Hương ước, bản sắc văn hóa làng

HOÀNG YÊN 21/10/2014 08:51

Qua bao phen dâu bể, giữa biến động của đô thị hóa, hương ước - bản sắc văn hóa làng xã đang dần bị mai một. Song, ở làng Trung An (xã Quế Trung, Nông Sơn), hương ước làng vẫn vẹn nguyên giá trị, được lưu truyền và phát huy qua nhiều thế hệ.

Di tích Dinh bà Thu Bồn được gìn giữ từ sự chung tay bảo vệ của người dân thôn Trung An, xã Quế Trung. Ảnh: H.YÊN
Di tích Dinh bà Thu Bồn được gìn giữ từ sự chung tay bảo vệ của người dân thôn Trung An, xã Quế Trung. Ảnh: H.YÊN

Làng Khương Quế, xã Sơn Khương nay là làng Trung An, xã Quế Trung, ngôi làng gắn với huyền tích bà Thu Bồn bao đời vẫn yên ả, thanh bình. Người già trong làng kể rằng, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, ba người bạn tâm giao của ba tộc Trần Văn, Trịnh Văn và Nguyễn đã cùng nhau khai phá vùng đất bốn bề núi sông dằng dặc này, trở thành ba vị tiền hiền của làng. Trần Văn, Trịnh Văn và Nguyễn được công nhận là ba tộc chính của làng với hệ thống nhà thờ tộc, sinh hoạt gia tộc đều đặn.  Trước kia, mọi việc lớn nhỏ trong làng đều do ba chư tộc trên đứng ra tổ chức, lo liệu và hương ước có lẽ cũng được xây dựng từ thời này, được con cháu bao đời nay phát huy, gìn giữ.

Cụ Trịnh Tống, bậc cao niên của làng, chia sẻ: “Để ổn định làng xã, xưa kia, các chư tộc, dân làng đã đứng ra soạn thảo, góp ý bản hương ước dưới sự giám sát, công nhận của chính quyền. Hương ước, tức quy ước hay nôm na là lệ làng đã trở thành công cụ điều khiển, quản lý làng xã rất có giá trị và được nhân dân chấp hành”. Cũng theo cụ Tống, làng phải mất 3 - 4 đêm mới soạn thảo xong hương ước. Sau khi công bố, được đông đảo dân làng đồng tình, được chính quyền địa phương phê duyệt, hương ước mới có giá trị. Ông Trần Văn Bốn - Trưởng thôn Trung An cho biết thêm, hương ước đã đóng góp tích cực vào công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, được nhân dân đồng tình, sửa đổi bổ sung qua nhiều thế hệ. Cứ 3 năm một lần, thông qua hội nghị toàn dân, dân làng, tộc họ lại chung tay xây dựng, sửa đổi hương ước cho sát thực với tình hình mới theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, được chính quyền địa phương phê duyệt. Hương ước trở thành “bộ luật của làng”, những người có uy tín trong thôn được bầu bào ban tự quản để quản lý, giữ gìn các văn bản hương ước. “Nếu gia đình nào vi phạm các cam kết trong bản hương ước sẽ bị đưa ra kiểm điểm, phê bình trước mọi người. Hộ nào thực hiện tốt các quy định sẽ được đề nghị khen thưởng” - ông Bốn nói.

Theo lệ, trưởng thôn và ban điều hành hương ước có nhiệm vụ nhắc nhở từng nhà, từng người trong tộc họ, trong làng thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, chấp hành tốt lệ làng. Theo quy định của bản hương ước hiện nay, mỗi gia đình phải tự vận động, giáo dục người thân trong gia đình không được vi phạm pháp luật; không nghe, không tin lời sai trái, kích động, xúi giục để làm việc xấu. Trẻ em trong thôn không những được gia đình mà còn có các chi hội phụ nữ, nông dân giám sát rất chặt để tránh hư hỏng, học hành sa sút, vi phạm pháp luật… Đối với trường hợp người dân vi phạm như say rượu, cờ bạc, đánh nhau, vi phạm an toàn giao thông nhiều lần… ban điều hành hương ước sẽ đưa ra kiểm điểm trước dân và chính quyền. Gia đình có người vi phạm phải đứng ra nhận sai sót, trách nhiệm trước chính quyền, cam kết quản lý, giáo dục để không tái phạm. Bên cạnh đó, tổ điều hành hương ước cử người theo dõi, giúp đỡ để cùng với chính quyền và gia đình giáo dục họ trở thành người tốt.

Phó ban Điều hành hương ước thôn Trung An - ông Trịnh Bốn (73 tuổi) cho biết: “Trong quá trình hoạt động, tổ điều hành hương ước đã đưa ra kiểm điểm, giáo dục trước dân 29 trường hợp uống rượu say, quậy phá, cờ bạc, gây rối, vi phạm giao thông, trộm cắp vặt; phối hợp với công an viên thôn đưa 35 người ra kiểm điểm trước dân. Ngoài ra, cùng với chính quyền, Ban điều hành hương ước còn giải quyết 9 vụ tranh chấp đất sản xuất, cùng người dân ngồi lại bàn bạc tìm hướng giải quyết thỏa đáng. Ban điều hành cũng hòa giải thành 15 vụ việc mâu thuẫn gia đình”. Những năm qua, nhờ chấp hành những quy định, ràng buộc từ hương ước, vấn đề an ninh trật tự của thôn Trung An luôn được đảm bảo, duy trì cuộc sống bình yên cho người dân. Mọi việc trong thôn từ bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ngăn chặn bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội… đến tham gia xây dựng nếp sống văn hóa mới được bà con tích cực hưởng ứng.

Nhiều năm qua, Trung An trở thành thôn điểm về xây dựng nông thôn mới của xã Quế Trung, nhiều tiêu chí nông thôn mới được triển khai nhanh chóng, trong đó có việc xây dựng, trùng tu di tích, tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn hằng năm, xây dựng đường giao thông nông thôn, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, vệ sinh đường làng, cổng xóm… Đời sống của người dân trong thôn ngày càng khấm khá, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Năm 2013, toàn thôn có 97% gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Ông Trần Nhượt - Trưởng phòng VH-TT huyện Nông Sơn cho biết, ngoài thôn Trung An, huyện cũng khuyến khích và tạo cơ chế hỗ trợ các thôn, xã khác trên địa bàn xây dựng và phát huy giá trị hương ước làng. Đây sẽ là cầu nối giữa người dân và chính quyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến người dân một cách gần gũi, nhanh chóng nhất.

HOÀNG YÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương ước, bản sắc văn hóa làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO