Hương vị đặc sản rừng xuống phố

ALĂNG NGƯỚC 26/12/2021 07:26

Cơ hội mới đang được đón nhận, người ta sẽ nhắc nhiều hơn về đặc sản xứ núi. Như heo đen, đảng sâm, muối ớt rang rây, hay cả rượu tà vạc, tr’đin… sau những nỗ lực của địa phương, đã hiện diện trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tôi thầm nghĩ, người miền núi đã bừng thức, với chính những sản vật lâu nay của rừng, cuộc sống của người vùng cao rồi sẽ khác...

Từ bước đầu mở rộng thị trường tiêu thụ, người vùng cao kỳ vọng sản phẩm được làm ra từ thịt heo đen sẽ trở thành kinh tế giúp người dân làm giàu trong tương lai. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ bước đầu mở rộng thị trường tiêu thụ, người vùng cao kỳ vọng sản phẩm được làm ra từ thịt heo đen sẽ trở thành kinh tế giúp người dân làm giàu trong tương lai. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

1. Hai ngày trước, tôi tham dự hội thảo giới thiệu, quảng bá sản phẩm heo đen (heo cỏ) của huyện Nam Giang. Nhưng thật khác và đầy thú vị, bởi cách chọn giới thiệu, trưng bày sản phẩm của địa phương miền núi này, khi tất cả đều được thực hiện tại TP.Tam Kỳ.

Tất bật với công việc giới thiệu sản phẩm, nhưng Alăng Pức - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX dịch vụ thương mại Cà Dy cùng nhiều hộ dân khác của xã vẫn không quên nhiệm vụ “trình diễn” quy trình chế biến thịt heo đen gác bếp phục vụ du khách.

Ở vùng cao, thịt heo gác bếp được thực hiện bằng phương pháp “xông khói”. Sau một thời gian, thịt heo sẽ khô, chỉ cần rửa sơ và xé nhỏ là có thể dùng ngay. Nhưng, Alăng Pức nói, nếu không biết cách làm, thịt heo có thể hư, gây ra thứ mùi rất khó chịu.

“Muốn làm thịt gác bếp, phải giữ đủ lửa trong vài ngày đầu để thịt khô đều, săn chắc. Còn không, sẽ lãng phí món đặc sản của rừng” - Alăng Pức chia sẻ.

Ngay không gian của phố, chúng tôi - những vị khách của chương trình được thưởng thức sản phẩm thịt heo đen gác bếp. Từng thớ thịt khô đặc, màu đỏ sẫm được xé nhỏ mời khách khiến nhiều người thích thú.

Chị Bh’nướch Thị Tuyết, một hộ dân của xã Cà Dy có mặt tại khu trưng bày, nói với chúng tôi thịt gác bếp ngon nhất là chấm với muối rang rây và tiêu rừng. Đây là loại gia vị đặc trưng của núi rừng chỉ có ở vùng Trường Sơn Đông.

Gần 1 năm mở hướng kinh doanh sản phẩm heo đen, chị Tuyết nói đang tiệm cận hơn với thị trường hàng hóa. Không còn chỉ nuôi heo để lấy thịt phục vụ đời sống, người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở vùng cao này đã bắt đầu chuyển hướng đi mới, làm giàu từ sản vật đặc trưng sẵn có.

Sự khả quan sau những lần thử nghiệm đưa sản phẩm heo đen Nam Giang xuống phố càng thôi thúc nhiều người dân miền núi tham gia mở rộng mô hình chăn nuôi heo cỏ.

Chị Tuyết nói, có mặt ở Tam Kỳ thời điểm này cũng là bước đi thuận lợi giúp sản phẩm heo đen Nam Giang quảng bá, mở rộng thị trường. Đặc biệt là thời điểm tết, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.

Vì thế, những đợi chờ sẽ mở ra cơ hội giúp sản vật vùng cao gần hơn với người tiêu dùng, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế cho đồng bào địa phương.

Các hộ dân ở Nam Giang giới thiệu sản phẩm heo đen cho khách ở một hội thảo vừa được tổ chức tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các hộ dân ở Nam Giang giới thiệu sản phẩm heo đen cho khách ở một hội thảo vừa được tổ chức tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

2. Hôm nọ, tôi về thăm quê, một làng miền núi ở Đông Giang. Mẹ tôi nói, bà vừa bán 4 con heo đen cho khách. Số tiền kiếm được chừng đâu gần chục triệu đồng. Tôi giật mình, bởi cứ nghĩ lớp người thời của mẹ tôi, lâu nay chỉ quen chăn nuôi gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu của gia đình, hoặc để biếu tặng nhau.

Nhưng bây giờ thì khác, mọi thứ như được nâng lên một bước. Dành dụm khoản tiền bán heo, mẹ tôi mua thêm giống mới, tiếp tục quay vòng. Mẹ nói, ban đầu là nuôi cho vui, vì tuổi già “ngồi không không được”, nhà lại sẵn có thức ăn cho heo. Thế là đầu tư, heo mẹ đẻ heo con, sinh lời chỉ chưa đầy một năm chăm sóc.

Mẹ tôi lại đón khách. Vị khách người Cơ Tu ở tận xã Kà Dăng tìm đến hỏi mua heo cỏ. Sau một hồi thương lượng, ông đặt cọc ngay và hẹn sẽ lấy heo trong dịp cận tết để gia đình dùng.

Vị khách này nói, vài năm trở lại đây, khi thương hiệu heo đen được quảng bá, gia đình ông giảm dần thói quen mua thịt heo ở chợ. Thỉnh thoảng, vài hộ dân chung với nhau mua nguyên một con heo đen để ăn dần, có khi là lợi hơn so với việc mua thịt heo lắt nhắt ở chợ.

Nhớ hôm ngồi uống trà với Trưởng thôn Bh’lô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) Alăng Phân, nghe ông kể câu chuyện làm kinh tế ở quê đầy phấn khích. Ông Phân nói, sau thời gian chuyển đổi canh tác, ở thôn bây giờ đã có vài hộ dân bắt đầu chăn nuôi trang trại heo cỏ kết hợp trồng cây dược liệu.

Người này học người kia cứ thế lan rộng những cách xóa nghèo, làm giàu từ chính những sản vật, đất đai, rừng núi. Mô hình kinh tế mới được đầu tư, mở ra cơ hội rất lớn cho người dân địa phương trong việc giảm nghèo bền vững. Tín hiệu tích cực này được ví như hành trình thay đổi tư duy về chuyện chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí…

Dù đang bước đi từng nhịp, nhưng người vùng cao vẫn đầy tự hào khi nhắc tên một người nào đó giàu lên từ mô hình kinh tế nông nghiệp, ngay chính quê hương mình. Bởi đó cũng là động lực để họ tiếp tục phấn đấu, học theo để thoát khỏi những ám ảnh về đói nghèo và lạc hậu.

Chừng như người vùng cao đã dần thay đổi tư duy phát triển kinh tế. Không còn chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ dân đang bắt tay vào dự án mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất. Số hộ khá giả tăng lên, đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống đang dần cải thiện từng ngày.

“Bây giờ, ai cũng đều có ý thức trong chuyện làm kinh tế, nên dù khó khăn đến mấy cũng không thể thụt lùi. Bởi cuộc sống là phải tiến lên, phải chính mình thay đổi cuộc sống của mình. Từ trồng keo, buôn bán tạp hóa, chăn nuôi heo cỏ… công việc gì, người vùng cao cũng có thể làm để nâng cao cuộc sống. Đó mới thực sự là xã hội phát triển” - ông Phân tâm sự.

Sản phẩm heo đen gác bếp - thương hiệu sản vật vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sản phẩm heo đen gác bếp - thương hiệu sản vật vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

3. “Thương hiệu heo đen Nam Giang sẽ dần khẳng định khi chính người dân thấy được lợi ích về kinh tế. Chúng tôi ở đây, cam kết với các bạn, đặc biệt là các nhà phân phối, sản phẩm heo đen do chính người dân chúng tôi chăm sóc, chăn nuôi sẽ luôn đảm bảo chất lượng, cũng như đảm bảo quy trình sản suất, giết mổ. Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế cá nhân mà làm ảnh hưởng đến thương hiệu của cộng đồng”.

Đó là phát biểu của ông Kaphu Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Cà Dy tại hội thảo giới thiệu, quảng bá sản phẩm heo đen Nam Giang mới đây. Tôi có cảm giác, cả chính quyền và người dân địa phương đang rất kỳ vọng cho một thương hiệu mới từ sản phẩm heo đen này.

Đặc biệt là chương trình ký kết ghi nhớ hợp tác sản xuất - kinh doanh đưa sản phẩm heo đen Nam Giang ra thị trường giữa Hợp tác xã Cà Dy với Công ty TNHH Trang trại Toàn Cầu, càng cho thấy mức độ tin tưởng của doanh nghiệp đối với sản phẩm độc đáo của vùng cao.

Ông Kaphu Kiên nói, quá trình chăm sóc, người vùng cao chủ yếu nuôi heo thả rông trên đất rẫy. Thức ăn được kiếm tại chỗ, đảm bảo mức độ sinh trưởng tự nhiên.

“Ngày xưa, người Cơ Tu nuôi heo đen với mục đích chính là dùng trong việc gia đình. Vì thế, người vùng cao trước đây thường ít bán heo như bây giờ, ngoài tặng biếu nhau, heo đen còn được sử dụng để cúng bái nên rất có giá trị” - ông Kiên nói, như để tái khẳng định chất lượng về sản phẩm heo đen của địa phương mình.

Những kỳ vọng, rồi đây sẽ trở thành hiện thực. Tôi tin thế. Bởi sau chương trình giới thiệu, lần lượt sản phẩm heo đen Nam Giang được doanh nghiệp và du khách tìm mua. Ai cũng tấm tắc khen ngợi, tạo thêm động lực cho những dự định mới của các hộ đồng bào vùng cao được nhen nhóm. Cơ hội đổi thay cách nghĩ cách làm để cuộc sống không còn khổ nghèo nữa trên vùng rừng này đang được bắt đầu, từ bây giờ…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương vị đặc sản rừng xuống phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO