(QNO) - Năm hết tết đến, hình ảnh quê nhà luôn ngập tràn trong trái tim những người tha hương.
Mấy hôm nay vùng ngoại thành Sài Gòn sương mù dày đặc, kèm theo cái lạnh của thời tiết Nam bộ những ngày giáp tết, khiến tôi nhớ quê nhà da diết. Sài thành 18, 19 độ, ai cũng xuýt xoa than lạnh. Rồi áo ấm, áo khoác đủ kiểu, đủ sắc màu xuống phố. Khăn choàng cổ cũng lên ngôi. Người ta mang cả găng tay để đỡ lạnh. Có những người chưa từng đeo khẩu trang vì đơn giản là cảm thấy khó chịu, lúc bấy giờ cũng phải trang bị cho mình vài cái, để chống chọi với cái lạnh “không ăn thua gì” so với cái lạnh quê mình. Dòng xe cộ nhộn nhịp, ai cũng choàng kín từ đầu đến chân, vội vã hòa trong dòng người tất bật công việc cuối năm, chợt thương người quê mình đang đối mặt với cái lạnh căm căm, nhất là thương người già, trẻ nhỏ.
Bánh tráng Quảng Nam ở chợ Bà Hoa |
Lại nhớ tới cái nồi than đặt giữa nhà, để mọi người cùng sưởi ấm. Nhớ điếu thuốc lá “hút cho ấm” của ngoại. Nhớ thức ăn mùa lạnh vừa nóng vừa cay. Chiều nay vào facebook, thấy học trò tiểu học mặc đồng phục, nhưng vì lạnh, các em gái phải mặc váy với quần dài, trông... là lạ. Thương con trẻ quê nhà mùa lạnh, lại nhớ thời đi học của mình ngày xưa, còn phải lội sình, quần ống cao ống thấp.
Chạy xe ghé vài khu vực thuộc Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, mới thấy nhà vườn trồng rau ngút ngàn. Rau họ nhà cải là nhiều nhất, rồi rau dền, rau lang, rau bí. Nhìn cánh đồng rau mùa xuân mơn mởn, hình ảnh quê nhà lại hiện lên. Mùa tết ở quê, nhà ai cũng trồng xá lách, rau cải, rau mùi, rau thơm các loại, chủ yếu để ăn sống. Sẽ “hao” rau với món thịt heo muối cuốn bánh tráng, món khoái khẩu của người dân quê xứ Quảng.
Ghé về Bảy Hiền - khu người Quảng tập trung đông nhất để cảm nhận những tất bật của người ven đường: kẻ mưu sinh, người đến đây thưởng thức những món ẩm thực dân dã xứ mình. Người ta bàn chuyện tết, rằng chợ bà Hoa đến giờ phút này hàng tết từ quê chuyển vào ngập tràn, mặt hàng nào cũng có, nhất là các loại bánh, hay gia vị. Người ta chỉ vẽ cho nhau cách đăng ký xe về ngày tết: hãng nào giá mềm, xe mới; quán cơm “ruột” ven đường nào ngon, phục vụ tận tình...
Khu vực Tân Phú, nơi tập trung nhiều cơ sở may mặc người Quảng. Những ngày này, người ta chuẩn bị vệ sinh xưởng may để chào đón ngày giỗ tổ thợ may (12 tháng chạp). Năm nào cũng vậy, đến ngày này, những gia đình thợ may người Quảng ở Sài thành làm lễ cúng lớn, xin ơn trên, tổ nghiệp cầu mong làm ăn tấn tới, suôn sẻ, sau đó gia chủ đãi những người thợ một bữa tiệc ra trò, bù lại những ngày làm việc vất vả.
Trên facebook, những chiếc vé tàu, vé xe được ai đó “up” lên, khoe ngày về, khiến những người tha hương ở lại đón xuân Sài thành cảm thấy mủi lòng. Ai về quê, thì được chúc mừng. Ai ở lại, thì được an ủi, động viên.
Ngày tết đã rất gần. Ai cũng cố làm nốt công việc cuối năm, để chuẩn bị đón xuân mới. Dù về quê hay không, người Quảng Nam ở Sài thành vẫn luôn hướng về đất mẹ với cả tấm lòng nhớ thương...
PHI KHANH