Hương ước cổ ở phố cổ

TRẦN BÍCH LIÊN 31/03/2015 08:42

Lục soi bản hương ước cổ nhất được tìm thấy ở Hội An, mới thấy thấm thía lời người xưa răn dạy, qua bao biến thiên, hương ước, những dấu ấn làng xã vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
“Phong tục đôn hậu”

Từ chương trình điều tra tư liệu Hán Nôm được người Nhật hỗ trợ, Hội An đã sưu tầm được hàng nghìn trang tư liệu cổ, trong đó có “Dương thương Hội quán công điều lệ (những điều công nhận thống nhất ở Hội quán Dương Thương) được tìm thấy ở chùa Ngũ Bang, do người Hoa xây dựng. Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay, đó là một loại hình khoán ước, hương ước được lập nên bởi cộng đồng người Hoa sống trên đất Việt. Tuy nhiên, bản hương ước cổ được xem là hoàn chỉnh nhất được tìm thấy cuối năm 2014 là “Hương ước thập điều” (10 điều hương ước) của tộc Nguyễn Tường, hay còn gọi là hương ước làng Cẩm Phô, bằng chữ Hán gồm 8 trang. Bản hương ước do tú tài Nguyễn Tường Tiếp biên soạn vào hồi thế kỷ 19, hiện được lưu giữ tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường nổi tiếng, đã gây ngạc nhiên lớn, bởi lẽ hương ước được lưu hành chính thức ít được phát hiện ở các làng xã Hội An.

Bản “Hương ước thập điều” bằng chữ Hán do cụ Nguyễn Tường Tiếp biên soạn.  Ảnh: HOÀNG LIÊN
Bản “Hương ước thập điều” bằng chữ Hán do cụ Nguyễn Tường Tiếp biên soạn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Người làng Cẩm Phô vốn sính lễ nghĩa, nên hương ước làng cũng hướng tới đề cao việc tế tự, tiết kiệm, khuyến khích hữu công, bài trừ thói bê tha, cờ bạc, rượu chè. Hương ước dạy rõ: “Phàm trong làng có hội họp hay tế tự, hương ẩm, nếu có kẻ loạn ngôn ồn ào hống hách thì phạt roi. Nếu phạm thượng thì phạt heo 1 con, trầu rượu 1 mâm”. Luật lệ này đặt ra không chỉ áp dụng đối với dân làng mà ngay cả những chức sắc, đầu mục của dân làng, cũng có những hình thức phạt vạ: “Các lý dịch là đầu mục của dân làng, nếu có ai uống càn giữa đường hay quán xá, say sưa thì không chỉ nhục cho riêng thân mình mà còn làm cho dân không sợ, và để điều tiếng đối với láng giềng, thuộc loại làm mất thể diện, hễ bị phạm thì phạt heo, trầu rượu không tha”. Ngẫm lại, những điều răn dạy của người xưa vẫn còn giá trị. Dựa vào những quy tắc xử sự, những luật làng, lệ làng, người xưa răn dạy, giáo dục con cháu về đức nhân - lễ - nghĩa, con người sống trong cộng đồng đó, không ai là không theo. Và những chức sắc, đầu mục trong làng cũng phải sợ luật làng, lệ làng, sợ mang tiếng với làng, sợ mất thể diện, sợ nói dân không nghe, “thượng bất chính, hạ tất loạn”, lấy đó làm tiêu chí rèn luyện, cảnh tỉnh bản thân.

Đặc biệt, giá trị nhân văn của bản “Hương ước thập điều” thể hiện rõ nét ở điều thứ 10: “Làm cho phong tục đôn hậu”, tức hoạn nạn giúp nhau, bệnh tật giúp nhau, tương thân tương trợ, đề cao tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn: “Phàm hương sắc, hào mục, lý dịch, lễ mừng, lễ điếu thì lui tới với nhau, lúc bệnh tật thì an ủi nhau. Tình phải gần gũi nhau, ví như một thể. Nếu có sai lầm thì lấy lời lẽ giúp nhau đính chính, không thể nói nặng lời, làm thương tổn hậu tục mà gây ra thù hiềm, kiện cáo. Nếu trong làng nghe lời hô hoán, dân lân cận mà không ứng tiếp thì nhẹ phạt roi, nặng phạt vạ. Làm được thế thì nhân dân yêu kính nhau mà liên tục đáng khen vậy”.

Hồn xưa về phố

Có thể, những luật làng, lệ làng, hương ước làng đã mai một ít nhiều. Tuy nhiên, ở một số cộng đồng, sự kế thừa và phát huy giá trị tinh thần các hương ước trong cộng đồng đã góp phần “làm cho phong tục đôn hậu”. Những hương ước hiện đại được tồn tại dưới hình thức: cam kết xây dựng tộc họ văn hóa, kế thừa thôn/khối phố văn hóa. Và Hội An vẫn có một số địa phương làm tốt công tác xây dựng thôn, khối phố văn hóa, ví như Thanh Đông (Cẩm Thanh) là thôn được công nhận danh hiệu “thôn văn hóa” nhiều năm liền. Hình thức của hương ước xưa còn có thể được thể hiện ở công tác xây dựng tộc họ văn hóa, xây dựng tộc ước, ví như tộc Phạm Công (Cẩm Nam) là tộc họ đã xây dựng tộc ước và nhiều năm liền là công nhận “tộc văn hóa”…

Ngày nay, nhiều nơi ở Hội An, kết cấu làng xã đã bị phá vỡ, các khu phố mới dần hình thành lại, nhiều địa phương không còn giữ được đình miếu, song bất kể sống ở đâu, người phố Hội vẫn giữ tục cúng xóm, cúng miếu, cúng đất đầu năm, thu hút cư dân ở các tổ dân cư/khu phố tham gia. Nhất là ở vùng ven Hội An, làng cũ, nhà nào có tang, cả làng xóm cùng tham gia, người sống lâu ở làng, khi chết đi, cả làng tổ chức, khiêng tang. Đặc biệt, trong khi nhiều nơi không làm được thì ở Hội An, từ những quy ước, quy tắc xử sự có tính ràng buộc, người Hội An dần có ý thức trong việc giữ gìn môi trường qua các cuộc vận động “Nói không với thuốc lá”, “Nói không với bao ni lông”, nghiêm cấm mở các tụ điểm mát xa, karaoke trong phố cổ… “Hương ước, những quy tắc xử sự mang tính ràng buộc trong cộng đồng, dù tồn tại dưới hình thức này hay dạng thức khác, song đời sống mới vẫn có thể thấy phảng phất những hình ảnh, giá trị của ngày xưa” - ông Nguyễn Chí Trung nói.

TRẦN BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương ước cổ ở phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO