Từ ngày lập gia đình ra ở riêng, hằng năm vào dịp tháng Hai, tự mình chọn ngày để cúng đất đầu năm. Đó là việc xưa bày nay… bắt chước. Nhưng trong không gian phố thị, lễ cúng và nghi thức cũng đôi phần khác đi ít nhiều, càng làm cho con người trở nên hoài cổ. Cứ mỗi lần tiến hành lễ lệ này, ký ức về lễ cúng đất thời còn ở quê như hiện rõ trước mặt.
Cúng đầu năm. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Từ ký ức ngày xưa…
Hình ảnh in sâu trong trí nhớ của tôi ngoài những thức cúng thông thường trong mâm cúng đất là những món ăn đặc biệt dân dã và cái xà lẹt. Những món dân dã gồm thức chay như đậu phụng, khoai/sắn hoặc bắp luộc đều là những thứ đương trong mùa; thức mặn như xiên cá sông hoặc tôm sông nướng, cua luộc, trứng luộc và không bao giờ thiếu món rau khoai luộc bày kèm chén mắm cái/mắm nêm.
Cái xà lẹt, xà lét hoặc cũng gọi tà lẹt, nhìn giống cái gùi của đồng bào dân tộc. Nó được làm từ một bẹ chuối gập lại, buộc lạt cố định, một mí thấp một mí cao. Ở mí cao xỏ dây làm quai treo. Khi làm lễ cúng, nó được đặt bên cạnh mâm đồ cúng. Khi cúng gần xong, ông nội hoặc sau này là ba tôi gắp thức ăn mỗi thứ một ít bỏ vào trong xà lẹt, rồi lấy ít giấy tiền vàng bạc đặt phía trên thức ăn, và sau cùng rút ba nén hương đang thắp trên mâm cúng cắm vào mí trên xà lẹt. Ông nội hoặc ba bảo tôi mang nó ra ngã ba treo lên bụi tre. Đồng thời dặn dò rất kỹ là lúc đi về, đầu không ngoái lại nơi treo xà lẹt. Có những năm làm lễ cúng vào đầu hoặc cuối tháng, không có ánh trăng, đường làng hai bên trồng tre, đan ngọn vào nhau như cửa vòm, nhìn lên cũng chẳng thấy ánh sao. Dẫn đường bằng ba đóm đỏ của ba nén hương. Khi quay về, đi trong tâm tưởng màu sắc “liêu trai”.
…Đến nguồn cội
Có lẽ lúc trước thường phải mang xà lẹt đồ cúng ra khỏi nhà nên không có nhiều thời gian “túc trực” bên mâm cúng để hỏi ông nội, hỏi ba về ý nghĩa của những món ăn dùng dâng cúng cũng như cái xà lẹt “huyền bí” kia. Đến bây giờ, khi bản thân thực hành nghi lễ tín ngưỡng này, tự nhiên thôi thúc phải tìm hiểu ý nghĩa tâm linh.
Lệ cúng đất đầu năm này còn được gọi một cách chữ nghĩa hơn là cúng thổ thần, với mục đích là “kỳ yên” (cầu an), “tống quái” (đuổi tà), “tá thổ” (mượn đất), “mãi thổ” (mua đất). Đối tượng thỉnh cúng chính là “tiền chủ” (chủ trước, cư dân trước đây). Tiền chủ là một khái niệm tín ngưỡng có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong “Tín ngưỡng Việt Nam”, Toan Ánh cho rằng, tiền chủ “là người ở trước tiên một ngôi nhà, rồi sau chết ở ngôi nhà này. Ngôi nhà, qua thời gian, theo mọi sự biến chuyển từ gia chủ nọ đến gia chủ kia. Ai có tiền thì tậu nhà, không có tiền thì lại bán. Ở dương thế thì vậy, nhưng tại cõi âm, tiền chủ vẫn nhớ ngôi nhà mình, thỉnh thoảng vẫn đi lại thăm nom, coi những chủ sau không phải chính là chủ ngôi nhà. Gia chủ không muốn bị vong hồn người tiền chủ quấy rối, lập bàn thờ tiền chủ”. Huỳnh Ngọc Trảng thì cho rằng, cách hiểu tiền chủ của Toan Ánh là cách hiểu truyền thống. Theo ông, “tiền chủ là chủ đất cũ, bao gồm đồng ruộng, vườn tược, thổ cư và cả nhà ở. Đây là cách hiểu của cư dân hai châu Ô, Rí và phổ biến cả miền Trung đến Nam Bộ. Nguyễn Văn Xuân có nhắc đến tập tục cúng tá thổ (mượn đất) ở vùng Huế và Quảng Nam ngày trước. Sách “Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần” cũng cho biết, “ở Phú Yên - Khánh Hòa, quan niệm về tiền chủ được gắn cho tập hợp thần linh và ma quỷ của Chiêm Thành. Để được yên ổn làm ăn ở đây, các chủ mới hàng năm phải làm lễ cúng đất vào ngày 18 tháng 3 âm lịch cho tập hợp tiền chủ này, đại biểu là Chúa Ngung Man Nương, coi như nạp địa tô”. Tập hợp tiền chủ ở Nam Bộ bao gồm Chúa Ngung Man Nương và “Ma Thổ” (những vong hồn của lớp người trước), được cúng thường niên vào ngày 10 tháng Giêng, gọi là “cúng đất” hay “vía đất”. Tiền chủ của vùng xứ Quảng là người Chăm, cho nên mâm cúng luôn có rau khoai luộc và mắm cái/mắm nêm, bởi đó là thức ăn phổ biến của cư dân Chăm trước đây.
Cái xà lẹt giống như cái gùi để mang đựng thức ăn cho tiền chủ. Ngoài ra, cái xà lẹt còn có công năng như long chu nhằm để tống dẫn ma quỷ là những linh hồn của cư dân trước, những “người khuất mặt” hoặc những xúi quẩy ra khỏi nơi ở của người cư trú hiện tại.
Lễ lệ cúng đất này mang đậm dấu ấn lịch sử và thấm đẫm giá trị nhân văn. Nó phản ánh công cuộc di cư của người Việt đến tiếp quản vùng đất Chăm từ sau sự kiện hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân (1306) và người Việt đến sau vẫn luôn giữ thái độ “trân trọng” với lãnh thổ của người Chăm, thừa nhận quyền sở hữu của tiền chủ. Đồng thời nó cũng phản ánh tinh thần hòa kết dân tộc chung một cội nguồn từ những mô-típ “quả bầu”, “bọc trăm trứng”. Những linh hồn người xưa, “người khuất mặt” luôn ấm áp trong những nén hương thơm của người đời sau.
HƯƠNG THU