Sau bão lũ, ngoài việc khắc phục vệ sinh môi trường hạn chế dịch bệnh bùng phát, các ngành chức năng còn khuyến cáo người dân chú ý đến an toàn bữa ăn, lựa chọn dinh dưỡng phù hợp…
Lo an toàn thực phẩm sau bão
Chị Nguyễn Thị Kiều My (khu dân cư số 6, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) lo lắng: “Bão xong, nước rút thì rau màu cũng hư hại hết. Mà nếu còn thì cũng thật sự lo sợ, không biết lấy rau đâu mà chế biến cháo cho con trai mới vừa thôi nôi xong. Tôi nghe nói, thường mùa mưa, nhất là sau lụt, rau dễ nhiễm vi rút Ecoli dễ gây bệnh tiêu chảy cho trẻ nhỏ”. Nỗi lo của chị My cũng là ý kiến của số đông người dân vùng bão lụt. Bởi, sau bão, thực phẩm thường tăng giá nhưng độ an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm thì “tụt xuống”, rất khó được đảm bảo. Tại vùng bão lụt, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên các chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước, mầm bệnh rất dễ lây nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho mọi người. Hơn nữa, sau bão lũ, việc cung cấp lương thực và thực phẩm bị hạn chế, trong khi điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi chưa được chu đáo. Vì vậy, các loại dịch bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ là những bệnh hay gặp nhất sau bão.
Người tiêu dùng nên cân nhắc khi lựa chọn thực phẩm sau bão lụt. Ảnh: C.T.A |
Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lý giải, bão lụt là điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Trong đó có các vi sinh vật gây hư hỏng, biến chất thực phẩm và vi sinh vật gây bệnh. Những điều kiện đó có thể xuất phát từ nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, các chất dinh dưỡng và sự hiện diện của ô xy. Ở điều kiện thuận lợi, vi khuẩn có thể sinh sôi, nảy nở với sự gia tăng số lượng khủng khiếp, từ một con vi khuẩn sau 7 giờ có thể nhân lên 2 triệu con. Các loại vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn đường tiêu hóa sẽ theo đường ăn uống vào cơ thể gây các bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, còn để lại di chứng với nhiều chủng, khuẩn vi rút trong môi trường, góp phần gây nên dịch bệnh cho người dân. Thế nên, các bà nội trợ cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm, tổ chức bữa ăn.
Cân nhắc chọn lựa
Một số nhận biết cần thiết khi lựa chọn thực phẩm - Đối với thịt heo: Khi nhìn thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có màu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất corticoid. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi con người ăn phải thực phẩm có chứa chất corticoid sẽ gây rối loạn trao đổi chất và ung thư bàng quang. - Đối với các loại rau ăn lá (rau muống, xà lách, mồng tơi…): Khi thấy lá rau non hơn bình thường, lá màu xanh đen, giòn và hầu như không có vết sâu bệnh hại: đây là những loại rau mà người trồng đã bón quá nhiều phân đạm hoặc phân bón lá và phun các loại thuốc trừ sâu bệnh nhưng không đảm bảo thời gian cách ly. Đối với những loại rau này, trong thành phần có chứa nhiều đạm nitorat (NO3) và các hóa chất bảo vệ thực vật gây hại tới sức khỏe con người. - Một số loại quả (như cam, quýt, táo…): Khi nhìn thấy bề mặt quả bóng, để lâu không bị thối hỏng, đây chính là các loại quả mà thương lái đã dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiêu diệt nấm và vi khuẩn để bảo quản. - Giá đỗ đậu xanh: Nếu thân giá trắng, to, mập, giòn và hầu như không có rễ là những loại giá đỗ đã dùng chất tích nước và diệt phần rễ khi ngâm ủ (điển hình trong các loại hóa chất độc hại này là thuốc SHS có nguồn gốc từ Trung Quốc). Những loại giá đỗ này, mặc dù chứa nhiều hóa chất độc hại nhưng lại rất “hấp dẫn” người tiêu dùng. (A.T) |
Thông thường, sau bão lụt, người dân phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến thực phẩm nhưng lo ngại nhất vẫn là thực phẩm bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm hóa chất và thiếu thực phẩm. Tất cả nguyên nhân trên có thể dẫn đến hậu quả: gây nên ngộ độc cấp tính với những biểu hiện triệu chứng dạ dày - ruột (nôn, ỉa chảy…) và tùy theo đặc điểm của từng loại ngộ độc (tê liệt thần kinh, co giật, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn, vận động…); gây ngộ độc mạn tính, độc tích lũy ảnh hưởng tới chức năng các tổ chức và sự phát triển của cơ thể; gây tình trạng thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng. Hậu quả cuối cùng là suy dinh dưỡng, đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Chính việc lo ngại sẽ có nhiều dịch bệnh xảy ra sau bão lũ thông qua ATVSTP, mới đây, Cục ATVSTP (Bộ Y tế) có đưa ra hướng dẫn phòng tránh từ nguồn thực phẩm. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn thực phẩm tươi sống như rau sống, tiết canh, nem chua… “Các bà, các chị cố gắng dùng những loại thực phẩm thay thế khác bảo đảm phần nào chất lượng bữa ăn. Những món ăn dân dã của Quảng Nam như muối mè, muối đậu phụng… tưởng đơn giản nhưng thực ra vẫn có thể cung cấp chất dinh dưỡng lẫn vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, ít có nguy cơ bị ngộ độc thức ăn” - ông Nguyễn Cam, hướng dẫn thêm.
Ngoài ra, trước khi chế biến thực phẩm phải rửa sạch tay bằng xà phòng, không để lẫn lộn thức ăn sống chín trong tủ lạnh, không dùng chung dao thớt cắt thịt sống lẫn thịt chín. Các thực phẩm cứu trợ như mỳ tôm cũng không nên ăn sống mà phải được nấu chín. Các loại thức ăn đồ uống khi thấy có biểu hiện nghi ngờ không an toàn như màu sắc khác thường, mùi vị lạ, nguồn gốc không rõ ràng, để quá lâu… thì không được sử dụng.
CHIÊU THỤC ANH