Trong tháng 8 này, Lào,Việt Nam và Thái Lan sẽ bàn về kế hoạch hợp tác cụ thể 3 bên trong chương trình đào tạo hướng nghiệp, cải thiện chất lượng giáo dục tại các trường dạy nghề để chuẩn bị tiến tới xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
Việc nâng cao chất lượng tay nghề của người lao động góp phần hướng tới Cộng đồng ASEAN 2015. |
Hiệp hội các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để hướng đến Cộng đồng ASEAN 2015. Trong đó, bao gồm 3 trụ cột chính là Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng An ninh và Cộng đồng Văn hóa-xã hội. Tổng Thư ký Ủy ban Giáo dục hướng nghiệp Thái Lan, ông Chaiprug Sereerak cho biết, AEC nhằm cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao. Tất cả các bằng cấp chứng nhận và kỹ năng theo chương trình hướng nghiệp này sẽ được công nhận tại 3 nước Lào, Việt Nam và Thái Lan cũng như có cơ hội làm việc bất kỳ tại 3 nước này.
Ông Chaiprug Sereerak phân tích, đây là chương trình đầu tiên của ASEAN và sau này sẽ được tiến hành trong toàn khối. Hiện nay, cũng như nhiều thành viên ASEAN, Lào, Việt Nam và Thái Lan cùng chia sẻ những vấn đề còn bất cập trong đào tạo hướng nghiệp như các trường dạy nghề luôn thiếu đội ngũ giáo viên chuyên môn cao, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, thực nghiệm còn sơ sài… Trong khi đó, nguồn lao động, nhân lực các nước ASEAN cần phải đạt các chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường lao động khu vực và thế giới, nhất là vào năm 2015, AEC ra đời sẽ cho phép luân chuyển tự do lao động trong khu vực.
Vini San Keokanya, một sinh viên của trường Hướng nghiệp kỹ thuật Khammouane Lào rất thích thú với chương trình đào tạo hướng nghiệp 3 nước Lào - Việt Nam - Thái Lan và mong muốn có cơ hội làm việc tại Thái Lan. Hiện nay, Thái Lan và Lào hợp tác rất chặt chẽ trong đào tạo hướng nghiệp. Hiện có nhiều sinh viên của Thái Lan tham gia lớp học tại trường Hướng nghiệp kỹ thuật Khammouane Lào và ngược lại, nhiều học viên Lào đang theo học tại trường Cao đẳng kỹ thuật Nakhon Phanom của Thái Lan. Vào cuối tháng 7 vừa qua, tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), trường Cao đẳng Dạy nghề công nghiệp tỉnh Thanh Hóa và trường Cao đẳng Kỹ thuật Pakpasak của Lào đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực, phục vụ chiến lược phát triển đất nước Lào. Theo đó, hai trường sẽ tăng cường trao đổi thông tin và các chuyên gia để giúp trường Cao đẳng Kỹ thuật Pakpasak đào tạo mỗi năm từ 5 đến 10 chỉ tiêu, với các môn như: cơ học, điện - điện tử, điện lạnh và nghề tiện kim loại. Với đội ngũ giáo viên dày kinh nghiệm, hai bên cũng xác định đây là cơ hội đào tạo nghề có kỹ năng, kỹ thuật cao cho lực lượng lao động Lào trên lộ trình gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Cũng vào năm 2008, Việt Nam và Thái Lan đã ký kết Bản ghi nhớ về phát triển đào tạo nghề tại ACMECS (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) nhằm xây dựng khuôn khổ thực hiện các chương trình hợp tác trong lĩnh vực phát triển hướng nghiệp dạy nghề một cách hiệu quả.
Nouphanh Outsa, công tác tại phòng Giáo dục hướng nghiệp Lào cho rằng, việc đào tạo hướng nghiệp rất quan trọng đối với các nước đang phát triển trong khối ASEAN. Vì thế, Chính phủ Lào ưu tiên ngân sách khá lớn cho các chương trình đào tạo nghề như xây dựng, nông công nghiệp thực phẩm… Các học viên theo học các nghề này không những được miễn học phí mà được chính phủ cấp lương hằng tháng. Với mục tiêu hướng tới AEC 2015, các nước ASEAN đang tích cực hợp tác chặt chẽ trên nhiều mặt để xây dựng một khu vực kinh tế ổn định, phồn vinh và có khả năng cạnh tranh cao, có sự chu chuyển tự do lao động, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và các nguồn vốn. Từ đó, kinh tế sẽ phát triển đồng đều, giảm tỷ lệ người nghèo đói cũng như khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Dự kiến, AEC sẽ mang lại lợi ích to lớn cho hơn 600 triệu người dân ASEAN.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)