần 80 nghìn tấn. Theo điều chỉnh quy hoạch, sản lượng sẽ tăng lên không nhiều, 85 nghìn tấn vào năm 2020 và đạt 95 nghìn tấn vào năm 2030. Chủ trương của tỉnh là không coi trọng đổi thay về lượng mà chủ yếu là chuyển động về chất. Phát triển trên cơ sở chú trọng hiệu quả kinh tế mang lại, sản xuất có chọn lọc, đánh bắt các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao, từng bước tăng chất lượng sản phẩm khai thác được. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 1,2%/năm. Cơ cấu sản lượng khai thác từ biển đến năm 2020 bao gồm: cá chiếm 71,6%, chủ yếu là cá thu, cá nục, cá ngừ; tôm, mực chiếm 7,1%, còn lại là các loại hải sản khác. Để thực hiện điều đó, bắt buộc phải điều chỉnh lại cơ cấu nghề hợp lý hơn. Theo Nguyễn Văn Giỏi - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến năm 2020, các loại nghề sản xuất sẽ được cơ cấu ở mức nghề lưới kéo giảm xuống còn 5,4%, nghề lưới vây chiếm 12,2%, nghề lưới rê chiếm 48,6%, nghề câu chiếm 16,2% còn lại là các nghề khác. Các nghề mới có triển vọng sẽ tiếp tục được điều chỉnh nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong số gần 80 nghìn tấn hải sản khai thác được mỗi năm trước đây, có một nửa đóng góp của các nghề sản xuất gần bờ. Điều chỉnh quy hoạch sẽ đưa đến thay đổi cán cân giữa các nhóm nghề sản xuất gần bờ và xa bờ lần lượt theo tỷ lệ: 35% - 65% ở năm 2020 và 30% - 70% ở năm 2030. Để thực hiện điều đó, cùng với chuyển đổi nghề từ sản xuất gần bờ sang sản xuất xa bờ thì trực tiếp chuyển đổi phương tiện hành nghề từ công suất nhỏ sang công suất lớn sẽ được khuyến khích. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo ngành thủy sản tiếp sức ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu công suất nhỏ thành tàu công suất lớn bằng nguồn lực của Quỹ Hỗ trợ ngư dân và Nghị định 89. Chủ trương, cơ chế, chính sách và cách làm thì đã có, vấn đề chỉ là vận dụng như thế nào để triển khai thuận lợi.
Theo các địa phương ven biển, điều chỉnh quy hoạch khai thác hải sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay, để cụ thể hóa chủ trương phát triển bền vững và hiện đại hóa nghề cá. Vấn đề đặt ra là khi chuyển đổi phương tiện, nghề nghiệp sản xuất từ gần bờ sang xa bờ phụ thuộc lớn vào nguồn nhân lực trong khi đó lao động nghề cá của tỉnh vẫn còn nhiều yếu kém. Tỉnh chỉ mới mở lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng vận hành tàu vỏ thép cho ngư dân huyện Thăng Bình, trong khi đó, ở địa phương trọng điểm nghề cá là Núi Thành thì ngư dân chưa được tiếp cận. Yêu cầu đặt ra là trong thời gian đến, Quảng Nam cần triển khai đồng bộ từ đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao nghề mới, công nghệ sản xuất mới cho đến bảo quản hải sản tốt hơn và ổn định đầu ra hải sản bằng cách xây dựng những khu hậu cần nghề cá vững mạnh.
NGUYỄN QUANG VIỆT