Chuyện đầu tuần

Hương xuân vương áo lính

PHAN HOÀNG (hoangngocdiem80@gmail.com) 10/02/2025 08:04

Ngày 13/2 này, cùng với cả nước, Quảng Nam tổ chức lễ giao nhận quân năm 2025. Ở các làng quê, tại nhà văn hóa thôn hoặc các điểm giao nhận quân được trang trí tươi tắn và xập xình giai điệu vui tươi, sôi nổi: “Lá còn xanh như bao anh còn trẻ…”

Cứ đến ngày hội tòng quân, điệp khúc ấy như giục giã bước chân đi của bao lớp trai làng. Ca khúc “Lá xanh” ra đời từ năm 1950, là bản tình ca viết về những người lính dũng cảm, kiên cường đầy lạc quan, xung phong tòng quân giết giặc, cứu nước.

Hôm tết, tôi gặp những thanh niên trúng tuyển cùng nhập ngũ đợt này đi quanh nhà hàng xóm để chúc tết và tạm biệt chuẩn bị ra tết là lên đường đi nghĩa vụ quân sự. Gác lại những toan tính và niềm riêng tư mà tuổi đôi mươi ai cũng có, với những thanh niên ở xóm tôi giờ đây chỉ có những bước chân rộn rã trong mùa nhập ngũ. Họ xác định tâm thế hăng say lên đường tòng quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gói lại những chờ đợi của người thân và bạn bè tâm giao cho mùa xuân sau.

Thao trường là chiến trường. Người lính thời bình cũng nhiều gian lao như thời chiến, khi luôn khắc ghi lời thề “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Màu áo xanh của bộ đội, có lẽ vì thế gần gũi và quen thuộc với bất kỳ người dân nào.

Cũng chuyện tòng quân, từ một bản nhạc khác, mà mỗi độ tháng 2 về, tôi thường nghe các cựu chiến binh giờ đã qua tuổi 60 hay gõ phách những lần tụ bạ bạn bè: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” . Giai điệu và ca từ của ca khúc này dường như luôn vang vọng trong tâm khảm của lớp người thế hệ ấy. Âm hưởng của nó nhắc chúng tôi - thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bình về những thời khắc bi tráng, hào hùng, quyết giữ từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc năm xưa.

Bản nhạc này được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ngay trong đêm 17/2/1979. Giai điệu và ca từ hùng tráng của bài hát đã thúc giục triệu triệu người con nước Việt lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước kẻ thù xâm lược.

Nên tôi luôn đặc biệt xúc động, với những thông tin từ Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Năm 2019, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra (17/2/1979 - 17/2/2019).

Những ngày sau Tết Ất Tỵ, hẳn nhiều người cảm thấy ấm áp khi hình ảnh tràn ngập báo chí và mạng xã hội việc Tổng Bí thư Tô Lâm viếng hương ở nghĩa trang Vị Xuyên.

Tôi vẫn còn nhớ mình đã lặng người như thế nào khi bước đi giữa những hàng mộ trùng trùng ở nghĩa trang này, nên hiểu tại sao, người dân thường chú ý đến những vị lãnh đạo đầu tiên đến dâng hương ở đó.

Một biên giới hữu nghị và hòa bình là vô cùng quý giá. Quá khứ thì cần khép lại để cho hiện tại và tương lai tươi đẹp hơn nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. Xin đừng lãng quên những ai và những gì thuộc về Vị Xuyên. Thông điệp ấy, tôi đọc được trong một bài báo rất hay được viết từ năm 2009.

Sau này, khi đọc những cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, hay “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của tác giả Nguyễn Thái Long, càng biết thêm những góc nhìn chân thực về người lính trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, về lịch sử trong giai đoạn chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta.

Nhắc lại hào khí của bao nhiêu tháng 2 năm xưa, để những tân binh thời bình, trong mùa tháng 2 năm nay càng thêm tự hào khi thực hiện nghĩa vụ công dân với Tổ quốc. Trên bước chân nhập ngũ, hương xuân vương áo lính. “Mau lên đi, hỡi các anh trai làng” như lời giục giã trong bài hát “Lá xanh” của nhạc sĩ Hoàng Việt vẫn vang lên mỗi mùa tuyển quân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương xuân vương áo lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO