Kinh tế

Hưởng ứng "tín dụng xanh", Quảng Nam chờ cơ chế, chính sách khơi thông

VIỆT NGUYỄN (nguyenquangviet08@gmail.com) 21/02/2025 12:26

Tín dụng xanh bước đầu hình thành trên địa bàn Quảng Nam cho thấy tính thiết thực; tuy vậy cần khơi thông nhiều điểm nghẽn để phát triển sâu rộng.

tdx.jpg
Ông Hồ Văn Nhi vay 100 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Ninh để mở rộng quy mô nông nghiệp sạch. Ảnh: QUANG VIỆT

Khó tiếp cận vốn

Hộ ông Hồ Văn Nhi (thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước, Phú Ninh) nhiều năm canh tác các loại rau quả bằng phương thức hữu cơ. Nhờ ưu thế của tự nhiên, qua xét nghiệm, các hàm lượng kim loại trong đất và Ecoli trong nước đảm bảo canh tác rau quả hữu cơ.

Ở phần rìa của diện tích 8 sào đất, ông Nhi bố trí trồng cỏ để làm “hàng rào” ngăn chặn các loại côn trùng gây hại rau quả. Cây giống được ông lựa chọn kỹ càng, không biến đổi gen, không ngâm hóa chất.

Trong quá trình canh tác, ông không sử dụng phân, thuốc hóa học; phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học gồm gừng, tỏi… Với cách sản xuất sạch, mỗi ngày hộ ông Nhi có thu nhập 500 - 700 nghìn đồng từ bán rau quả.

Thời gian qua, ông Nhi mong muốn mở rộng quy mô trồng trọt nhưng khó khăn khi vay vốn từ ngân hàng thương mại. Theo đó, ông chỉ vay được 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Ninh. Ngoài duy trì sản xuất rau quả theo hướng hữu cơ, ông và nông hộ cùng địa bàn thành lập Tổ hợp tác trồng dưa hấu Cẩm Khê liên kết với Công ty Sông Gianh (Quảng Bình) để trồng dưa hấu hữu cơ.

Doanh nghiệp cung cấp giống, quy trình kỹ thuật, phân bón hữu cơ… để tổ hợp tác trồng dưa hấu sạch rồi cam kết thu mua với giá cao hơn mặt bằng thị trường. Đến nay, dưa hấu của tổ hợp tác sắp sửa ra hoa, kết quả.

“Rất nhiều nông hộ trên địa bàn cần vay vốn để làm nông nghiệp sạch nhưng rất khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng thương mại. Chúng tôi chuyên làm nông nghiệp sạch nên tích lũy thêm vốn để đầu tư lớn hơn” - ông Nhi nói.

Theo tìm hiểu, hiện nay các “ông lớn” ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank chi nhánh Quảng Nam bước đầu triển khai tín dụng xanh, tức là cho vay đầu tư làm kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, sản xuất kinh doanh sạch, dự án không gây tác động xấu đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…, nhưng dư nợ cho vay chưa đáng kể.

Cần cơ chế, chính sách rõ ràng

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết, dù rất muốn đẩy mạnh tín dụng xanh ra thị trường để tăng trưởng dư nợ, song đang đối mặt với không ít khó khăn.

tdx2.jpg
Rất cần khơi thông tín dụng xanh để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Trong ảnh: ông Hồ Văn Nhi trồng dưa hấu hữu cơ. Ảnh: QUANG VIỆT

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa nhất quán phân loại danh mục tín dụng xanh, chưa có bộ tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với tín dụng xanh. Bởi vậy, dù có muốn giải ngân tín dụng xanh nhưng phần vốn đưa ra thị trường chưa đáng kể. Ngân hàng chờ đợi các cơ chế, chính sách rõ ràng về tín dụng xanh để triển khai sâu rộng.

Có thể nhận thấy, các dự án xanh của tín dụng xanh được vay với lãi suất thấp và thời gian vay dài. Thêm nữa, các dự án xanh vốn mới mẻ nên tiềm ẩn rủi ro, nhất là các dự án nông nghiệp đối diện với thiên tai khó lường, còn thị trường xuất khẩu thì chưa rộng mở. Về phía ngân hàng thương mại, có tình trạng e dè với tín dụng xanh bởi chênh lệch lợi nhuận thu được thấp hơn các gói vay thông thường.

Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, tín dụng xanh là chủ trương lớn của Chính phủ, ngành ngân hàng. Đến nay, chưa thể thống kê dư nợ tín dụng xanh trên địa bàn Quảng Nam nhưng Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách ưu tiên gói tín dụng xanh ra thị trường.

Chưa có khung pháp lý, chính sách về thuế, phí, vốn ưu đãi, lãi suất ưu đãi chưa rõ ràng; mặt khác, cho vay tín dụng xanh đòi hỏi phải tốn công sức, phí về kiểm nghiệm các yếu tố nên chưa được các ngân hàng thương mại quan tâm.

Ông Phạm Trọng cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cần có một chiến lược tổng thể phát triển tín dụng xanh. Đó là cách khơi thông thị trường này để dẫn vốn hiệu quả gắn chặt với kinh tế xanh, kinh tế bền vững.

Trước mắt, cần đưa tín dụng xanh là chương trình tín dụng ưu tiên, bên cạnh cho vay xuất khẩu; cho vay nông nghiệp và nông thôn; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay công nghiệp hỗ trợ.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ trọng tín dụng xanh cả nước vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), lĩnh vực quản lý tài nguyên nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường như ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải; giao thông; xây dựng bền vững có dư nợ còn rất hạn chế.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hưởng ứng "tín dụng xanh", Quảng Nam chờ cơ chế, chính sách khơi thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO