Y tế

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

LÊ QUÂN 14/06/2024 09:12

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 (tháng 6 hằng năm) nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

ảnh sữa mẹ
Đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng sản khoa được đặt ra để giảm thấp nhất tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: A.M

Ngăn chặn nguy cơ

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ lây truyền HIV lên đến 40%. Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy trẻ sơ sinh nhiễm HIV chủ yếu là do lây truyền HIV từ mẹ.

Nếu không có bất kỳ hình thức điều trị hoặc chăm sóc nào, khả năng người phụ nữ nhiễm HIV truyền bệnh sang con là rất lớn. Tuy nhiên, hiện việc được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con giảm đi rất nhiều, thậm chí là 0%.

WHO nhận định, việc lây truyền vi rút có thể được ngăn chặn gần như hoàn toàn, nếu cả mẹ và con đều được cung cấp thuốc kháng vi rút (ARV) càng sớm càng tốt, trong thời kỳ mang thai và trong thời gian cho con bú.

Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng là phương pháp tiết kiệm chi phí nhất và là một trong những phương pháp phù hợp nhất để tiếp cận thuốc kháng vi rút ARV.

Tại Quảng Nam, số liệu thống kê năm 2023 từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, nguyên nhân nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con chiếm 1%.

Cụ thể, hiện tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng của tỉnh dưới 0,1% dân số (tỷ lệ này ở Trung ương là 0,3%), trong đó nam giới vẫn chiếm đa số (65%), nữ giới chiếm 35% các trường hợp nhiễm HIV.

Nguyên nhân lây nhiễm HIV chủ yếu vẫn là lây truyền qua đường máu do dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma tuý (59%), quan hệ tình dục (35%), lây truyền từ mẹ sang con (1%) và lây qua đường khác (5%).

Xu hướng nữ giới nhiễm HIV ngày càng tăng dần trong thời gian gần đây. Các trường hợp nhiễm HIV chủ yếu nằm trong độ 20-39 tuổi (hơn 82%), số mắc mới HIV có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng gia tăng, đặc biệt là nhóm MSM.

Tiến tới loại trừ

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 đưa ra mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Mục tiêu này cũng đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên được phát động trên toàn quốc. Hoạt động này nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Hiện tại, nhận định từ Bộ Y tế, sau 15 năm triển khai chiến dịch, số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế sẽ tăng cường truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai; cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con; chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm thì việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được đặt ra...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO