Hướng tới loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

CHÂU NỮ 08/06/2018 09:36

“Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020” là chủ đề Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 diễn ra từ ngày 1 đến 30.6. Tại Quảng Nam, tỷ lệ xét nghiệm HIV trong mang thai còn thấp và cần được tuyên truyền sâu rộng trong thời gian tới.

Ngành y tế tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: C.N
Ngành y tế tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: C.N

Để giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con, bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành y tế Quảng Nam đã triển khai các hoạt động can thiệp trước, trong và sau khi sinh. Theo đó, trước sinh, phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV trong 3 xét nghiệm sàng lọc, gồm sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục; dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội; sử dụng thuốc kháng virus ARV để điều trị cho mẹ và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong khi sinh, đối với những phụ nữ chưa tiếp cận các biện pháp can thiệp trước sinh sẽ được tư vấn xét nghiệm nhanh HIV; nếu dương tính, sản phụ sẽ được sử dụng phác đồ ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo hướng dẫn.

Theo bác sĩ Nguyễn Á - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, hiện nay tất cả cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Quảng Nam đều thực hiện tư vấn cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lồng ghép trong tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung; tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai và chuyển tiếp các trường hợp có kết quả khẳng định HIV dương tính đến các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để được điều trị. Đối với sản phụ có kết quả phản ứng với xét nghiệm sàng lọc HIV trong giai đoạn chuyển dạ, bên cạnh việc thực hành sản khoa an toàn, các cơ sở y tế sẽ tiến hành điều trị ARV sau sinh cho mẹ nếu mẹ cho con bú và cho con của họ. Đồng thời thực hiện tư vấn nuôi dưỡng trẻ cho bà mẹ nhiễm HIV góp phần giảm lây nhiễm HIV cho con trong giai đoạn sau sinh; chuyển tiếp cặp mẹ con sau sinh đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để được chăm sóc và điều trị. Đối với phụ nữ đang điều trị bằng thuốc kháng HIV, việc điều trị sẽ được thực hiện tiếp tục theo phác đồ điều trị...

Theo bác sĩ Nguyễn Á, các hoạt động dự phòng, can thiệp nói trên đang được triển khai trên diện rộng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, có lúc có nơi các hoạt động này vẫn chưa thật sự đồng bộ và thường xuyên. Trong đó, đáng lưu ý nhất là tỷ lệ xét nghiệm HIV trong mang thai còn thấp, chủ yếu là xét nghiệm HIV trong chuyển dạ. Theo số liệu của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, trong tổng số 27.570 phụ nữ sinh đẻ năm 2017 chỉ có 3.680 lượt xét nghiệm trước và trong khi mang thai nhưng có đến 22.520 phụ nữ xét nghiệm khi chuyển dạ. Qua đó, phát hiện 4 phụ nữ dương tính với HIV được điều trị ARV và 4 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Theo bác sĩ Nguyễn Á, người dân nói chung, phụ nữ mang thai nói riêng vẫn còn e ngại khi làm xét nghiệm HIV, vì vậy, rất cần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. “Ngành y tế Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy những phần việc đã làm tốt, khắc phục những mặt còn yếu, nhằm hướng tới mục tiêu loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào năm 2020” - bác sĩ Nguyễn Á cho biết thêm.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng tới loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO