Bát sạch ngon cơm…

HÀ AN 01/07/2023 07:19

Không biết tự bao giờ tôi yêu gốm đến lạ kỳ, có lẽ lớn lên từ gốc rạ, yêu đất là yêu gốm. Gốm theo tôi bày biện trong từng bữa ăn, dẫu chỉ rau dưa bình dị…

Bữa ăn nhìn sang hơn khi bày biện trong chén bát gốm. Ảnh: H.A
Bữa ăn nhìn sang hơn khi bày biện trong chén bát gốm. Ảnh: H.A

Lúc nhỏ lũ trẻ trong xóm hay chơi trò “bán hàng”, một cái “chợ” được dựng lên trong đám sắn. Hàng quán rất đông, chúng tôi bày biện đồ trong những tàu lá chuối, những mảnh gốm chúng tôi nhặt nhạnh được sau những trận mưa lớn nhô lên mặt đất.

Má tôi nói rằng, đó là những mảnh vỡ đồ dùng của người Chăm - được làm từ cốt đất sét tự nhiên không sử dụng men và được nung bằng củi… Điều đó khiến tôi tò mò hết sức, tôi tự nghĩ đến một câu chuyện cổ tích có thật, biết đâu đó trong lòng đất tôi sẽ nhặt được cả một kho báu của người xưa để lại.

Trong những mảnh vỡ của gốm, kích thước khác nhau, nhiều màu sắc, chúng tôi cho những thức ăn vào, nào lá món gỏi trộn bằng trái vả, trái sung, nào những mâm xôi đỏ, những trái móc đen thui, những ngọn gai xanh mướt.

Lại nhớ ngày xưa những người bán nồi đất, bán ảng từ Quế An gánh tận lên quê tôi. Cứ nghe tiếng “Ảng đây, nồi đất đây!” là tôi hay gọi vào nhà. Bởi lúc đó vùng quê heo hút, buổi sáng dậy mà nghe tiếng con chim khách hót “Có khách! Có khách!” hay lửa trong bếp nổ lốp đốp, là hy vọng ngày đó có khách phương xa đến nhà. Nhìn anh bán ảng gánh vào nhà mồ hôi nhễ nhại, má thấy vậy cũng thương tình, không có tiền thì đổi lúa lấy một cái ảng to để chứa nước.

Cái ảng đất ấy đi vào bao kỷ niệm, nó nằm bên chái hè, mùa mưa thì hứng nước, mùa nắng nhiệm vụ của lũ trẻ gánh đầy, không được để lưng. Trưa hè, múc một gáo nước đựng trong gáo dừa mà ừng ực, soi khuôn mặt nắng hồng hai má mà làm điệu, làm duyên…

Nồi đất lũ con rất thích, bởi bao món ngon được làm từ nồi đất, bàn tay nào khéo léo đến lạ, nặn nó tròn vo. Thiệt thương, muốn bồi bổ cho con đâu có gì ngoài những con gà nuôi mãi không lớn, thấy má hái lá dâu, ngâm chút nếp, làm con gà kiến là lũ con háo hức.

Má bắc cái nồi đất lên bếp, những “tàu há mồm” vừa đun củi vừa chờ nghe âm thanh nhảy múa của muối trong nồi đất kín mít. Khi chỉ còn nghe tiếng lụp bụp nhỏ dần, má dỡ tàu lá chuối cháy sém, mùi ngũ vị bay ra, nước miếng nghe ừng ực…

Má tôi mua rất nhiều chén bát bằng đất, bởi nhà hay có đám, để phân biệt chén bát của nhà này, nhà kia, bằng cách đánh dấu dưới đáy chén, bát, đĩa bằng nước sơn với chữ cái đầu tên của người phụ nữ trong gia đình.

Ngày ấy, ai khá giả một chút thì mua gốm sứ Lái Thiêu, còn không mua đồ đất ở làng gốm Thanh Hà. Những hình họa tiết trên bát, đĩa đơn sơ nhưng độc lạ như con gà trống, con cá như bát tiên, như hoa trà.

Con trẻ mà lỡ làm bể một cái, ăn đòn quắn mông. Thích thú nhất là lúc thức ăn cạn hết, lũ chúng tôi tranh nhau liếm sạch dĩa, đứa thì liếm con gà, đứa thì liếm con cá… giống như sự tích con cá gỗ.

Ngày nay khác với ngày xưa, không dừng lại chữ “ăn” mà là sự tổng hòa của “ngũ quan”, trong cách bày biện làm sao cho thật đẹp, thật bắt mắt… Những kỷ niệm về gốm lớn dần trong tôi. Yêu gốm bởi nó không chỉ màu trầm mang nét đẹp mộc mạc, dân dã của làng quê. Yêu gốm bởi từng trong món ăn nấu và bày biện cho các con, có cả tấm lòng của người mẹ đặt vào trong đó.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bát sạch ngon cơm…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO