Huyện Hà Đông qua tư liệu xưa

PHÚ BÌNH 20/11/2022 06:09

Trước khi học giả Lê Quý Đôn tập hợp tư liệu từ xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn để soạn bộ Phủ biên tạp lục, đơn vị hành chính “huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam” chưa thấy xuất hiện trên sử liệu chính thức.

Bản đồ huyện Hà Đông trong sách Đồng Khánh địa dư chí. Ảnh tư liệu
Bản đồ huyện Hà Đông trong sách Đồng Khánh địa dư chí. Ảnh tư liệu

Huyện Hà Đông xưa

Danh sách làng xã của huyện Hà Đông thời các chúa Nguyễn được ghi trong sách Phủ biên tạp lục (PBTL) soạn năm 1776 không trùng với danh sách làng xã của huyện Hà Đông được ghi trong địa bạ lập thời Gia Long và Minh Mạng của triều Nguyễn (Địa bạ triều Nguyễn).

Trong 50 xã, 10 phường, 2 thôn thuộc phạm vi huyện Hà Đông (chính và tân) được ghi trong PBTL, có 34 làng xã được Địa bạ triều Nguyễn (soạn sau PBTL khoảng 40 năm) ghi nhận thuộc về các huyện Lễ Dương, Duy Xuyên, Diên Khánh, Hòa Vang (tức từ huyện Thăng Bình hiện nay trở ra phía bắc, trong đó đa số nằm phía bắc sông Thu Bồn); 18 xã phường còn lại không thấy ghi trong Địa bạ triều Nguyễn.

Qua đó có thể biết: địa giới huyện Hà Đông thời các chúa Nguyễn khác với địa giới huyện Hà Đông thời triều Nguyễn. Hiện chưa rõ vì sao có sự thay đổi ấy? Liệu có thể suy đoán triều Tây Sơn hoặc triều Nguyễn đã phân định lại phạm vi quản lý làng xã của huyện Hà Đông chuyển từ phía bắc sang phía nam tỉnh Quảng Nam?

Theo ghi chép trong sách PBTL, các xã thôn nằm trên vùng đất gọi là “thuộc” (thuộc Chu Tượng, thuộc Hà Bạc, thuộc Hội Sơn Nguyên, thuộc Liêm Hộ…) ở vùng phía nam phủ Thăng Hoa đều thuộc địa bàn của huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam.

Đến đầu thời Gia Long (1802 - 1820), địa bàn các “thuộc” nói trên nằm trong phạm vi quản lý của huyện Hà Đông. Theo địa bạ thời Gia Long (lập từ khoảng năm 1807 đến 1814), huyện Hà Đông (thuộc phủ Thăng Hoa) lúc này bao gồm 4 tổng: Chiên Đàn Trung, Đức Hòa Trung, Vinh Hoa Trung, Tiên Giang Thượng và 4 thuộc: Chu Tượng, Hà Bạc, Hội Sơn Nguyên, Liêm Hộ.

Tra cứu Địa bạ triều Nguyễn,  ông Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu địa bạ ở TP.Hồ Chí Minh cho biết: các tổng và thuộc (nằm trong huyện Hà Đông) nói trên bao gồm 119 xã, 31 thôn, 3 phường, 2 giáp, 6 ấp, 3 tộc và 2 trại, trong đó có các xã, thôn địa đầu của huyện Hà Đông như Tà Mi (cực tây nam), Hòa Vân (cực nam - giáp Quảng Ngãi), Hòa Thanh, Tỉnh Thủy (giáp Biển Đông), Tú Tràng (phía bắc và tây bắc giáp huyện Lễ Dương).

Đến niên hiệu Thiệu Trị (1841 - 1848), khi phủ Thăng Hoa đổi tên thành phủ Thăng Bình, huyện Hà Đông vẫn thống quản các xã thôn như trước, lúc này địa hiệu đã đổi là “huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình”. Đến thời điểm này, một số xã thôn ở vùng phía đông (sau thuộc về huyện Hà Đông) vẫn nằm trong phạm vi quản lý của tổng Hưng Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, đó là các xã, thôn: Quảng Phú, An Hà, Ngọc Mỹ, Phú Thạnh, Tân An, Vĩnh Phước, Mỹ Cang, Thạch Tân (8 thôn, xã này nay thuộc địa bàn các xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú của TP.Tam Kỳ).

Nội dung sách Đồng Khánh địa dư chí (soạn và in khoảng 1887 - 1888) cho thấy, đến khoảng thời gian soạn sách này, 8 thôn, xã kê trên vẫn còn thuộc sự quản lý của huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình.

Huyện Hà Đông từ thời Đồng Khánh

Chưa rõ huyện Hà Đông được giao thống quản 8 xã, thôn nói trên vào thời gian nào. Tra cứu mấy văn bản ruộng đất hiện còn ở vùng này thấy đến khoảng năm 1905 vẫn còn dùng địa hiệu “Thăng Bình phủ, Lễ Dương huyện, Hưng Thạnh Hạ tổng”. Như vậy, có thể đến năm 1906 - lúc lập phủ Hà Đông (sau đổi là phủ Tam Kỳ) - 8 xã vùng đông ấy mới được sáp nhập vào huyện Hà Đông thuộc phủ Tam Kỳ.

Huyện Hà Đông trong mô tả của sách Đồng Khánh địa dư chí có 6 tổng (gồm 223 xã, thôn, phường): tổng Tiên Giang Thượng (nay đa số làng xã nằm trên địa bàn huyện Tiên Phước); tổng Đức Hòa Trung (nay phần lớn làng xã nằm trên địa bàn huyện Núi Thành); tổng Vinh Quý Trung (nay đa số làng xã nằm trên địa bàn huyện Phú Ninh); tổng Chiên Đàn Trung (nay nằm trên địa bàn huyện Phú Ninh và TP.Tam Kỳ); tổng An Hòa và tổng Phú Quý Hạ (nay nằm trong phạm vi huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ).

Sách Đồng Khánh địa dư chí ghi: “Huyện Hà Đông do phủ Thăng Bình thống hạt. Huyện lỵ ở địa phận xã Tam Kỳ, tổng Chiên Đàn Trung. Huyện hạt phía đông ra đến biển, phía tây giáp Man động ở sông Tranh (vùng Trà My hiện nay), phía nam giáp giới huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, phía bắc giáp giới huyện Lễ Dương. Đông tây cách nhau 94 dặm. Nam bắc cách nhau hơn 77 dặm” (1 dặm bằng 444m44 - NV chú thích).

Chưa rõ, đến lúc nào thì vai trò quản lý hành chính của huyện Hà Đông được giao cho phủ Tam Kỳ kiêm quản? Bởi, trong các văn bản giao dịch ruộng đất ở vùng phủ Tam Kỳ, bắt đầu từ thời Bảo Đại (1925) trở đi đã mất tên huyện này, chỉ còn ghi “Quảng Nam tỉnh, Tam Kỳ phủ…”.

Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng ghi một chi tiết rất đáng chú ý, đó là tỷ lệ khá lớn dân hành nghề khai thác vàng trên tổng dân số của huyện Hà Đông (3.331 người đóng thuế làm vàng/tổng số dân hiện tịch 9.100 người) với số thuế nộp bằng vàng (có khi được nộp bằng cách quy ra tiền) là hơn 622 lạng. Qua đó, cho thấy gần 1/3 dân số lao động của huyện Hà Đông đến cuối thế kỷ 19 vẫn còn hành nghề khai thác vàng; mãi đến khi người Pháp thành lập công ty khai thác vàng ở Bồng Miêu mới chấm dứt.

Dựa vào tư liệu từ tập san BAVH xuất bản ở Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương đã công bố trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “100 năm Phủ lỵ Tam Kỳ 1906 - 2006” bản danh sách các làng xã thuộc 7 tổng của (huyện Hà Đông - NV) phủ Tam Kỳ khoảng năm 1920 (tr.66-69).

Căn cứ vào đó, có thể thấy, lúc này tổng Tiên Giang Thượng đã được tách ra để lập huyện Tiên Phước; 5 tổng còn lại của huyện Hà Đông thời Đồng Khánh (Đức Hòa, Vinh Quý, Chiên Đàn, An Hòa, Phú Quý) đã được chia lại thành 7 tổng sau: tổng Chiên Đàn (29 xã), tổng An Hòa (18 xã), tổng Phước Lợi (19 xã), tổng Đức Hòa (21 xã), tổng Đức Tân (19 xã), tổng Phú Quý (24 xã) và tổng Vinh Quý (27 xã).

Đối chiếu bản danh sách huyện Hà Đông thời Đồng Khánh (gần cuối thế kỷ 19) và bản danh sách huyện Hà Đông thuộc phủ Tam Kỳ năm 1920 có thể thấy tổng Đức Hòa (cũ) đã được chia thành 3 tổng Đức Hòa, Đức Tân và Phước Lợi; tổng Phú Quý (cũ) và tổng An Hòa (cũ) bao gồm thêm 8 làng từ huyện Lễ Dương - Thăng Bình chuyển qua; còn xã, thôn trong hai tổng Vinh Quý và tổng Chiên Đàn thì gần nguyên như cũ.

Tuy nhiên từ 223 xã, thôn, phường có vào thời Đồng Khánh đến năm 1920 huyện Hà Đông chỉ còn 157 xã. Chi tiết đó cho thấy có một sự sáp nhập làng xã và chia tách tổng khá triệt để trên địa bàn huyện Hà Đông trong quá trình được nâng lên thành phủ rồi mất hẳn tên khi phủ Tam Kỳ hoàn toàn kiêm quản huyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Huyện Hà Đông qua tư liệu xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO