Giai đoạn 2010 - 2020, bằng nhiều nguồn lực, Quảng Nam đầu tư khá lớn thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM), trong đó chủ yếu ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc huy động vốn đầu tư chưa đảm bảo cơ cấu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Các kênh vốn không đảm bảo cơ cấu
Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, giai đoạn 2010 – 2020 Quảng Nam đầu tư hơn 33.432 tỷ đồng cho chương trình NTM. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 14.510 tỷ đồng (chiếm 43,4%), vốn tín dụng hơn 16.174 tỷ đồng (chiếm 48,4%), vốn huy động từ các doanh nghiệp và hợp tác xã hơn 882,4 tỷ đồng (chiếm 2,6%), vốn nhân dân đóng góp quy ra giá trị hơn 1.865 tỷ đồng (chiếm 5,6%).
Tại hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM do UBND tỉnh tổ chức, ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, từ nguồn vốn nêu trên, giai đoạn 2010 – 2020 tỉnh ưu tiên đầu tư bê tông hóa hơn 5.100km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa khoảng 2.200km kênh mương, xây dựng hơn 360 công trình thủy lợi nhỏ và hơn 150 công trình thủy lợi hóa đất màu nhằm đảm bảo phục vụ nước tưới cho 10.100ha đất sản xuất nông nghiệp; xây dựng hơn 700km đường dây trung áp, hơn 990km đường dây hạ áp, hơn 800 trạm biến áp, hơn 78.300 công tơ để bảo đảm cung ứng điện năng cho sinh hoạt và sản xuất.
Cùng với đó, xây mới, sửa chữa hơn 1.100 công trình văn hóa xã và thôn, bản; xây mới, cải tạo, nâng cấp 130 chợ trong tổng số 159 chợ nông thôn đang hoạt động. Đồng thời nhiều công trình thiết yếu khác như hệ thống nước sạch, xử lý môi trường, trạm y tế xã... cũng được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, nhờ cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư đúng mức, đến nay Quảng Nam đã có 524/820 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho hay, theo cơ cấu nguồn vốn đã huy động đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 thì vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm tỷ lệ cao (43,4% so với yêu cầu là 30%). Trong đó, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đạt 26,5%, rất cao so với yêu cầu là 6%.
Điều này, một mặt thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc nỗ lực lồng ghép nhiều nguồn vốn thuộc ngân sách để thực hiện mục tiêu của chương trình. Nhưng mặt khác, cũng thể hiện khả năng huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế.
Nguồn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm tỷ lệ thấp (chỉ 5,6% so với yêu cầu 10%) là do việc tuyên truyền, vận động nhân dân gặp nhiều khó khăn; chưa thực hiện có hiệu quả công tác lập kế hoạch cấp xã có sự tham gia của cộng đồng; đồng thời việc áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù chưa được quan tâm đúng mức và đặc biệt là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì không huy động được trong cộng đồng dân cư.
“Vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp và hợp tác xã còn rất hạn chế (chỉ đạt 2,6% so với yêu cầu là 15%) cho thấy việc thực hiện các chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn chưa phát huy được tác dụng mà nguyên nhân chính là các rào cản về chính sách đất đai và tín dụng” – ông Ngô Tấn nói.
Đồng bộ giải pháp huy động vốn
Ông Trần Văn Ẩn cho rằng, trước thực tế vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện mô hình NTM còn khó khăn như hiện nay thì việc lồng ghép, huy động đồng bộ và có hiệu quả các kênh vốn khác vào chương trình này là rất cần thiết.
Theo đó, các cấp, ngành cần tiếp tục linh hoạt lồng ghép những nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các nguồn vốn thuộc ngân sách cấp huyện.
Cùng với đó, các ngành, địa phương phải triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người dân mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn.
Đồng thời cần tăng cường các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) và xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ - xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa – thể thao trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Các địa phương cũng cần xây dựng và công khai các kế hoạch, các dự án cụ thể theo từng năm để huy động nguồn lực cho xây dựng NTM.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đặc thù trong việc khai thác quỹ đất và đấu giá quyền sử dụng đất lẻ phù hợp để các địa phương (đặc biệt là cấp xã) có được nguồn thu để đối ứng, thực hiện chương trình NTM.
Cạnh đó, cần hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 55 (ngày 9.6.2015) của Chính phủ. Việc hỗ trợ vốn tín dụng phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuỗi giá trị đối với những sản phẩm chủ lực của các địa phương.
Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, cho vay, cung ứng các dịch vụ - tiện ích ngân hàng thuận lợi và thông thoáng theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất – kinh doanh.
Đặc biệt, các địa phương phải tập trung phát huy tối đa vai trò chủ thể và huy động nguồn lực của người dân. Việc huy động đóng góp của nhân dân phải kết hợp chặt chẽ giữa huy động bằng tiền với việc đóng góp ngày công lao động và hiến đất đai – vật kiến trúc, trong đó đóng góp công lao động là chính...