Hương rừng Trà My giữa Hà Nội

TÔN THẤT HƯỚNG 02/03/2014 09:57

Trong khuôn khổ hoạt động “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” do Bộ VH-TT&DL tổ chức từ ngày 15 – 17.2 tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đoàn dân tộc Co xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My gồm 24 già làng, nghệ nhân đã vượt chặng đường dài ra thủ đô để tham gia ngày hội cùng với 12 dân tộc đại diện cho 54 dân tộc anh em. Đây là dịp để hương rừng Trà My lan tỏa, tạo ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân thủ đô và du khách thập phương…

Buổi sáng đầu tiên, đồng bào Co Quảng Nam đã được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, TS. Katherine Muller-Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và các lãnh đạo bộ, ngành Trung ương. Sau khi nhận quà tặng của Chủ tịch nước, nghệ nhân Dương Trinh, đại diện cho đồng bào đã tặng đồng chí Trương Tấn Sang sản phẩm “Cao sơn ngọc quế”, mang đặc trưng của hương rừng Trà My.

Múa kà đáu.Ảnh: TÔN THẤT HƯỚNG
Múa kà đáu.Ảnh: TÔN THẤT HƯỚNG

1. Tại làng Co ở Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, trong nhà dài truyền thống, đồng bào Co Quảng Nam đã tái hiện nếp ăn ở sinh hoạt truyền thống với các bếp lửa dành cho khách sưởi ấm, sấy thực phẩm, lương thực. Giữa nhà dài là nơi khá rộng để sinh hoạt chung của cả đại gia đình. Các già làng và nghệ nhân Co đã đem gần 100 hiện vật truyền thống từ Trà Kót ra sắp đặt nguyên bản không gian văn hóa Co như bộ gu làm bằng gỗ bút, trang phục nam nữ, các công cụ sản xuất và sinh hoạt như gùi, rổ, rá, tà lét; dụng cụ đi rừng của nam giới như lao, nỏ, tên, rựa; các loại nhạc cụ như cồng chiêng, trống, đàn brook, sáo talia, amap... Tại ngôi nhà dài, suốt trong 3 ngày hội, đồng bào Co tổ chức tiếp khách, uống rượu cần, thưởng thức các món ăn truyền thống, hát các làn điệu dân ca a giới, xà ru, hát kà lu bên bếp lửa luôn cháy đỏ ngày đêm giữa trời Hà Nội giá lạnh. Bạn bè các dân tộc và du khách rất thích thú khi trải nghiệm không gian sinh sống thực của người Co, thưởng thức ẩm thực mà nguyên liệu được đem từ núi rừng Trà My như rượu cần, rượu sâm cao cẳng, sâm lá; các món thịt treo giàn bếp, cơm gạo đỏ, cơm nếp nướng ống, sắn luộc, ốc đá nấu rau ranh... Ông Vũ Thế Quang, cựu chiến binh có thời gian chiến đấu ở chiến trường Trà My những năm 1970, từ Hà Nội vượt gần 50 cây số lên tham quan, rất xúc động khi nhớ lại thời chiến tranh gian khổ được đồng bào các dân tộc Trà My nuôi nấng. Ông nói: “Bản sắc văn hóa dân tộc Co ở Quảng Nam đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, du khách trong và ngoài nước đến thăm. Tôi cũng như mọi người thích nhất là được chứng kiến cảnh sống thật trong ngôi nhà dài của đồng bào, các cô gái Co giã gạo, nướng ống cơm, làm bánh và nghe đàn hát dân ca bên bếp lửa trong thời tiết giá lạnh”.

Thiếu nữ Co giã gạo.
Thiếu nữ Co giã gạo.

2. Chiều ngày 17.2, mặc dù đây là chương trình khép lại chuỗi hoạt động của ngày hội và thời tiết lạnh đến 12 độ C, nhưng hàng nghìn du khách và đông đảo phóng viên báo chí truyền thông đến dự lễ hội cầu mưa dân tộc Co được tổ chức đúng nguyên bản với hai phần lễ cúng sống và cúng chín. Toàn bộ vật phẩm gà, heo, thịt thú rừng, ốc đá và dụng cụ của đồng bào được đem ra từ xã Trà Kót. Âm hưởng cồng chiêng hùng tráng của dân tộc Co vang lên, những thanh niên khỏe mạnh, mình quấn tấm choàng, mặc khố; thiếu nữ Co nổi bật với yếm trắng trên nền váy đen, hạt cườm sặc sỡ trên đầu… đã say mê với vũ điệu kà đáu mềm mại và thanh thoát tại lễ hội. Tại gian giữa nhà dài, chủ lễ già làng Co thực hiện nghi thức cúng sống cầu khấn thần linh và tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng tộc khỏe mạnh, cuộc sống no đủ, sung túc; già làng thực hiện nghi lễ làm “phép” chân gà, già làng và những người tham gia cùng nâng ly rượu phép trước khi cử hành lễ cúng chín ngoài sân.

Làm bánh sừng trâu và nướng ống nếp.
Làm bánh sừng trâu và nướng ống nếp.

Lễ cúng chín với sự có mặt các thành viên trong các gia đình, ngồi quanh mâm cúng, họ thông báo với thần linh rằng người Co cầu nguyện những điều tốt đẹp, cầu mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, người người mạnh khỏe. Sau khi già làng thực hiện nghi lễ đánh trống đất, rắc muối gạo quanh mâm cúng, các thành viên của từng gia đình đem lửa, nước rắc lên phòng ở của từng gia đình trong ngôi nhà dài. Kết thúc lễ cúng, người Co tấu chiêng trống và cùng nhau vui hội điệu múa kà đáu để cầu mong thần trời, thần đất, thần nước và tổ tiên phù hộ cho đại gia đình người Co.

Du khách nước ngoài thưởng thức món ốc đá.
Du khách nước ngoài thưởng thức món ốc đá.

Lần đầu tiên đồng bào Co Quảng Nam ra thủ đô Hà Nội, được giao lưu với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, già làng Nguyễn Thanh Nghĩa (dân tộc Co, xã Trà Kót) phấn khởi: “Đồng bào mình rất vui và vinh dự đã mang về ngôi nhà chung những nét văn hóa truyền thống, cùng các dân tộc anh em xây dựng tình đoàn kết để sắc xuân ngày càng rực rỡ trên mọi miền Tổ quốc”.

Bên nhà dài truyền thống.
Bên nhà dài truyền thống.

 TÔN THẤT HƯỚNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương rừng Trà My giữa Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO