Hương vị tết ở vùng cao

ALĂNG NGƯỚC 26/02/2015 09:32

Đồng bào vùng cao Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… quan niệm “ăn tết” nhiều hơn “vui tết” thế nên, đặc trưng trong ẩm thực truyền thống là dấu ấn riêng biệt của tết vùng cao.

Đa dạng ẩm thực

Ngày tết, đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… dọn mâm cỗ đón khách bằng những món ẩm thực truyền thống. Sự đa dạng, khéo léo trong cách chế biến và bảo quản khiến hương vị ẩm thực ngày tết của đồng bào vùng cao luôn tạo ấn tượng với du khách ngay cả khi lần đầu thưởng thức. Theo ông Bh’riu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Vương (Tây Giang), trong mỗi mâm dọn mời khách đến chơi tết của đồng bào Cơ Tu, bao giờ cũng có đầy đủ các món ẩm thực truyền thống từ thịt xông khói, bánh sừng trâu, rượu nếp than, cho đến các món pơr’hâr (thịt nướng ống), p’riêng (thịt phơi khô), bh’nóh (thịt nướng),…

Đồng bào vùng cao vui tết. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào vùng cao vui tết. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đồng bào Cơ Tu quan niệm “ăn tết” hơn là “vui tết”. Bởi cuộc sống khó khăn, quanh năm suốt tháng lam lũ với công việc nương rẫy nên cuộc chơi với đồng bào thường rất hiếm hoi. Bởi vậy, những ngày tết, gác lại công việc thường ngày, họ tự thưởng cho mình những ghè rượu ngon nhất, cùng ẩm thực truyền thống đặc sản để “ăn tết”. Bất kể nhà khá giả hay nghèo khó, hễ đến tết là vui say thỏa thích. Tương ứng với điều kiện kinh tế mỗi gia đình, trên mâm đón khách có nhiều hay ít ẩm thực bày biện, thể hiện tấm lòng hiếu khách của gia chủ trong năm mới. Thường thì, trước tết một tháng đồng bào tranh thủ việc gia đình để vào rừng kiếm tiền chuẩn bị Tết Nguyên đán. Khi con thú, con nai không còn được săn bắt, ẩm thực truyền thống của đồng bào vùng cao thường được thay thế bằng những ký thịt, ký cá. Tất cả đều được chế biến theo đúng truyền thống, hoặc là xông khói, hoặc là phơi khô, nướng ống…

Mâm ẩm thực truyền thống đón khách ngày tết của đồng bào vùng cao.
Mâm ẩm thực truyền thống đón khách ngày tết của đồng bào vùng cao.

Già làng Arâl Vôr, ở thôn Tu Ngung (xã Arooih, huyện Đông Giang) cho biết, tùy theo mỗi vùng người Cơ Tu sinh sống, ngoài món ăn truyền thống thông thường, ngày tết còn dọn món ẩm thực đặc trưng. Ví dụ, người Cơ Tu ở Nam Giang chuộng món z’ră (thịt thọc nhuyễn nướng trong ống), Cơ Tu ở Đông Giang ưa món zêệ pơr’târ (thịt nấu đông), hay người Cơ Tu ở Tây Giang thích món tr’um (thịt gói lá chuối),… Dù vậy, ẩm thực vùng nào cũng đều mang đậm hương vị của núi rừng. “Trong ngày tết, người vùng cao thường dọn rất nhiều ẩm thực truyền thống, thể hiện tấm lòng hiếu khách, chào đón năm mới và là dịp để thể hiện khả năng chế biến, quảng bá văn hóa ẩm thực truyền thống với du khách” - già Vôr cho biết thêm.

Giữ hương vị truyền thống

Xu thế hội nhập ngày nay đã có sự giao thoa trong ẩm thực ngày tết của đồng bào vùng cao. Ngoài các món ăn truyền thống, trong mỗi mâm đón khách ngày tết luôn kèm theo các hương vị ẩm thực cổ truyền của đồng bào Kinh như: bánh tét, hạt dưa, củ kiệu, dưa hành… Dù vậy, bất kể nhà khá giả hay nghèo khó, ẩm thực truyền thống của đồng bào luôn là món ăn “chủ thể” để mời khách ngày tết. Già làng Bh’nướch Tiêng, ở thôn Pà Ia (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang) cho biết, hằng năm khi vụ mùa đã hoàn tất, đồng bào vùng cao thường sửa sang nhà cửa, đường sá để chuẩn bị đón tết. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào có nhiều thay đổi, điều kiện kinh tế gia đình có phần nâng cao. Dòng chảy hiện đại đã giúp đồng bào tiếp cận dễ dàng và ngày càng nhiều với xu hướng hội nhập chung. Ngày tết, từ cách trang trí nhà cửa, mua sắm hàng hóa,… cũng đều được “hiện đại”, gọn đẹp. Tuy vậy, món ăn truyền thống thì không bao giờ xóa bỏ. “Có hiện đại, có truyền thống, văn hóa của đồng bào mình thì không thể bỏ được. Dù ít hay nhiều, trên mâm đón khách ngày tết bao giờ cũng có các món truyền thống” - già Tiêng cho hay.

Ông Alăng Kích - Trưởng thôn Sơn (xã Sông Kôn) chia sẻ, dịp Tết Nguyên đán hằng năm ông cùng đồng bào cũng đều chế biến các món ăn truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đó là cách để đồng bào giữ văn hóa truyền thống của cha ông và giúp giáo dục con cháu trong gia đình. “Bất kể thịt trâu, bò hay heo, cá… ngoài chế biến thông thường, đồng bào bản địa còn làm các món ăn truyền thống riêng của dân tộc mình để chiêu đãi khách đến chơi nhà. Văn hóa này luôn được gìn giữ từ bao đời nay, ở hầu hết vùng người Cơ Tu sinh sống” - ông Kích nói. Cũng như người Cơ Tu, ẩm thực ngày tết của đồng bào Ve, Tà Riềng ở các xã biên giới Đắc Pre, Đắc Pring, La Dêê… (huyện Nam Giang) thường được dọn với đầy đủ món ăn truyền thống như: thịt cá xông khói, cá nướng ống tre, láp,… Theo ông Hiên Diếu - Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pring, hương vị ngày tết ở vùng cao thường gắn liền với cuộc sống núi rừng, với cái nương, cái rẫy. Những con cá được bắt về từ suối; hay con sóc, con chuột được mang về từ rừng, tất cả sẽ được chế biến theo món ăn truyền thống, mang đậm hương vị núi rừng.

Ngày tết, bên trong ngôi moong truyền thống, những ché rượu cần, rượu tà vạt say nồng, cùng các món ẩm thực truyền thống giúp đồng bào chung vui suốt ba ngày xuân. Hương vị tết ở vùng cao dịu ngọt, ấm áp, như mời gọi bước chân du khách ghé thăm.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương vị tết ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO