Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất phù sa màu mỡ từ hàng trăm năm trước đã in dấu chân của cộng đồng người Quảng đến khẩn hoang lập nghiệp. Dù xa quê, nhưng nhiều cộng đồng Quảng Nam – Đà Nẵng nơi đây vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa và bản sắc, cốt cách xứ Quảng…
Hành trình kết nối đồng hương
Nguyễn Hà, giám đốc một công ty xây dựng ở Cần Thơ, là một trong những người đầu tiên tham gia lập hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng. “Tôi sống ở Cần Thơ cũng lâu, từ công việc và quan hệ xã hội, mình quen biết một số anh em cùng quê hương và vì cùng nơi chôn nhau cắt rốn nên tự nhiên thấy gần gũi, thân thương lắm. Anh em thường gặp gỡ nhau qua tách cà phê buổi sáng hay chầu nhậu buổi chiều” - anh Hà nhớ lại.
Nghề tráng bánh được bà con Quảng “mang” theo vào miền Tây Nam Bộ. Sắp tới UBND thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) sẽ công bố hình thành làng nghề truyền thống bánh tráng Sa Rài.Ảnh: MỸ DUNG |
Khoảng năm 2004-2005, Nguyễn Hà và một số người quen biết như Trần Duyên, Nguyễn Lộc, Nguyễn Bân, nhà thơ Hoàng Quy… quyết định xây dựng hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Cần Thơ. Lúc đầu, hội đồng hương ra đời cũng chỉ gói gọn ở khu vực Cần Thơ - Hậu Giang, với vài trăm gia đình. Thế nhưng, qua 9 lần đại hội, đến nay danh sách hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã lên đến hàng nghìn gia đình. Đặc biệt, qua những lần họp mặt đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Cần Thơ, những chi hội ở các khu vực, các tỉnh cũng đã được hình thành, như Phú Quốc – Rạch Giá (Kiên Giang), Cao Lãnh, Tân Hồng (Đồng Tháp), Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang….
Ông Nguyễn Hữu Đổng (76 tuổi, Phó ban Liên lạc đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Đồng bằng sông Cửu Long) nhớ lại: “Lúc đầu, chúng tôi chỉ có vài người, nhờ tinh thần nhiệt huyết của anh em mà đến nay hội đã phát triển rộng khắp các tỉnh ở khu vực. Nhiều bà con sinh sống lâu năm tại đây mà chưa bao giờ họp đồng hương, nên khi chúng tôi tổ chức gặp gỡ họ mừng lắm. Đặc biệt, nhờ từ khi lập hội đồng hương ở miền Tây Nam Bộ này mà chúng tôi phát hiện có rất nhiều cộng đồng Quảng Nam – Đà Nẵng của mình đang cư ngụ. Họ rất sung túc, nhất là đang bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa Quảng Nam”.
Tự hào người Quảng
Tìm hiểu về lịch sử di dân của người Quảng, chúng tôi nhận thấy có nhiều lý do khiến bà con ly hương. Ông Nguyễn Văn Dũng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Văn Thời, một cán bộ hưu trí ở xã Khánh Bình Tây Bắc, quê ở Thăng Bình - Quảng Nam) cho biết, cộng đồng người Quảng di cư đến Cà Mau từ những năm 1957. Lúc đầu có khoảng 50 hộ dân, bị chính quyền ngụy ép buộc đưa đến vùng đất phèn mặn thuộc xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, Cà Mau - với vùng đất quanh năm nước mặn đồng chua. Năm 1961, thấy hoàn cảnh các hộ dân sống lay lắt, Mặt trận tỉnh Cà Mau đã bí mật đưa 50 hộ dân về mũi Tràm, một địa danh ở rừng tràm U Minh bị bom đạn chiến tranh tàn phá (hiện thuộc địa bàn 2 xã Khánh Hội, huyện U Minh và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời). Khi chuyển về Mũi Tràm, mỗi gia đình được cấp 3ha đất để khai phá, sản xuất. Từ đó, cuộc sống người dân ngày càng thay đổi và trở thành điểm tựa cho căn cứ cách mạng U Minh. Nhiều gia đình theo cách mạng, để giờ đây xóm người Quảng ấy có 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ, nhiều người đã nhận huân chương, huy chương…
Liên kết đồng hương miền Tây Nam Bộ với TP.Hồ Chí Minh “Bà con đồng hương ở miền Tây Nam Bộ rất đông, lên đến hàng chục nghìn người và sống theo từng khu vực, từng tỉnh. Do điều kiện địa lý cách trở nên qua những lần đại hội, chúng tôi chỉ mời đại diện ở các khu vực về tham dự, sau đó mỗi khu vực thành lập chi hội đồng hương để cùng sinh hoạt. Chúng tôi mong muốn bà con liên kết nhau, từ địa phương đến khu vực. Và ở khu vực miền Tây Nam Bộ này, hướng đến chúng tôi cũng sẽ liên kết với TP.Hồ Chí Minh và các vùng khác để tạo ra một cộng đồng người Quảng xa quê rộng lớn, đông đảo, luôn hướng về mục tiêu đoàn kết, xây dựng, yêu thương, chia sẻ với nhau khi sống xa quê”. (Ông LƯƠNG QUANG TRÍ, Trưởng ban Liên lạc đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Đồng bằng sông Cửu Long) |
Nhờ tính cần cù, siêng năng chịu khó mà đời sống kinh tế người Quảng ở U Minh đã khá lên. Xét về trình độ học vấn, cộng đồng người Quảng ở đây được xếp hàng nhất huyện, nhất tỉnh và được người dân địa phương đặt tên “ấp cử nhân giữa rừng U Minh Hạ”.
Tương tự, cộng đồng người Quảng ở vùng biên giới Tây Nam Bộ (thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) đến lập nghiệp từ rất sớm. Khi có điều kiện kinh tế và thuận lợi trong chuyện làm ăn, nhiều người Quảng tiếp tục giới thiệu để bà con quê nhà vào sinh sống, từ đó cộng đồng Quảng trên vùng biên giới này trở nên đông đúc nhất miền Tây. Không những vậy, người Quảng trên vùng biên giới huyện Tân Hồng luôn giữ gìn bản sắc văn hóa, từ tập tục, tính siêng năng, ham học đến những món ăn đặc trưng như mì Quảng, bánh tráng, bánh bèo... Nói về cái sự học của con em đất Quảng, anh Trần Quang Trung (quê Quảng Nam, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Hồng) khẳng định: “Cộng đồng người Quảng rất đông nên không thể thống kê hết, nhưng ước lượng hàng năm có tới 70% học sinh trong huyện đạt loại khá giỏi và thi đỗ vào đại học là con em người Quảng”.
Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cách TP. Rạch Giá 120km cũng là nơi cộng đồng người Quảng tìm đến lập nghiệp từ rất sớm. Trong số đó, có một bộ phận là tù chính trị Phú Quốc ở lại, một số đi an dưỡng và sau 1975 có bộ phận đến công tác, tìm vùng đất mới để làm ăn. Theo anh Nguyễn Tấn Sơn (Hội trưởng Hội đồng hương Phú Quốc) cho biết, tại Phú Quốc có khoảng 400 hộ đồng hương Quảng sinh sống. Bà con ở hầu hết cả xã đảo trong huyện, nhưng đông nhất vẫn là ở thị trấn Dương Đông và An Thới. Điều khá đặc biệt là con em đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng ở Phú Quốc học hành rất giỏi và thường chọn các thành phố lớn để làm việc sau khi ra trường”.
NAM GIAO