(QNO) - Từ Đồn biên phòng A Nông (Tây Giang), chặng đường đến với điểm chốt chặn phòng chống dịch Covid-19 số 680 phải băng rừng và qua mười mấy con suối lớn nhỏ. Tại đây, lực lượng chức năng đang cắm chốt, giữ bản với quyết tâm "bao giờ hết dịch mới về"...
Quyết tâm bám chốt
Từ trung tâm xã A Nông, các thiết bị như máy phát điện, bóng điện năng lượng mặt trời, lương thực, thực phẩm từ chương trình "Kết nối trái tim - Hướng về biên giới" do Tỉnh đoàn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức đã được tập kết tại bìa suối đầu tiên. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên được phân công khuân vác, khiêng máy móc, thiết bị hỗ trợ cho điểm chốt 680.
Sau gần nửa tiếng băng rừng, vượt đúng 12 con suối lớn nhỏ, đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Bá Hưng - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và anh Nguyễn Xuân Đức - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn dẫn đầu mới đến được điểm chốt.
Điểm chốt chặn phòng chống dịch Covid-19 số 680 là một lán trại nhỏ nằm lọt thỏm giữa sườn núi và một bên là con suối R're chảy róc rách đêm ngày. Lán trại này ban đầu cán bộ chiến sĩ biên phòng, dân quân bám rừng, bám chốt mượn tạm của dân làm nơi che mưa, che nắng từ khi dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu đến nay.
Xác định nhiệm vụ chống dịch là hết sức lâu dài, nên điểm chốt bây giờ được mở rộng hơn, nhà lợp tôn nên cán bộ chiến sĩ yên tâm, đỡ lo mưa lo nắng. Chuyện vắt, muỗi rừng thì khỏi nói, nhưng đời lính phong sương, dãi dầu, có hề gì, nhưng thiếu điện, sóng điện thoại chập chờn là nỗi khó khăn cho công tác liên lạc.
Chốt 680 nằm bình độ, không "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời" nhưng lại ngăn cách bởi nhiều con suối, chỉ cần những đợt mưa rừng xối xả vài ngày là con đường huyết mạch bị chia cắt. Để đi lấy lương thực, tổ chốt chặn phải cử người ra vào rừng mất cả tiếng đi về, gùi ăn cả tuần, nửa tháng. Mỗi tuần, một cán bộ chiến sĩ được cử đi gom điện thoại đưa về khu vực trung tâm xã, huyện để sạc. Từ khu vực chốt chặn 680 này để lên cột mốc biên cương, thời gian đi về là 3 tiếng đồng hồ. Từ điểm cột mốc, tổ phải đi tuần tra dọc tuyến biên giới đường rừng mỗi tháng 2 - 3 lần...
Chúng tôi đã bắt gặp đâu đó nỗi nhớ nhà hiển hiện, bởi có nhiều người đã nửa năm, ba bốn tháng chưa được về. Có người lính như Hồ Văn Đanh quê tận Quảng Trị, xa nhà, để vợ một mình nuôi hai con nhỏ... Từ đầu năm 2020 đến nay, Đanh chưa một lần được về thăm nhà. "Mong dịch sớm được đẩy lùi, ước mơ trước tiên của tôi là có đợt nghỉ phép về thăm vợ con sau mấy tháng xa cách. Nhưng con của lính, vợ của lính cũng có chất lính, cũng quen với khó khăn, gian khổ rồi. Dù rất nhớ gia đình nhưng cũng phải lo nhiệm vụ là trên hết" - Hồ Văn Đanh nói.
"Bao giờ hết dịch mới về"...
Đại úy Lê Phước Tuấn - cán bộ Đồn biên phòng A Nông, người thường xuyên bám trụ ở chốt 680 tâm sự, bước đầu, đời sống, sinh hoạt của anh em ở đây còn nhiều khó khăn, nhất là cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ còn lâu dài. Song do lực lượng làm nhiệm vụ đã xác định tư tưởng vững vàng, phải bám trụ làm nhiệm vụ, quyết tâm vượt khó nên mọi thứ đi vào ổn định. Mỗi một cán bộ, chiến sĩ đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, phải thường xuyên tuần tra bảo vệ cột mốc, ngăn chặn người qua biên giới, tuần tra vận động nhân dân làm tốt công tác phòng chống dịch.
"Lúc trước, đoàn công tác do Hội LHPN tỉnh có lên hỗ trợ bóng điện năng lượng mặt trời, chúng tôi thấy rất thiết thực. Lần này, đoàn có hỗ trợ thêm bóng đèn năng lượng mặt trời, máy phát điện, lương thực khô, chúng tôi rất cảm động. Ai nấy xác định tư tưởng là bao giờ hết dịch mới về lại cơ quan làm nhiệm vụ" - Đại úy Tuấn chia sẻ.
Ông ALăng Láy - Phó Chủ tịch UBND xã A Nông cho biết, lãnh đạo địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn. Nhân dân vùng này trước đây có mối quan hệ mật thiết với người dân nước bạn Lào, hai bên trao đổi, buôn bán hàng hóa, bên nước bạn cũng sang đây mua hàng hóa, nhu yếu phẩm.
"Nhờ có lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn biên giới, nhất là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhân dân ở đây không ai vi phạm, ít người ra vào khu vực biên giới nên tình hình rất ổn định. Bất cứ ai vào rừng, vào rẫy hay trao đổi hàng hóa với đơn vị nước bạn phải đến các chốt báo cáo đầy đủ, người dân được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sát khuẩn, đeo khẩu trang, ý thức phòng chống dịch được nâng lên..." - ông Láy nói.
Chia sẻ về hành trình, anh Nguyễn Xuân Đức - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho hay, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã kêu gọi nhiều nguồn lực chung tay ủng hộ, chia sẻ khó khăn với lực lượng làm nhiệm vụ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các điều kiện thiết yếu để lực lượng chức năng yên tâm bám trụ tuyến biên giới. Lần này, nguồn hỗ trợ chủ yếu là quà cho người dân biên giới, trao máy phát điện, bóng điện mặt trời, tôn lợp nhà, các nhu yếu phẩm. Tuy chưa nhiều, song cũng phần nào chia sẻ bớt những khó khăn với những người bám chốt, bám rừng, lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch.